Trước thời điểm giá xăng tăng gần 1.000 đồng vào tối 30/1, thị trường xăng dầu tái diễn cảnh mua bán nhỏ giọt, nhiều cây xăng kéo dài kỳ “nghỉ Tết” không chịu bán hàng.
Không để treo biển “hết xăng”
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu tiếp tục kêu than về chiết khấu xăng dầu. Có thời điểm chiết khấu áp dụng cho cả xăng, dầu DO là 50 đồng/lít, bao gồm chi phí tự vận tải.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng hiện các DN bán lẻ xăng dầu đang ở thế kẹt bởi các quy định không hợp lý. Thứ nhất: DN bán lẻ chỉ lấy hàng một nơi nên chiết khấu không cạnh tranh, sự cạnh tranh gần như bị triệt tiêu nên dẫn đến chiết khấu quá thấp, hiện tại chỉ 100-200đ/l , thậm chí là 0 đồng nên các DN bán lẻ đang lỗ rất nặng.
Thứ hai: Không quy định chiết khấu tối thiểu nên luôn bị các công ty đầu mối (nhà cung cấp) muốn cho bao nhiêu thì cho mà DN bán lẻ không được quyền thỏa thuận thêm bớt, từ đó dẫn đến nhà cung cấp tranh thủ lo giữ lại phần có lợi nên chiết khấu luôn bị cho thấp hơn điểm hòa vốn dẫn đến DN bán lẻ thua lỗ kéo dài.
Thứ ba: Do quy định xăng dầu là mặt hàng bình ổn nên bị dùng mệnh lệnh hành chính bắt buộc phải bán hàng bất kể lời hay lỗ, lễ hay Tết. DN bán lẻ bị chèn ép bởi các quy định không cần xem xét đến tính hiệu quả kinh tế hay thiệt hại của DN bán lẻ.
Ông Tây dẫn chứng, bình quân 1 cửa hàng bán lẻ bán 1.000 lít/ngày cần có 2 nhân viên để thay ca, bán giờ cao điểm, thay phiên ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi và thay phiên bán ca đêm… Lương mỗi nhân viên bình quân khoảng 7,5 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng chi lương 15 triệu đồng, tính ra mỗi ngày phải chi trả lương thấp nhất là 500.000 đồng. Tuy nhiên bán 1.000 lít xăng dầu/ngày thu được chỉ 100.000 đồng.
“Tính ra DN lỗ trắng 400.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể tiền điện, nước, khấu hao, hao hụt, chi phí sửa chữa, chi phí quản lý và công cán của chủ DN… Chưa kể một số DN đang dùng vốn vay phải trả lãi vay, thậm chí là thuê cửa hàng hay là các cửa hàng ở huyện bán dưới 1.000 lít /ngày thì lỗ còn nặng nề hơn…Trong suốt hơn 1 năm qua DN bán lẻ lỗ nặng, thể hiện rõ trên báo cáo tài chính năm” - ông Tây cho biết.
Thực tế cho thấy, trước và sau Tết Nguyên đán, tại một số tỉnh thành tái diễn hiện tượng cây xăng bán nhỏ giọt, thậm chí không bán hàng. Chẳng hạn tại Hải Phòng, Cục Quản lý thị trường thành phố này đã quyết định xử phạt hành chính đối với Cửa hàng xăng dầu Hương Phát 15 triệu đồng vì “dừng bán hàng không thông báo cho cơ quan quản lý”. Nguyên nhân ngày 25/1 (mùng 4 Tết), cửa hàng này bị phát hiện đóng cửa, treo biển hết hàng, không bán xăng dầu.
Đội QLTT số 6 - Quản lý thị trường Hải Phòng cũng kiểm tra, phát hiện Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hương Phát II, địa chỉ xã Hưng Nhân (huyện Vĩnh Bảo) tạm dừng bán xăng dầu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận xăng dầu trong bồn chứa tại cửa hàng còn ít, không đủ bơm lên các cột. Cơ quan quản lý đã yêu cầu cửa hàng này khẩn trương khắc phục tình trạng hết xăng dầu.
