Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thực tế OPEC có thể bổ sung bao nhiêu dầu?

 

Hai tuần trước, trong một cuộc họp ngắn ngủi và không giải quyết được tình trạng lan ra từ thị trường khí đốt tăng quá nóng, OPEC+ đã xác nhận họ sẽ tuân thủ thỏa thuận tháng 7 để chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4 năm 2022 cho tới khi đưa trở lại toàn bộ 5,8 triệu thùng/ngày sản lượng đã cắt giảm.

Tổ chức này gần đây đã phải chịu áp lực tăng cường sản xuất với tốc độ nhanh hơn, trong đó có chính quyền Biden nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung và kiềm chế giá dầu đang tăng theo chiều hướng xoắn ốc. OPEC+ lo sợ sẽ làm hỏng đà phục hồi giá dầu bằng việc thực hiện bất kỳ động thái đột ngột hoặc lớn nào khi sự sụp đổ của giá dầu năm ngoái vẫn còn hằn sâu trong tâm trí họ.

Nhưng có lẽ chúng ta đã đánh giá quá cao mức sản lượng mà OPEC+ có để tăng cường sản xuất một cách nhanh chóng.

Theo một báo cáo gần đây, hiện tại, chỉ có một số ít thành viên OPEC có khả năng đáp ứng hạn ngạch sản xuất cao hơn so với mức hiện tại của họ.

Amrita Sen của Energy Aspects đã nói với Reuters rằng chỉ có Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Iraq và Azerbaijan là có thể thúc đẩy sản xuất của họ để đáp ứng hạn ngạch OPEC đặt ra, trong khi tám thành viên khác có thể gặp khó khăn do sản xuất giảm và nhiều năm thiếu vốn đầu tư.

Việc thiếu đầu tư làm đình trệ sự phục hồi

Theo báo cáo, hai ông lớn dầu mỏ của châu Phi là Nigeria và Angola là bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi hai nước này đã bơm trung bình thấp hơn 276 ngàn thùng/ngày so với hạn ngạch của họ trong hơn một năm nay.

Hai quốc gia này có tổng hạn ngạch là 2,83 triệu thùng/ngày theo dữ liệu của Refinitiv, nhưng Nigeria đã không đạt được hạn ngạch kể từ tháng 7 năm ngoái và Angola kể từ tháng 9 năm 2020.

Tại Nigeria, 5 cảng xuất khẩu trên đất liền do các công ty khai thác dầu mỏ lớn điều hành với sản lượng trung bình 900.000 thùng/ngày đã xử lý lượng dầu ít hơn 20% trong tháng 7 so với cùng thời điểm năm ngoái mặc dù hạn ngạch được nới lỏng. Sự sụt giảm là do sản lượng thấp hơn từ tất cả các giếng dầu trên đất liền cung cấp cho năm bến cảng này.

Trên thực tế, chỉ có công ty dầu khí lớn TotalEnergies (NYSE: TTE) của Pháp mới có mỏ dầu nước sâu ngoài khơi và khu cảng xuất khẩu Egina có thể nhanh chóng tăng sản lượng. Việc bật vòi hoạt động trở lại đã được chứng minh là một thách thức lớn hơn so với suy nghĩ trước đây do sự thiếu hụt nhân công, lượng tồn đọng bảo trì lớn và dòng tiền eo hẹp.

Thật vậy, có thể mất ít nhất hai quý trước khi hầu hết các công ty có thể giải quyết những công việc bảo trì tồn đọng bao gồm mọi thứ, từ bảo dưỡng giếng đến thay thế van, máy bơm và các đoạn đường ống. Nhiều công ty cũng đã không có kế hoạch khoan bổ sung để duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Angola cũng không khá hơn.

Vào tháng 6, Bộ trưởng Dầu mỏ Angola, Diamantino Azevedo, đã hạ sản lượng dầu mục tiêu cho năm 2021 xuống 1,19 triệu thùng/ngày, với lý do sản lượng giảm tại các mỏ lâu năm, sự chậm trễ trong việc khoan do COVID-19 và "những thách thức về mặt kỹ thuật và tài chính" trong hoạt động thăm dò dầu nước sâu. Con số này thấp hơn gần 11% so với hạn ngạch 1,33 triệu thùng/ngày của OPEC và còn cách xa so với mức đỉnh kỷ lục trên 1,8 triệu thùng/ngày được ghi nhận vào năm 2008.

Quốc gia Nam Phi này đã phải vật lộn trong nhiều năm khi các mỏ dầu của họ liên tục sụt giảm trong khi ngân sách thăm dò và khoan dầu không theo kịp. Những giếng dầu lớn nhất của Angola bắt đầu được đưa vào khai thác vào khoảng hai thập kỷ trước, và nhiều giếng hiện đã qua thời kỳ đỉnh cao. Hai năm trước, quốc gia này đã thông qua một loạt các cải cách nhằm thúc đẩy hoạt động thăm dò, bao gồm việc cho phép các công ty khai thác từ ​​những giếng dầu cận biên gần với những khu vực họ đã hoạt động. Thật không may, đại dịch đã làm giảm bớt tác động của những cải cách đó, và không một giàn khoan nào được đưa vào hoạt động ở nước này vào tháng Năm, lần đầu tiên điều này xảy ra sau 40 năm.

