Cách đây chưa đầy hai năm, ngành năng lượng đã được khuyến cáo nên làm quen với thực tế là giá dầu và khí đốt sẽ thấp hơn trong thời gian lâu hơn vì có quá nhiều nguồn cung. Than đá đang trên đường ra đi, và tương lai trông thật xanh tươi và tươi sáng.
Thế nhưng tua nhanh đến tháng 10 năm 2021. Chúng ta có giá khí đốt cao kỷ lục, dầu trên 80 USD/thùng và nhu cầu than bùng nổ dẫn đến giá tăng vọt mà thậm chí một năm trước đây có lẽ nhiều người không thể tưởng tượng được. Chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo? Rõ ràng, là không ai biết.
Nhu cầu dầu được cho là đã gần đạt đến đỉnh điểm, nhưng hiện tại, các nhà dự báo đang điều chỉnh lại dự báo của họ vì nhu cầu dầu dường như khá phục hồi trước mọi nỗ lực kìm hãm nó một cách giả tạo.
Nhu cầu khí đốt tăng cao và giá cả cũng vậy. Và, giống như đối với dầu, các nhà phân tích đang có ý kiến trái chiều về việc liệu đây chỉ là một vấn đề tạm thời, ngắn hạn hay liệu nó có thể tiếp diễn trong một thời gian dài hơn.
“Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng mà sẽ tái diễn trong ba hoặc bốn năm tới, đơn giản vì chúng ta không có nhiều nguồn cung khí đốt tự nhiên mới vào thị trường trong giai đoạn đó,” Richard Gorry từ JBC Energy Asia nói với CNBC trong tuần trước. Ông nói thêm: “Đến năm 2025, tình hình có thể thay đổi, nhưng tôi nghĩ chúng ta chắc chắn sẽ có một vài năm mà chúng ta sẽ chứng kiến giá năng lượng cao”.
Amrita Sen tại hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects còn đi xa hơn: trong một bài báo gần đây cho Financial Times, Sen lập luận rằng giá nhiên liệu hóa thạch cao, nhưng thay vì cố gắng hạ nhiệt chúng, những người liên quan nên nắm bắt thực tế. Lý do: giá nhiên liệu hóa thạch cao hơn sẽ giúp chúng ta rời xa chúng và thay thế chúng bằng các nguồn năng lượng carbon thấp hơn.
Tuy nhiên, những người khác tin rằng sự tăng giá đột biến hiện tại chỉ là điều xảy ra tạm thời. Chẳng hạn như, người đứng đầu bộ phận chiến lược năng lượng của Citi Research, Anthony Yuen, nói với CNBC rằng mức giá hiện tại là do "sự kết hợp của các yếu tố". Theo ông, điều này có thể gây ra sự sụt giảm trong tăng trưởng nhu cầu và đẩy thị trường vào tình trạng dư cung tiềm ẩn.
Về phía nguồn cung, các công ty Hoa Kỳ đang lên kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào một làn sóng khác của các cơ sở xuất khẩu LNG. Nga đang bơm với tốc độ kỷ lục và có kế hoạch thúc đẩy sản lượng hơn nữa. Qatar đang mở rộng đáng kể công suất sản xuất khí đốt của mình trong vài năm tới và Australia đã đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo Amrita Sen, giá khí đốt cao hơn, nhất là LNG, vẫn tiếp tục duy trì do sự chậm lại trong các quyết định đầu tư cuối cùng mới trong bối cảnh thừa cung gần đây. Sen viết, việc thiếu đầu tư vào cả dầu và khí đốt và điều này có thể không thay đổi như đã từng diễn ra trong các chu kỳ hàng hóa trước đó vì áp lực của tiêu chuẩn kinh tế, xã hội và quản trị (ESG) mà các nhà đầu tư đang đặt lên ngành năng lượng cùng với các ngân hàng và các tổ chức cho vay khác.
“Hiện nay, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đang bị ngó lơ và việc rót vốn trở nên hiếm hoikhi các ngân hàng lớn của phương Tây rút lui”, Sen viết, đồng thời cho biết thêm rằng chúng ta vẫn chưa nhìn thấy toàn bộ tác động của sự suy giảm đầu tư vào dầu khí do sự gia tăng của xu hướng ESG. Điều này có nghĩa là giá dầu, khí đốt và giá than vẫn còn cao hơn nữa. Bởi vì nhu cầu vẫn không giảm.
Theo Sen, nhiên liệu hóa thạch hiện chiếm khoảng 84% nhu cầu năng lượng toàn cầu. Đây là con số tương đương với năm 1980. Điều này có nghĩa là nhu cầu dầu và khí đốt - và ở mức độ thấp hơn, than đá - là vẫn không đổi, và nó chỉ có thể giảm bớt bằng các biện pháp triệt để hoặc các xu hướng tự nhiên như không đầu tư dẫn đến giá cao ngất ngưởng.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư theo kế hoạch vào dầu và khí đốt đủ cao để khiến Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cảnh báo rằng chúng quá cao so với mức để tuân thủ Thỏa thuận Paris. Trong một báo cáo gần đây, chương trình đã cảnh báo rằng các kế hoạch sản xuất dầu và khí đốt của 15 nhà sản xuất lớn nhất mâu thuẫn với các mục tiêu phát thải của Hiệp định Paris. Nói cách khác, 15 nhà sản xuất lớn nhất này tiếp tục đặt cược vào dầu và khí đốt, bất chấp tham vọng giảm phát thải, trong đó có các mục tiêu phát thải ròng bằng không đã tuyên bố của chính họ.
Vì vậy, sẽ còn một thời gian nữa trước khi nguồn cung bắt kịp nhu cầu, nhưng giá tăng đột biến có vẻ dễ bị ảnh hưởng bởi tác động giảm nhẹ của các bản tin như tin tức về việc Gazprom bắt đầu bơm khí đốt vào các trung tâm dự trữ ở châu Âu sau khi đã lấp đầy các kho chứa trong nước. Tác động này đã dẫn đến các gợi ý rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu thực tế không phải do thiếu khí đốt mà mang tính chất đầu cơ nhiều hơn và là kết quả của sự bồn chồn từ các nhà kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu Sen nói đúng về mức độ nghiêm trọng của việc không đầu tư, thì đợt khủng hoảng tiếp theo có thể là do sự thiếu hụt thực sự của nhiên liệu hóa thạch, giống như giá than kỷ lục của năm nay là do nhu cầu đột ngột tăng vọt sau nhiều năm không đầu tư vì những nước phát triển đã cổ vũ cho sự “khai tử” nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất.
Nguồn tin: xangdau.net