Với nguồn hàng xăng dầu khan hiếm cùng với thù lao thấp không đủ bù chi phí hoạt động, một số điểm bán xăng dầu có tâm lý sẵn sàng đóng cửa hoặc tìm cách hạn chế bán để giảm lỗ.
Thông tin về tình hình thị trường kinh doanh xăng dầu trong giai đoạn hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kinh tế thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cuộc chiến giá dầu giữa khối Opec, Nga đã đẩy giá dầu thô thế giới rớt không phanh và chưa có tiền lệ, kéo theo giá thành phẩm xăng dầu cũng giảm mạnh theo.
Tại Việt Nam, nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát Chính phủ cũng áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch như hạn chế đi lại nên nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, lưu thông giảm mạnh so với các thời điểm bình thường trước đây. Theo đó, lượng bán xăng dầu của Saigon Petro có tháng giảm hơn 50% so với bình thường.
Bộc lộ nhiều bất cập
Do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và kéo dài từ đầu năm đến hết tháng 4 nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm mạnh theo. Một số đầu mối nhỏ không có hàng tồn, tranh thủ nhập nhanh về bán phá giá với thù lao có lúc lên gần 4.000 đồng/lít.
Trong khi các đơn vị đầu mối lớn, hàng tồn kho nhiều nhưng không bán được hàng vì không cạnh tranh nổi thù lao. Hệ luỵ kéo theo là tồn kho càng nhiều, giá thành tồn kho cao và DN bị lỗ rất nặng.
Từ đầu tháng 5 một số nước đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội khôi phục hoạt động kinh tế, bên cạnh các biện pháp tiếp tục phòng chống dịch bệnh, trong đó có Việt Nam. Trước diễn biến này, giá xăng dầu thế giới cũng bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng và tăng sốc lại trong vài ngày gần đây.
Theo Nghị định 83 chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước là tối thiểu 15 ngày (đối với trường hợp giá tăng) nên ngay tại thời điểm điều hành giá xăng dầu ngày 13-5 giá cơ sở xăng Ron 95 công ty vẫn còn lỗ hơn 1.000 đồng/lít, dầu DO vẫn còn lỗ hơn 400 đồng/lít.
Từ 14-5 đến nay giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh. Với giá cơ sở mới nhất ngày 20-5 thì xăng Ron 95 (37.57 USD/thùng) công ty đã lỗ đến hơn 2.100 đồng/lít và dầu DO (37,21 USD/thùng) mức lỗ lên đến hơn 1.400 đồng/lít.
Trong khi phải chờ đến ngày 28-5 thì mới đến chu kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo từ Liên Bộ Tài chính-Công thương. Đây là một bất cập trong công tác điều hành xăng dầu mà công ty đã có nhiều lần có ý kiến đề xuất sửa đổi, rút ngắn thời gian điều hành giá nhưng vẫn chưa được xem xét.
Chưa kể, các đầu mối nhỏ trục lợi cơ chế điều hành giá, họ chỉ nhập hàng nhanh khi có lãi đến khi lỗ thì không nhập hàng nên áp lực lại đè nặng cho các đầu mối lớn.
Theo Saigon Petro, giá thế giới sẽ còn biến động thất thường, khó lường theo diễn biến dịch bệnh và cung cầu thị trường. Vì vậy, chu kỳ điều hành giá xăng dầu của nhà nước 15 ngày đã bộc lộ nhiều bất cập, không phản ảnh kịp và đúng đủ, tiệm cận với giá xăng dầu thế giới.
Do vậy, cần có sự quan tâm vào cuộc của cơ quan quản lí nhằm ổn định thị trường của một ngành hàng có vai trò quan trọng trong nên kinh tế cũng như đời sống xã hội.