Trước đó ngày mùng 3 Tết (24/1), Đội Quản lý thị trường số 23 - Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phố Ba Thá (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) có hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá quy định.
Cách nào để ổn định?
Tại hội nghị tổng kết năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Petrolimex đã cho rằng, thị trường xăng dầu thế giới giai đoạn 2020-2022 diễn biến “rất dị biệt”, biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ. Giá dầu có lúc âm, có lúc vượt lên 150 USD/thùng. Điều này gây áp lực cho các DN trong hệ thống. Trong khi đó, nhiều chính sách không theo kịp diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới dẫn đến tình trạng xăng dầu nhập về đến cảng là đã lỗ. Việc giá bán thấp hơn giá vốn đã khiến các DN đầu mối cung cấp nhỏ giọt, cửa hàng bán lẻ nghỉ bán, treo biển “hết xăng dầu” vì chiết khấu bằng 0. Trong suốt tháng 10, 11 năm 2022 nhiều nơi người dân phải xếp hàng từ sáng sớm đến đêm muộn để mua xăng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên lý giải, thị trường xăng dầu trong nước chịu sự ảnh hưởng của sự đứt gãy nguồn cung thế giới, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá điều chỉnh trong biên độ lớn. Ngoài ra, các DN kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận với vốn, bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, điều kiện vay thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn, rủi ro cao. Theo ông Diên, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu nên DN càng làm càng lỗ.
Tình trạng treo biển “hết xăng dầu” đã lắng xuống sau khi Bộ Tài chính điều chỉnh các chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, thực tế, thị trường xăng dầu đầu năm 2023 lại dấy lên lo ngại về hiện tượng “đứt gãy nguồn cung”.
Câu hỏi đặt ra làm sao để cho thị trường vận hành thông suốt. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giải pháp phải là làm sao giảm thiểu được khâu trung gian, vận hành thị trường xăng dầu đúng nghĩa thị trường. Còn theo TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phải tạo được một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Hiện nay gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng. Điều này khiến cho các đại lý bán lẻ kêu ca về cơ chế chiết khấu bởi không có lựa chọn nào khác. Nguyên nhân do các đại lý, cửa hàng bán lẻ không thể chuyển từ DN đầu mối này sang DN đầu mối khác.
Từ đó, ông Ánh đề nghị cơ quan quản lý phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả khâu bán buôn, đảm bảo tính cạnh tranh của các DN đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi có biến động từ phía DN đầu mối. Bên cạnh đó phải có một cơ chế giá phù hợp, gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí…một cách chủ động và linh hoạt thì mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành.
Từ 19 giờ ngày 30/1/2023, giá xăng E5 RON92 tăng 977 đồng/lít (giá mới là 22.329 đồng/lít); xăng RON95-III tăng 993 đồng/lít (giá mới là 23.147 đồng/lít). Dầu diesel tăng 890 đồng/lít; dầu hỏa tăng 767 đồng/lít và dầu mazut tăng 568 đồng/kg. Ở kỳ điều chỉnh này, nhà điều hành quyết định trích lập Quỹ bình ổn với dầu diesel và dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít, dầu mazut là 200 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, mức chi quỹ với xăng RON 95-III là 950 đồng/lít; xăng E5 RON92 là 850 đồng/lít. Đại diện Petrolimex cho biết tính đến thời điểm điều chỉnh giá (19h ngày 30/1), Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) tại DN là 2.167 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 21/12/2022, giá xăng E5 RON92 là 19.975 đồng/lít (nay là 22.329 đồng/lít). Giá xăng RON95-III là 20.707 đồng/lít (nay là 23.147 đồng/lít).
Nguồn tin: Đại đoàn kết