Cho đến nay, chỉ có ba giàn khoan ngoài khơi hoạt động trở lại.

Dầu dá phiến suy giảm

Nhưng không chỉ các nhà sản xuất OPEC đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất dầu.

Trong một bài viết, phó chủ tịch IHS Markit Dan Yergin nhận xét rằng gần như không thể tránh khỏi sản lượng đá phiến sẽ đảo ngược và sụt giảm do đầu tư bị cắt giảm mạnh và chỉ phục hồi sau đó với tốc độ chậm chạp. Các giếng dầu đá phiến suy giảm với tốc độ cực nhanh và do đó cần phải khoan liên tục để bổ sung nguồn cung bị mất.

Thật vậy, công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy có trụ sở tại Na Uy gần đây đã cảnh báo rằng Big Oil có thể chứng kiến trữ lượng đã được xác minh của mình cạn kiệt trong vòng chưa đầy 15 năm nữa, do khối lượng sản xuất không được thay thế hoàn toàn bằng những phát hiện mới.

Theo Rystad, trữ lượng dầu khí đã được xác minh bởi những công ty được gọi là Big Oil, cụ thể là ExxonMobil, BP Plc. (NYSE: BP), Shell (NYSE: RDS.A), Chevron (NYSE: CVX), Total (NYSE: TOT) và Eni SpA (NYSE: E) đều sụt giảm, vì khối lượng sản xuất không được thay thế hoàn toàn bằng những phát hiện mới.

Cứ cho là như vậy, nhưng đây là một vấn đề lâu dài mà tác động của nó có thể không sớm được cảm nhận. Tuy nhiên, với tâm lý phản đối gia tăng đối với các khoản đầu tư vào dầu khí, sẽ khó có thể thay đổi xu hướng này.

Các chuyên gia đang cảnh báo rằng lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch có thể tiếp tục suy thoái do một kẻ thù lớn: xu hướng lớn Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trị giá nghìn tỷ đô la. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các công ty có điểm ESG thấp đang phải trả giá và ngày càng bị cộng đồng đầu tư xa lánh.

Theo nghiên cứu của Morningstar, các khoản đầu tư vào ESG đạt kỷ lục 1,65 nghìn tỷ đô la vào năm 2020, với công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới, BlackRock Inc. (NYSE: BLK), với 9 nghìn tỷ đô la tài sản đang được quản lý (AUM), đang cố hết sức để ủng hộ cho ESG và bán bớt dầu và khí đốt.

Michael Shaoul, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Marketfield Asset Management, đã nói với Bloomberg TV rằng ESG là nhân chính cho việc giảm các khoản đầu tư vào dầu khí:

"Cổ phiếu năng lượng không còn ở gần mức giá vào năm 2014 khi giá dầu thô ở mức hiện tại. Có một vài lý do rất tốt cho điều đó. Một là nó đã ở một nơi tồi tệ trong một thập kỷ. Và lý do khác là ESG gây áp lực khiến nhiều nhà quản lý tổ chức buộc phải cắt giảm đầu tư vào nhiều lĩnh vực này".

Trên thực tế, các công ty đá phiến của Mỹ hiện đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan sau khi từ chối việc khoan mới và ưu tiên trả cổ tức và trả nợ, tuy nhiên lượng dự trữ các giếng có hiệu suất cao của họ vẫn tiếp tục giảm mạnh.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, nước này có 5.957 giếng đã khoan nhưng chưa hoàn thành (DUC) vào tháng 7 năm 2021, mức thấp nhất trong bất kỳ tháng nào kể từ tháng 11 năm 2017 từ gần 8.900 giếng, mức cao nhất năm 2019. Với tốc độ này, các nhà sản xuất đá phiến sẽ phải tăng mạnh việc khoan các giếng mới chỉ để duy trì quy trình sản xuất hiện tại.

Nếu chúng ta cần thêm bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các công ty khoan đá phiến đang tuân thủ kỷ luật mới thì đó là dữ liệu gần đây từ EIA. Dữ liệu đó cho thấy sự sụt giảm mạnh DUC ở hầu hết các khu vực khai thác dầu lớn trên đất liền của Hoa Kỳ. Điều này cũng cho thấy có nhiều giếng được hoàn thiện hơn nhưng ít hoạt động khoan giếng mới hơn. Đúng là tỷ lệ hoàn thiện giếng cao hơn đã dẫn đến sự gia tăng sản lượng dầu, đặc biệt là ở lưu vực Permian; tuy nhiên, những lần hoàn thành đó đã làm giảm mạnh lượng dự trữ DUC, điều này có thể hạn chế tăng trưởng sản lượng dầu tại Mỹ trong những tháng tới.

Điều đó cũng có nghĩa là chi tiêu sẽ phải tăng lên nếu chúng ta muốn nhìn thấy đá phiến bắt kịp sự sụt giảm sản lượng. Sẽ có nhiều hơn đi vào hoạt động, và điều đó có nghĩa là cần nhiều tiền đầu tư hơn.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM