Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Nói tất cả doanh nghiệp đầu mối xăng dầu "âm" quỹ bình ổn giá là không đúng"

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc điều hành xăng dầu trong thời gian qua chưa linh hoạt, khiến thị trường có lúc khan hiếm xăng RON95, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, chỉ có 9/28 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu "âm" quỹ. 

Tăng giá xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt

Ông Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Thông tin tất cả doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều "âm" quỹ bình ổn giá là không đúng. Ngay sau khi có phản ánh, chúng tôi đã phải họp, đánh giá doanh nghiệp "âm" quỹ, vì sao? Kết quả cho thấy chỉ có 9/28 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu "âm" quỹ bình ổn giá.

Đây đều là những doanh nghiệp đầu mối mới gia nhập thị trường, trích quỹ bình ổn còn mỏng. Không có doanh nghiệp lớn nào "âm" quỹ do bù đắp quá nhiều cho giá xăng dầu".

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, xăng dầu đang tiến tới giá thị trường, sắp tới sẽ có nhiều đầu mối hơn gia nhập thị trường từ khâu nhập khẩu đến khâu phân phối.

Việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện đúng theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. "Việc tính giá xăng dầu mỗi kỳ điều hành đã có sẵn công thức, cứ lắp số liệu thống kê mới vào là cho kết quả nên việc điều hành giá xăng dầu là nhất quán!"- ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, bản thân ông cũng từng nghĩ đến việc nên bỏ quỹ, để giá xăng dầu hoàn toàn theo thị trường.

Tuy nhiên, với bối cảnh Việt Nam hiện tại thì quỹ này vẫn cần được duy trì.

Nhờ có quỹ bình ổn giá xăng dầu nên ở các kỳ điều hành vừa qua, giá xăng dầu đã không tăng "sốc". Chẳng hạn, nếu không chi sử dụng quỹ, ở kỳ điều hành ngày 2-4, giá xăng có thể tăng cao nhất đến 3.500 đồng/lít, tác động rất lớn đến người dân.

Có ý kiến không đồng tình với quan điểm của ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc điều hành như vậy là chưa hợp lý. Vì ở kỳ điều hành vừa qua, giá dầu diezel trên thế giới đã giảm 0,17%, nhưng giá mặt hàng này trong nước vẫn tăng.

Ông Đỗ Thắng Hải nói: "Đúng là giá dầu diezel giảm 0,17% và giá dầu diezel vẫn tăng ở kỳ điều hành vừa rồi, nhưng mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá mặt hàng này đã giảm. Thực tế thì giá xăng dầu tăng 100 đồng với nhiều người vẫn được gọi là "sốc", chưa kể tăng đến 1.300 đồng/lít.

Tăng giá một chút là ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Cá nhân tôi cũng không muốn tăng... Đó là khó khăn của nhà điều hành".

Cũng theo người phát ngôn Bộ Công Thương, nhà điều hành cũng muốn đúng 15h điều hành giá nhưng các kỳ điều hành gần đây đều phải chờ chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền nên thời gian muộn hơn.

Trước đó, từ 17h chiều 2/4, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.370 đồng một lít, xăng RON 95 tăng 1.480 đồng một lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.000–1.200 đồng một lít, kg. Giá xăng RON 95 đã vượt 20.000 đồng một lít, lên mức 20.030 đồng.

Nguồn tin: anninhthudo.vn

ĐỌC THÊM