Giá dầu thế giới biến động thất thường trong tuần qua, trong bối cảnh tình hình thương mại toàn cầu tiếp tục bất ổn, giữa lúc giới giao dịch ngày càng quan ngại về triển vọng cung-cầu “vàng đen”.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm liên tiếp tuần thứ ba . Ảnh minh họa: TTXVN
Giá dầu thế giới biến động thất thường trong tuần qua, trong bối cảnh tình hình thương mại toàn cầu tiếp tục bất ổn, giữa lúc giới giao dịch ngày càng quan ngại về triển vọng cung-cầu “vàng đen”.
Khép tuần với mức giảm, giá dầu ngọt nhẹ WTI chứng kiến tuần đi xuống thứ ba liên tiếp.
Ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này nhận thấy Iran đã có một số động thái cho thấy khả năng “gia tăng căng thẳng”, chỉ một ngày sau thông báo Mỹ triển khai tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom tới Trung Đông.
Điều này giúp giá dầu hưởng lợi, cho dù có lúc rơi xuống mức thấp trong một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lời đe dọa tăng thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung “nóng” lên có nguy cơ tác động xấu tới nền kinh tế thế giới, khiến nhiều người lo ngại hơn về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Đây là nhân tố chính đẩy giá dầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/5, trước khi phục hồi ở phiên sau đó, nhờ báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/5, nhiều hơn so với dự báo giảm 1,2 triệu thùng của các nhà phân tích.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 30% trong bối cảnh triển vọng nguồn cung toàn cầu đã thắt chặt lại do lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên các nhà xuất khẩu dầu thô Iran và Venezuela, cũng như thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga.
Một quan chức ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh, Washington sẽ không cấp bất kỳ quy chế miễn trừ trừng phạt cho các nước để mua dầu Iran đồng thời đe dọa sẽ “sớm” áp thêm lệnh trừng phạt lên Tehran.
Bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc và việc chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh cũng tác động đến giá dầu.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/5, giá dầu kỳ hạn của hai loại dầu chủ chốt là Brent và WTI biến động ngược chiều nhau, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang kiềm chế đà tăng của giá “vàng đen”.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2019 tại thị trường New York mất 4 xu Mỹ (tương đương 0,1%) xuống 61,66 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7/2019 lại tăng 23 xu Mỹ (0,3%), lên 70,62 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI giảm 0,5%, đánh dấu tuần đi xuống thứ ba liên tiếp.Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent cũng giảm 0,3% trong tuần.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đã không đạt được một thỏa thuận cuối cùng sau vòng đàm phán thương mại thứ 11 diễn ra trong hai ngày tại Washington (Mỹ).
Điều này khiến quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% của Mỹ đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào nửa đêm 9/5.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định căng thẳng thương mại đã khiến những nỗi lo về tăng trưởng kinh tế quay trở lại, điều có thể sẽ dẫn đến suy giảm nhu cầu dầu thô.
Tuy nhiên, theo ông, sự lạc quan về khả năng sớm đạt được một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế hơn các dự báo rằng các cuộc đàm phán bị đổ vỡ, bởi vậy vấn đề thương mại có thể nhanh chóng trở thành nhân tố hỗ trợ thị trường năng lượng.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang khi quốc gia sản xuất dầu này tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tiến gần hơn đến việc phá vỡ thỏa thuận mang tính bước ngoặt.
Trong tháng Tư, Nga đã phải ngừng hoạt động bơm dầu qua tuyến đường ống dẫn dầu Druzhba, đường ống dẫn dầu chủ chốt sang Đông Âu và Đức, do đường ống này bị nhiễm bẩn.
Động thái trên đã khiến các nhà máy lọc dầu “vội vàng” tìm kiếm nguồn cung. Xuất khẩu dầu của Venezuela, nước cũng chịu các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, có thể giảm nhiều hơn trong những tuần tới.
Tình hình này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ nguồn cung dầu tiếp tục bị thắt chặt, tạo lợi thế cho giá dầu đi lên./.
Nguồn tin: bnews.vn