Khách hàng đang đổ xăng tại một cửa hàng xăng Saigon Petro (Ảnh TÚ UYÊN)
Nguồn cung khan hiếm, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Về nguồn cung, Công ty Saigon Petro cho biết, nguồn hàng đầu vào của các đầu mối xăng dầu từ nhập khẩu, mua trong nước cũng trong tình trạng khan hiếm. Vào cuối tháng 4 Saigon Petro nhận thấy nhu cầu tăng nên chủ động mời thầu nhập khẩu các lô hàng cuối tháng 5 đầu tháng 6 nhưng không mua được.
Bên cạnh đó, nhà máy lọc dầu Bình Sơn vừa thông báo giảm 10% lượng cung cấp từ tháng 6, tháng 7 theo hợp đồng dài hạn đã ký từ đầu năm với Saigon Petro. Công ty vẫn đang nổ lực mời thầu mua bổ sung hàng cho tháng 6, tháng 7, giá mua sẽ rất cao, kinh doanh nhiều khả năng sẽ tiếp tục lỗ.
Theo Saigon Petro, việc giá cơ sở xăng dầu tăng mạnh trong khi chưa đến chu kỳ điều hành giá cùng với nguồn cung bị khan hiếm đã làm cho thị trường xăng dầu trong nước diễn biến hết sức phức tạp tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh hưởng đến việc cung cấp xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu.
Cụ thể, đối với các đầu mối xăng dầu lớn đảm bảo nguồn hàng cho lưu thông thì bị lỗ nặng từ nguồn tồn kho giá cao trước đây, cộng với lỗ của các lô hàng nhập mới trong tháng nên kéo thù lao bán hàng giảm xuống khá thấp chỉ tử 200-400 đồng/lít để giảm lỗ. Và chỉ bán theo tiến độ cho các khách hàng trong hệ thống, mua hàng thường xuyên ổn định.
Đối với một số các đầu mối nhỏ thì không nhập hàng: với nguồn hàng xăng dầu khan hiếm, nhất là các đơn vị trước đây mua hàng không ổn định, không gắn bó với đơn vị cung cấp nào. Cùng với thù lao thấp không đủ bù chi phí hoạt động, một số điểm bán xăng dầu sẽ có tâm lý sẵn sàng đóng cửa hoặc tìm cách hạn chế bán để giảm lỗ.
Sau khi cân nhắc nhiều phương án kinh doanh trong thời điểm biến động hiện nay, Saigon Petro đưa ra tiêu chí bán hàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng như sau.
Thứ nhất là về thù lao: áp dụng thống nhất mức thù lao 300 đồng/lít xăng dầu cho tất cả khách hàng trong hệ thống. Khách hàng cũng phải chia sẻ một phần lỗ để phục vụ người dân trong giai đoạn khó khăn. Vì với mức thù lao này Saigon Petro vẫn còn bị lỗ khá nặng từ 2.000-3.000 đồng/lít xăng dầu.
Thứ hai về lượng hàng cung cấp: Saigon Petro đảm bảo cung cấp cho toàn bộ nhu cầu bình thường, hợp lý cho khách hàng trong hệ thống. Tránh tình trạng đầu cơ chờ tăng giá, Saigon Petro đưa ra tiêu chí cho từng nhóm khách hàng nhu sau.
Đối với thương nhân nhận nhượng quyền: trong tháng 5 đảm bảo cung cấp theo tiến độ đủ số lượng bình quân/tháng của bốn tháng liền kề trước đó (từ tháng 1 đến tháng 4).
Trường hợp đã tiêu thụ hết theo lượng hàng bình quân như trên và đã nhận hết hàng ra khỏi kho Saigon Petro mà vẫn thiếu, tuỳ từng trường hợp cụ thể công ty sẽ xem xét cung cấp tiếp một cách hợp lý, không để xảy ra tình trạng ngừng kinh doanh.
Đối với thương nhân phân phối: từ trước nay được phép mua nhiều đầu mối nên Saigon Petro sẽ đảm bảo cung cấp theo tiến độ ngày đủ số lượng bình quân /tháng của bốn tháng liền kề (từ tháng 1 đến tháng 4).
Nguồn tin: plo.vn