Giá xăng, dầu, gas trên thị trường thế giới vài tuần qua tiếp tục giảm sâu. Trong đó riêng giá gas so với đầu tháng 11-2008 hiện đã giảm hơn 100 USD/tấn.
|
Người tiêu dùng tiếp tục bị “móc túi” nếu duy trì cơ cấu thị trường như hiện nay - Ảnh: T.ĐẠM |
Tuy nhiên khác với những lần trước, thay vì giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng, các công ty xăng dầu, gas lại dành sự ưu ái này cho các đại lý thông qua việc tăng mức chiết khấu.
Đang lãi trên 3.000 đồng/lít
Giá dầu thô ngọt nhẹ thế giới ngày 27-11 chỉ còn 52,6 USD/thùng, so với ngày 26-11, mức giá này đã giảm 1,8 USD/thùng. Trong khi đó giá xăng tại thị trường Singapore ngày 27-11 cũng chỉ dao động ở mức 42-44 USD/thùng, giảm gần 12 USD/thùng so với thời điểm ngày 15-11 (giá xăng từ 14.000 đồng/lít xuống 13.000 đồng/lít như hiện nay).
Theo tính toán của một số đầu mối nhập khẩu, giá xăng bình quân nhập về trong giai đoạn này khoảng 47 USD/thùng, tương đương 5.000 đồng/lít. Với giá này cộng các khoản thuế, phí, chiết khấu và số tiền trích ra trên mỗi lít xăng để bù vào số tiền tạm ứng bù lỗ, doanh nghiệp lãi đến 3.000 đồng/lít.
Giá gas:“hỗ trợ” đại lý 10.000 đồng/bình Với mức giảm trên 100 USD/tấn so với mức đầu tháng 11- 2008, giá gas bán lẻ trong nước dự kiến giảm tương ứng trên 20.000 đồng/bình 12kg. Tuy nhiên, trong khi hầu hết công ty kinh doanh gas vẫn chờ đến ngày chốt giá hợp đồng (CP), thì một số công ty nhỏ trong nước đã giảm khoảng 5.000 đồng/bình cho các đại lý nhằm tăng lượng bán ra. Một số nơi tăng mức “hỗ trợ ngầm” cho đại lý đến 10.000 đồng/bình. Người tiêu dùng vẫn đứng ngoài cuộc giảm giá này. Theo các công ty kinh doanh gas, việc giảm giá sắp tới là gần như chắc chắn, nhưng mức giảm bao nhiêu còn phải chờ cuối tháng. Lấy lý do thuế nhập khẩu tăng 5%, một số công ty cho rằng mức giảm sẽ “nhẹ nhàng” hơn so với giá thế giới. |
Tuy nhiên, giải thích về việc nguyên nhân giá bán lẻ trong nước chưa giảm tương ứng với giá thế giới, ông Vương Thế Dũng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), cho rằng do phải trích 1.000 đồng/lít xăng để “trả nợ” tạm ứng ngân sách nhà nước. “Việc trích này trên cơ sở lợi nhuận trước thuế, nhưng hàng bán không được làm sao có lãi mà trích. Sản lượng vừa qua tụt giảm khủng khiếp” - ông Dũng phân trần.
Vẫn theo ông Dũng, mục tiêu của việc trích bù số tiền tạm ứng ngân sách nhà nước bù cho số lỗ trước đây là khó đạt. “Lợi nhuận hiện nay không có bao nhiêu! Chúng tôi đang tích cực vận hành đúng với cơ chế thị trường. Khi xét thấy có đủ điều kiện sẽ điều chỉnh chứ không để người tiêu dùng chịu thiệt” - ông Dũng nói.
Tương tự, tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối khác lý giải: “Sở dĩ chúng tôi không thể tiếp tục giảm giá vì hiện nay thuế tăng rất cao, thuế nhập khẩu đã 25%. Nếu tính tất cả các khoản phải nộp cho Nhà nước thì đã chiếm xấp xỉ 50% trong cơ cấu giá thành một lít xăng”. Ngoài ra, tỉ giá USD/VND hiện nay cao hơn hồi tháng 10-2008 cũng là một nguyên nhân được các doanh nghiệp đầu mối đưa ra để biện minh cho việc chưa tiếp tục giảm giá bán lẻ trong nước.
“Chạy đua” tăng chiết khấu...
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, một lý do khác khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm không tương ứng giá thế giới là mức chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu dành cho hệ thống đại lý đã tăng đáng kể.
Hiện mức chiết khấu đối với xăng đã tăng vọt lên đến 1.200 đồng/lít. Thời kỳ giá xăng dầu mới bắt đầu giảm hồi tháng 9-2008, mức chiết khấu chỉ khoảng 550 đồng/lít xăng, nhưng gần đây đã tăng lên 700 đồng, rồi vượt qua ngưỡng 1.000 đồng. Mức chiết khấu này bao gồm hoa hồng và chi phí vận chuyển cho đại lý. “Nói chung mức chiết khấu này dao động theo thời gian, nhưng chưa vượt 1.000 đồng. Nếu không tăng mức chiết khấu thì doanh nghiệp có thể giảm giá bán lẻ, song điều tệ hại là các đầu mối đang tham gia vào cuộc đua “điên khùng” này” - trưởng phòng kinh doanh một công ty nhập khẩu xăng dầu cho hay.
Theo một chuyên gia trong ngành, nguyên nhân chính của cuộc đua tăng mức chiết khấu cho đại lý là vì một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu không có kho chứa lớn lại mua được hàng rẻ về muốn bán ngay để nhanh quay vòng vốn và thu lợi nhuận lớn. “Các đầu mối nhập khẩu lớn phải đua theo cuộc chơi này phần vì không muốn để mất khách hàng, phần vì muốn giải phóng hàng tồn kho nhanh khi xu hướng giá thế giới liên tục giảm” - vị chuyên gia này phân tích.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển (IDS): Vì độc quyền nên mới thế! Nếu tôi kinh doanh xăng dầu như hiện nay, tôi cũng không giảm giá. Vì cơ cấu của thị trường là như thế, vị thế của người kinh doanh là độc quyền, chi phối, thì tại sao phải hạ giá trong khi người mua buộc phải mua với giá như vậy. Không thể trách người kinh doanh mà chỉ nên trách tại sao lại để cơ cấu thị trường như thế. Tại sao lại để một doanh nghiệp chi phối 60-70% thị phần trên thị trường? Cũng chính vì cơ cấu như thế nên mới có chuyện Nhà nước phải can thiệp. Người tiêu dùng đừng có ngộ nhận rằng khi giá thế giới giảm thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ giảm tương ứng. Vì họ kinh doanh độc quyền, không có cạnh tranh. Không có cái nào gọi là lợi nhuận hợp lý cả. Doanh nghiệp mua được giá thấp, bán giá cao mới có lãi nhiều chứ. Đó là động lực kinh doanh, là làm kinh tế thị trường... Nếu là cạnh tranh lành mạnh thì người bán và người mua thỏa thuận được với nhau. Còn không thì người bán quyết định giá, người mua đành phải chấp nhận. |
(Tuổi trẻ)