Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thiếu cạnh tranh, người tiêu dùng thiệt hại

Giá dầu trên thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt trước sức ép của dư luận. Xăng dầu là mặt hàng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nên việc ngành xăng dầu cố tình giữ mức bán giá cao khiến nhiều mặt hàng khác trong nước muốn giảm cũng đành bó tay, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho người tiêu dùng.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN cho rằng:

Bà Phạm Chi Lan

- Nền kinh tế VN hội nhập ngày càng rộng, càng sâu, lẽ ra khi giá cả thị trường thế giới chuyển động thì giá cả trong nước cũng cần chuyển động nhanh theo. Chẳng hạn khi giá dầu trên thế giới giảm thì giá xăng dầu trong nước cũng phải giảm theo. Nhưng thực tế thị trường trong nước vẫn có độ trễ nhất định. Ngành xăng dầu lập luận việc chậm giảm giá vì xăng dầu đang bán nhập khẩu trước đó một thời gian, nhập khi giá cao nên giờ bán giá thấp sẽ bị lỗ.
 
Tôi cho rằng doanh nghiệp phải chủ động điều chỉnh linh hoạt với giá cả bên ngoài. Phải có một hạn định về thời gian để khi giá thị trường thế giới biến động thì các doanh nghiệp tự động điều chỉnh. Như thế đỡ phải mất công bộ nọ, bộ kia ngồi bàn bạc, mất thời gian và chính doanh nghiệp cũng lạm dụng chuyện đó để “cù nhầy” trong điều chỉnh giá.
 
Nhà nước cũng nên rõ ràng hơn về thuế. Cách Nhà nước tăng thuế khi giá thế giới giảm để thu thêm vào ngân sách như vừa rồi sẽ khó cho doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp lấy cớ chờ Nhà nước điều chỉnh thuế thì mới điều chỉnh giá, như vậy tạo cớ cho họ chậm điều chỉnh. Nhà nước nên giữ một mức thuế hợp lý và giữ mức đó tương đối ổn định. Để doanh nghiệp giảm giá là cách Nhà nước hỗ trợ mọi người và cách hỗ trợ đó rất công bằng, đến với tất cả những người sử dụng xăng dầu.
 
* Theo bà, yếu tố cạnh tranh được đặt ra trong vấn đề này như thế nào?
 
- Tôi cho rằng công cụ quan trọng nhất vẫn là tạo đủ áp lực cạnh tranh. Hiện nay, người dân phải theo những gì Nhà nước làm được chứ chưa có quyền gây áp lực đòi hỏi. Thiếu vắng sự cạnh tranh thành ra các doanh nghiệp không có sức ép, không có động lực để thay đổi theo thị trường. Do thiếu vắng cạnh tranh nên nhiều khi Nhà nước muốn ép doanh nghiệp cũng không thể ép nổi. Thế nên cả xã hội đều quen với cơ chế không có cạnh tranh đầy đủ, không có sức ép cạnh tranh để có những thay đổi thuận theo thị trường.
 
Để tạo sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu, một là xem xét thêm cơ cấu các doanh nghiệp được quyền nhập khẩu xăng dầu. Đến nay vẫn còn ít quá, chỉ có 11 đơn vị, trong đó một đơn vị chiếm hơn 60%, cộng thêm 2-3 đơn vị nữa chiếm hơn 90% đã tạo nên quyền chi phối thị trường của một vài doanh nghiệp rồi, bất lợi cho cạnh tranh rồi. Không cần so sánh với nước khác mà so với ngay quy định trong Luật cạnh tranh đã không được.
 
Nhà nước rất cần xem lại yếu tố đó, nên tạo những doanh nghiệp tham gia cạnh tranh đủ mạnh. Ví dụ như trong lĩnh vực viễn thông, kể từ khi Viettel ra đời và tham gia cạnh tranh, đơn vị này đủ mạnh để cạnh tranh với VNPT thì ngay lập tức giá cước viễn thông giảm, người tiêu dùng được hưởng lợi. Nếu Nhà nước còn coi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, chưa sẵn sàng cho khu vực tư nhân thì vẫn có thể cho doanh nghiệp nhà nước khác vào.
 
