Với việc công khai danh sách 7 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu bị tước giấy phép, Bộ Công Thương đã và đang có động thái cho thấy quyết tâm làm trong sạch thị trường xăng dầu trong nước.
Trong nhiều năm qua, Tổng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương đã có rất nhiều lần nhắc nhở, xử phạt hành chính nhiều cửa hàng xăng dầu trên cả nước vì hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Trong đó, chủ yếu liên quan đến hai hành vi là gian lận đong đếm hoặc gian lận chất lượng xăng. Theo đó các hành vi ngày càng tinh vi như sử dụng chip điện thử gian lận ngay vào thiết bị đo lường, từ đó bán thiếu xăng cho người dân để hưởng lợi.
Tinh vi hơn nữa là có những cửa hàng xăng ngầm mua bán xăng giả, xăng dầu kém chất lượng phối trộn trực tiếp vào bồn xăng để bán. Hành vi này nghiêm trọng hơn khi vừa trục lợi vừa có thể gây hàng loạt vụ cháy nổ phương tiện cả xe máy và ô tô - gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của người tiêu dùng, nhân dân.
Đầu tháng 8 vừa qua, trên Website "Công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu" của Bộ Công Thương đã đăng tải 7 doanh nghiệp đầu mối (xuất nhập khẩu) bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, do thiếu một số điều kiện cho hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định như: Thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu các đại lý hoặc kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký…
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị tước giấy phép gồm: Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 2 tháng kể từ ngày 26/7/2022); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 18/7/2022); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 13/7/2022);
Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 28/7/2022); Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng kể từ ngày 19/7/2022); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 7/7/2022); Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro (tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1,5 tháng kể từ ngày 12/7/2022).
Theo Tổng cục QLTT thì đến nay, đơn vị đã xử phạt hành chính và tước quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu 7 công ty xăng dầu thời hạn từ 1 đến 3 tháng và 11 công ty bị xử phạt hành chính. Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu là duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định, nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hằng năm. Các doanh nghiệp này không gửi đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công Thương trước ngày 31/1 hàng năm và gửi đăng ký điều chỉnh khi có sự thay đổi hệ thống phân phối, không xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất mà vẫn đưa dự án vào hoạt động... Với các lỗi vi phạm này, 11 công ty này bị xử phạt hành chính với tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 1,7 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước, giao Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để người có thẩm quyền xử phạt làm thủ tục giữ theo thời hạn tương ứng được ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định của Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc tước giấy phép là quy định từ 1 - 3 tháng, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã ban hành quyết định xử phạt tước giấy phép kinh doanh có thời hạn cũng là để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu mối bổ sung, hoàn thiện các điều kiện kinh doanh, xử lý hậu quả.
Trong giấy phép kinh doanh có quy định là được quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, do vậy trong quyết định xử phạt hành chính nếu có hình thức tước giấy phép là tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Còn theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, một trong những điều kiện để trở thành thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu là phải đảm bảo có 40 đại lý và 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu.
Ở đây, cần nói thêm rằng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, chịu sự chi phối của nhà nước. Bởi xăng dầu không chỉ là nhiên liệu phục vụ đi lại của người dân, các doanh nghiệp vận tải mà còn là mặt hàng an ninh quốc phòng. Do vậy, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về định mức dự trữ xăng dầu. Đơn cử như được phép kinh doanh 10 khối xăng dầu/tháng thì bắt buộc phải dự trữ 3 khối đề phòng các trường hợp cần huy động xăng dầu phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn (thiên tai) hoặc chiến tranh.
Có thể thấy rằng, để lành mạnh hóa thị trường xăng dầu trong nước, xử lý triệt để các vấn đề gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, thì cần Tổng cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương quyết liệt hơn nữa trong quản lý. Không chỉ cảnh cáo (tước giấy phép có thời hạn) mà cần kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của các đầu mối không đủ điều kiện, không tuân thủ quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.
Nguồn tin: PetroTimes