Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thỏa thuận dầu lịch sử của OPEC+: Phương thuốc thần kỳ cứu giá “vàng đen”?

Giới đầu tư kỳ vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịc sử của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung, giúp giá “vàng đen” phục hồi sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 20 năm. 

Thỏa thuận giảm sốc sản lượng được đánh giá cao

Ngày 12/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga (gọi là OPEC+), nhất trí kế hoạch cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày từ tháng 5, qua đó chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga. Kết quả này đạt được sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có cuộc đàm phán với Mexico.


Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman cho biết mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, Mỹ, Brazil và Canada sẽ giảm thêm 3,7 triệu thùng/ngày và các quốc gia khác thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ cắt giảm thêm 1,3 triệu thùng/ngày. Mexico ban đầu từ chối đề nghị cắt giảm 400.000 thùng/ngày của OPEC+ và chỉ đồng ý mức 100.000/thùng.

Sau khi OPEC+ nhất trí về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nói trên, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo gọi đây là mức cắt giảm sản lượng dầu mang tính “lịch sử”, vì lợi ích của nhà sản xuất, người tiêu dùng và nền kinh tế toàn cầu" trước tác động tiêu cực của sự bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman, cho biết mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày do sản lượng dầu của nước này cùng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait đã gia tăng kể từ tháng 4/2020.

Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei ngày 12/4 cho biết nước này cũng cam kết giảm sản lượng dầu trong nước từ mức 4,1 triệu thùng/ngày hiện nay.

Canada - nhà sản xuất dầu lớn thứ tư thế giới, cũng chính thức hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được nói trên của OPEC+. Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Seamus O'Regan nhấn mạnh, đây là thông tin tích cực và Canana hoan nghênh bất kỳ thông tin nào mang lại sự ổn định cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Theo Bộ trưởng O'Regan, chính phủ Canada đặc biệt quan ngại về tình trạng giá thiếu ổn định và nước này quyết tâm đạt được sự ổn định về kinh tế và giá cả. Canada khai thác khoảng 4,9 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 2/2020.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đánh giá cao thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu "lịch sử" mà OPEC+, vừa đạt được nhằm ngăn chặn đà lao dốc của giá “vàng đen”.

Theo tuyên bố của Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm song phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí về "tầm quan trọng to lớn của một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC+ đã đạt được".

Tổng thống Trump cũng hoan nghênh thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử khi nhấn mạnh "OPEC+ đã hoàn thành Thỏa thuận Dầu mỏ và điều này sẽ cứu vãn hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ”.

Triển vọng phục hồi đối với giá dầu

Phải nói rằng, thỏa thuận vừa đạt được của OPEC+ đã mang lại bầu không khí lạc quan và mở ra triển vọng xua tan những đám mây đen phủ kín thị trường dầu mỏ toàn cầu như hiện nay. Tuy nhiên, cam kết cắt giảm sản lượng 15 triệu thùng dầu mỗi ngày của OPEC+ và các nhà sản xuất dầu lớn cho đến nay chưa chứng minh được hiệu quả tích cực trên thị trường năng lượng.

Giá dầu đã rơi tự do kể từ giữa tháng 2 khi một số nền kinh tế lớn nhất thế giới ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Nhu cầu về dầu trên thế giới đã giảm 1/3 khi hơn 3 tỷ người ở nhà thực hiện quy định giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.


Giá dầu chưa chắc chắn phục hồi mạnh nhờ thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+

Ông Andy Lipow - chủ tịch Hiệp hội Lipow Oil tại Houston (Mỹ) nhận xét: "Công việc khó khăn còn ở phía trước do thị trường vẫn hoài nghi OPEC+ có thể thực sự cắt giảm gần 10 triệu thùng/ ngày như thỏa thuận".

Theo đánh giá của các tập đoàn, công ty tài chính và công ty năng lượng quốc tế như IHS-Markit, S&P Global-Platts, Goldman-Sachs và UBS, mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đủ để ngăn chặn một sự sụp đổ giá dầu, nhưng không đủ để kích hoạt một sức bật cho thị trường dầu mỏ. Mức cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày của OPEC+ là quá nhỏ so với quy mô của cú sốc cầu quá lớn và động thái này được tiến hành quá chậm vì mức này không đủ để bù đắp cho sự mất cân bằng từ 15 20 triệu thùng/ngày trên thị trường trong thời hạn ngắn.

Giá dầu thế giới đã tăng lên mức 31 USD/thùng sau thông tin OPEC+ đạt thỏa thuận giảm lịch sử sản lượng, song các chuyên gia năng lượng cho rằng việc cắt giảm nguồn cung của liên minh này chưa thể chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu, đồng thời cảnh báo rằng quyết định này được đưa ra quá muộn để hỗ trợ dầu mỏ.

Giới phân tích cho rằng ngay cả với mức cắt giảm 15 triệu thùng/ngày, nguồn cung toàn cầu cũng có thể bị thừa đến 5-10 triệu thùng/ngày. Công ty Nghiên cứu Rystad Energy có trụ sở tại Na Uy ước tính sự mất cân bằng về cung cầu trong tháng 4 là 27,4 triệu thùng/ngày.

Do đó, các nhà sản xuất dầu lớn trên toàn cầu cần phối hợp giảm sản lượng dầu thô từ 15-20 triệu thùng/ngày trong những tháng tới. Mặt khác, các nhà sản xuất dầu sẽ vẫn phải đối mặt với sự sụt giảm cầu liên tục do tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến giá dầu trong nhiều tháng tới./.


Nguồn tin: kinhtedothi.vn

ĐỌC THÊM