Thứ hai, Nhà nước phải xem xét lại toàn bộ giá thành. Một vị đại diện của Petrolimex nói họ đã minh bạch với Nhà nước rồi. Nhưng minh bạch thị trường đâu phải chỉ là minh bạch với Nhà nước? Chỉ Nhà nước giám sát không thôi thì đâu đã đầy đủ? Minh bạch về cơ cấu giá thành phải minh bạch cả với người tiêu dùng.
 
Một mình Nhà nước chưa đủ để nắm hết cơ cấu giá thành ở các doanh nghiệp, thành ra chúng ta cứ công nhận mức giá của họ nhưng không ai nói được liệu cơ cấu giá thành đã thật sự hợp lý hay chưa. Tương tự, giá thành ngành điện cứ tính cả thủy điện Hòa Bình vào trong khi thủy điện Hòa Bình đáng lẽ khấu hao hết rồi vì đấy là công trình viện trợ không hoàn lại của Liên Xô (cũ), thành ra chúng ta tự nhiên bị một mặt bằng giá thành cao, như thế không sòng phẳng.
 
* Bà có cho rằng việc còn độc quyền khiến không ít doanh nghiệp “làm mình làm mẩy”, tạo áp lực với Nhà nước để tăng giá và không phải giảm giá?
 
- Chính thế mới cần tạo ra sự cạnh tranh. Lực lượng cạnh tranh đủ để các doanh nghiệp không dở trò theo kiểu đó được.
 
* Chúng ta hội nhập khá lâu rồi mà vẫn loay hoay xây dựng một thị trường cạnh tranh, việc này không có lợi chút nào cho nền kinh tế?
 
- Cạnh tranh là yêu cầu cần thiết khi phát triển kinh tế thị trường hơn là chuyện hội nhập. Đối với nước ta, ngay từ khi bắt đầu phát triển thể chế kinh tế thị trường, chúng ta đã liên tục tìm cách cải thiện môi trường cạnh tranh. Luật cạnh tranh ra đời năm 2004 trước khi chúng ta tham gia WTO cũng là thể hiện việc chúng ta muốn phát triển, muốn nhìn thấy thị trường tốt đẹp.
 
Nhưng cạnh tranh của chúng ta trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế mới và với lực lượng doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn thì chừng nào chúng ta còn phân biệt doanh nghiệp theo các thành phần kinh tế khác nhau thì vẫn còn tạo nên bất lợi trong cạnh tranh. Khi hội nhập thì bất lợi trong cạnh tranh càng tăng lên vì mối đe dọa không chỉ từ những doanh nghiệp có đặc quyền, đặc lợi trong nước mà kể cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào vì họ có thế, có lực lớn thì họ cũng có thể tạo sức ép, tạo ra sự bất bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước.
 
* Theo bà, sự ràng buộc về quyền lợi giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp độc quyền gây cản trở như thế nào trong việc tạo lập thị trường cạnh tranh?
 
- Chừng nào vẫn còn cơ chế trực thuộc, chủ quản thì rất khó tránh khỏi chuyện các cơ quan chủ quản có một sự thiên vị nhất định đối với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp “ruột” của mình.
 
Chúng ta đang trăn trở tìm cơ chế làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu, tách rời khỏi vai trò quản lý trực tiếp đối với các doanh nghiệp. Khi nào tách biệt ra, các bộ chủ yếu quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành chứ không phải với doanh nghiệp thì bấy giờ mới có sự công bằng được. Lúc đó họ mới biết “thổi còi” doanh nghiệp vi phạm, doanh nghiệp cản trở sự phát triển của doanh nghiệp khác. Lâu nay chúng ta bàn nhiều nhưng tiếc rằng đến nay chưa thật sự tìm ra được cơ chế tốt. Khi các bộ vẫn vương vấn giữa vai trò chủ sở hữu và vai trò chủ quản phát triển của doanh nghiệp thì rất khó tránh được thiên vị.
 
Thật ra Nhà nước đã lập ra Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để họ có thể nắm lại các doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt vai trò quản lý trực tiếp của các bộ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Nhưng bản thân SCIC khó ôm được quá nhiều. Chúng ta học mô hình Temasek ở Singapore nhưng Temasek chỉ nắm một số doanh nghiệp rất ít, vài chục doanh nghiệp và chỉ nắm một thời gian, đến thời gian nhất định thì họ buông ra, để doanh nghiệp đó cạnh tranh bình thường trên thị trường.
 
