Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ mặt hàng này, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo về môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng đến 8.000 đồng/lít
Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo về môi trường của Bộ Tài chính cho biết, khung mức thuế hiện hành đối với xăng là từ 1.000 - 4.000 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành đối với xăng 3.000 đồng/lít (gần bằng mức tối đa trong khung thuế). Đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (đã bằng mức tối đa trong khung thuế).
Theo đề nghị điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ của Bộ Tài chính, mức thuế tối thiểu bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng. Cụ thể, mức thuế tối đa bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành, trong đó xăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít (khung áp dụng cho lộ trình dài). Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế bảo vệ môi trường như hiện hành (300 - 2.000 đồng/lít) vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phụ vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Đưa ra cơ sở để đề nghị điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực Asean.
Khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được đề xuất từ 1.000 – 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Ảnh minh họa
Theo bảng xếp hạng tại website Global Petrol Prices vào ngày 22/5/2017, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp. Trong 170 nước thì Việt Nam đứng thứ 40 từ thấp đến cao, nghĩa là có 130 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 57, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 85, Lào đứng thứ 95.
Tại Việt Nam, giá bán lẻ xăng dầu RON92 cập nhật đến ngày 19/5/2017 là 17.270 đồng/lít, thấp hơn Lào là 4.766 đồng/lít; Philippines là 4.246 đồng/lít; Singapore là 17.270 đồng/lít; Hong Kong là 27.038 đồng/lít.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu còn phải cân nhắc đến các yếu tố khác như xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, để chủ động ứng phí với tình hình kinh tế thế giới và do tác động giá dầu thế giới có biến động lớn. Đặc biệt, việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, bởi Việt Nam hiện đã và đang tham gia 11 FTA.
Điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường chưa tác động đến giá xăng
Trả lời câu hỏi về việc điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến sản xuất kinh doanh và giá cả tiêu dùng, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ mới đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này, trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài.
Bộ Tài chính khẳng định: “Việc điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất kinh doanh”.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế và cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có chung đường biên giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, khi đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể, Bộ sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước, để đảm bảo cùng với nhiều giải pháp khác trong đó có giải pháp về cải cách hành chính, không làm giảm sức cạnh tranh cũng như sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Liên quan đến câu hỏi về việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động như thế nào đến nhiệm vụ chi nhân sách Nhà nước để giải quyết vấn đề về môi trường, Bộ Tài chính cũng cho hay, khoản thu từ thuế bảo vệ môi trường không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng các nhiệm vụ chi cụ thể mà được sử dụng để bố trí, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và hoạt động định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo quy định…
Theo Bộ Tài chính, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách Nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
Hàng năm, kinh phí ngân sách Nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường căn cứ vào yêu cầu bảo vệ môi trường, cũng như giải quyết các vấn đề về môi trường trong ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể, chi thường xuyên cho lĩnh vực bảo vệ môi trường (gồm cả nguồn vốn vay, viện trợ cho môi trường được đưa vào ngân sách Nhà nước); Chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước (gồm cả nguồn vốn vay, viện trợ được đưa vào ngân sách Nhà nước); Chi từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ các địa phương xử lý nhiệm vụ đột xuất, cấp bạch trong năm như đê kè, hồ chứa…
Nguồn tin: Vnmedia.vn