Sau khi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, thị trường xăng dầu Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thị trường xăng dầu Việt nam phát triển minh bạch hơn. Ảnh: TTXVN
Ghi nhận những đánh giá của người dân về việc điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công Thương – Tài chính từ sau khi thực hiện theo Nghị định 83, các ý kiến đều cho rằng, giá xăng đã được điều chỉnh rõ ràng, minh bạch hơn và có tính liên tục với chu kỳ 15 ngày/lần điều chỉnh.
Anh Nguyễn Anh Tú (Thanh Lương – Hà Nội) cho hay, việc điều hành giá xăng trong thời gian qua, là công khai và phản ánh được đúng theo những thay đổi của giá dầu thế giới.
Ngoài ra, các thông tin về cách tính giá cũng được các cơ quan đưa lên mạng internet, các trang điện tử, giúp người dân phần nào giám sát được quyết định giá, cũng như giá cơ sở do cơ quan điều hành công bố. Về cơ bản, người dân đã không còn "mơ hồ" về giá như trước.
Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, hiện Nghị định này về cơ bản vẫn đang được áp dụng tốt.
Tập đoàn đã thực hiện công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua hình thức đăng lên trang điện tử của Tập đoàn các thông tin về giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, báo cáo tài chính.
Hoạt động này đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 83 và Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ngay khi Nghị định 83 có hiệu lực, Petrolimex cũng đã chuyển số tiền bình ổn vào một tài khoản riêng mở tại một ngân hàng thương mại với sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Định kỳ tháng và mỗi khi điều chỉnh giá, Petrolimex đều có công khai số tiền Quỹ còn bao nhiêu, tại website của Tập đoàn.
Hiện nay, với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày một lần theo quy định tại Nghị định́ 83, giá xăng dầu trong nước đã được điều hành sát cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang ngày càng phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, có tính đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nội dung điều hành kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đăng công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để người dân, doanh nghiệp và mọi người quan tâm có thể tìm hiểu, theo dõi và giám sát.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, công tác phối hợp điều hành giá xăng dầu giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính từ trước đến nay luôn được thực hiện chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.
Đánh giá về hoạt động hiệu quả của Nghị định 83, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho rằng, về cơ bản, Nghị định thể hiện sự tự do hoá các thành phần tham gia, với việc mở rộng các thành phần kinh doanh, có tới 29 đầu mối nhập khẩu xăng dầu thay vì chỉ khoảng 17 đầu mối như trước khi có Nghị định.
Ngoài ra các cơ chế chính sách về kinh doanh xăng dầu đã tự do hơn như xin giấy phép kinh doanh xăng dầu dễ dàng hơn, thời gian thẩm định giấy phép ngắn hơn; Giá xăng dầu cũng tương đối phù hợp với giá dầu thế giới, đặc biệt là lượng xăng dầu mua vào – bán ra đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh của thị trường.
Tuy nhiên, ông Ruệ cũng cho rằng, những bất cập của Nghị định này vẫn còn tiềm ẩn, đơn cử như việc tính thuế nhập khẩu theo ASEAN lên đến 20%, quy định về dự trữ lưu thông xăng dầu trong 30 ngày; hay tính thuế bình quân gia quyền, sử dụng chi quỹ bình ổn... đều không đúng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, gây khó cho doanh nghiệp.
Do đó, ông Ruệ kiến nghị, cần phải sửa đổi, bổ sung Nghị định này, thậm chí nếu cần thiết thì làm luôn Nghị định mới để giải quyết các yếu tố tồn tại này. Trong đó, nếu làm lại thì phải thật thị trường hoá.
Bởi lẽ Nghị định 83 không hề nói gì về việc doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu. Nhưng thực chất năm 2016 đã có nước ngoài tham gia vào cùng các doanh nghiệp Petrolimex, Nghi Sơn. Do đó cần phải có một chương mới quy định về việc nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu.
Bên cạnh đó, cần tính thuế nhập khẩu ở mức 10% với xăng để người tiêu dùng được hưởng lợi về giá; sử dụng quỹ bình ổn thì đảm bảo đúng quy định, khi biến động giá dưới 3% thì doanh nghiệp tự quyết định giá, từ 3-7% thì mới sử dụng quỹ bình ổn.
Về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, ông Ruệ đề nghị cần thực hiện 10 ngày điều chỉnh một lần để đảm bảo đánh giá sát hơn chiều hướng lên xuống của thị trường xăng dầu thế giới;
Đối với việc dự trữ lưu thông xăng dầu trong 30 ngày, hiệp hội kiến nghị giảm xuống còn 15 ngày, để giảm gánh nặng về chi phí, kho chứa cho doanh nghiệp.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thời gian tới, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để đảm bảo điều hành kinh doanh xăng dầu hiệu quả, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.
Hiện Bộ Công Thương đang trong quá trình tổng hợp, xem xét những nhược điểm, vướng mắc để đề xuất, báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.
Nguồn tin: Bnews