* Có ý kiến cho rằng việc chưa tạo ra cạnh tranh trong một số lĩnh vực là do các doanh nghiệp tư nhân chưa đủ tiềm lực tham gia lĩnh vực đó?
 
- Cách nghĩ đó chưa đủ khoa học. Mình chưa chứng minh được họ có đủ lực hay không, chưa chứng minh được họ có sẵn sàng tham gia hay không khi chưa để cho họ làm. Tôi vẫn theo quan điểm cứ tạo điều kiện cho người ta làm đi, không doanh nghiệp nào có thể lớn ngay lập tức được. Ngành điện ngày đầu cũng nhỏ bé rồi mới lớn mạnh theo năm tháng. Khu vực tư nhân chưa bao giờ được cho làm thì làm sao họ có cơ hội? Cái khó nhất đối với khu vực tư nhân là mình chưa tạo ra một môi trường chống độc quyền đầy đủ.
 
Ví dụ trong ngành điện, Nhà nước kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà máy điện nhưng nếu chỉ có một mình EVN là đơn vị mua điện duy nhất thì muốn bán cũng khó được giá tốt. Vì vậy không có cơ sở để doanh nghiệp tư nhân hào hứng tham gia.
 
* Bà đánh giá thế nào về sự cần thiết của một thị trường cạnh tranh vào thời điểm này?
 
- Tôi nghĩ đã rất bức bách rồi. Nó bức bách vì năng lực cạnh tranh của mình có tăng trong những năm vừa qua, thể hiện qua việc xuất khẩu tăng lên, thị trường mở rộng, nhưng nó lại tương đối yếu so với các nước khác, những đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực và nó yếu khi đặt vào các chuẩn cạnh tranh của các nước khác trên thế giới. Tất cả những nhìn nhận bên ngoài về cạnh tranh của VN đều cho thấy khả năng cạnh tranh của VN đang bị đe dọa yếu đi so với các nước khác do một mặt môi trường kinh doanh của VN chưa đủ tạo lực cho cạnh tranh, một mặt giá đầu vào của sản phẩm VN cao so với các nước khác. Mức giá cao này một phần do chính những ngành không có cạnh tranh tốt tạo ra.
 
Thua thiệt nữa là mức chênh của doanh nghiệp cứ kéo dài. Doanh nghiệp nhà nước được dồn nguồn lực nhiều nhất mà không có sức cạnh tranh bao nhiêu. Doanh nghiệp nhỏ và vừa hay khu vực tư nhân thì gần như không lớn lên được, không có bao nhiêu doanh nghiệp từ nhỏ phát triển lên vừa và từ vừa lên lớn. Điều tra gần đây nhất trong 200 doanh nghiệp lớn nhất của VN chỉ có 17 là doanh nghiệp tư nhân.
 
* Và hậu quả của việc thiếu vắng sự cạnh tranh đổ lên đầu người tiêu dùng?
 
- Người tiêu dùng rút cuộc là nạn nhân của tất cả những gì yếu kém của nền kinh tế, của sự thiếu cạnh tranh. Khi cạnh tranh phát triển tốt, lành mạnh thì bao giờ cũng có lợi cho người tiêu dùng. Lúc chúng ta tham gia WTO và quyết định mở cửa thị trường, chúng ta dự kiến người được lợi đầu tiên là người tiêu dùng vì khi đó hàng hóa nhiều hơn, cạnh tranh hơn thì người tiêu dùng sẽ có sự chọn lựa, được cung cấp hàng chất lượng, mẫu mã phong phú hơn, giá cả thuận lợi hơn. Nhưng hiệu ứng đó trong năm đầu tham gia WTO chưa thấy.
 
Bây giờ, hàng hóa của một số nước tràn vào VN rất nhiều như hàng Trung Quốc nhưng nếu không có sự cạnh tranh tốt của các doanh nghiệp trong nước và không có kiểm soát tốt của Nhà nước thì lợi bất cập hại đối với người tiêu dùng. Lợi là giá có thể rẻ hơn nhưng chất lượng sản phẩm thì không ai đảm bảo được.

(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM