Giá dầu thế giới thời gian gần đây tăng giảm đan xen qua các phiên nhưng có vẻ vẫn trong đà đi lên. Thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ sớm cân bằng trở lại trong thời gian gần là nhận định chung của không ít chuyên gia.
Mới đây nhất, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia, ông Amin H. Nasser nói rằng chênh lệch cung cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đang dần thu hẹp và cho thấy rất có thể thị trường sẽ tái cân bằng vào nửa đầu năm 2017.
Đánh giá của ông Nasser vào ngày 1/11 khá trùng với dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trước đó. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cách đây ít ngày nhận xét rằng với các điều kiện hiện tại, sản lượng khai thác “vàng đen” toàn cầu sẽ tăng vượt cầu cho đến nửa sau năm 2017. Tuy nhiên, nếu các nước sản xuất dầu trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có các biện pháp can thiệp vào thị trường thì sự tái cân bằng có thể diễn ra sớm hơn.
Các đại diện cấp cao của OPEC và sáu quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn khác – gồm Azerbaijan, Brazil, Kazakhstan, Mexico, Oman và Nga – cuối tháng 10 đã kết thúc các cuộc bàn luận một cách “hiệu quả và có tính xây dựng”.
Biên bản cuộc họp trong khuôn khổ cuộc họp đa phương vừa qua tại Vienna (Áo) lưu ý rằng mặc dù thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng mà OPEC thống nhất hồi tháng 9 đã có những tác động tích cực đến giá dầu song vẫn chưa thể đưa giá mặt hàng này lên 50 USD/thùng, mức chưa bằng một nửa giá của ba năm trước.
Tình trạng dư thừa nguồn cung đã khiến giá dầu thô rớt từ 100 USD/thùng trong tháng 6/2014 xuống dưới 30 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 13 năm, vào tháng 2/2016. Kết thúc phiên 1/11, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WTI giảm 19 xu xuống 46,67 USD/thùng. Giá dầu Brent có lúc chạm mức thấp nhất trong một tháng qua và được giao dịch ở mức 47,72 USD/thùng, trước khi nhích lên 48,14 USD/thùng.
Cuộc họp của các bộ trưởng dầu mỏ trong khối OPEC dự kiến diễn ra vào ngày 30/11, nhằm tìm ra một hướng đi giúp chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung và ngăn chặn sự lao dốc của giá dầu. Để vực dậy giá “vàng đen”, các nước thành viên có thể sẽ phải chấp nhận cắt giảm số dầu mỏ bán ra thị trường – điều mà bấy lâu nay họ vẫn luôn né tránh.
Một giả thuyết khác được đưa ra đó chính là để Saudi Arabia – “ông lớn” trong OPEC và đang cung cấp đến gần 1/3 trong tổng sản lượng dầu lên đến 33 triệu thùng/ngày của khối, trở thành quốc gia duy nhất phải hạn chế nguồn cung vào thị trường năng lượng. Tuy nhiên, để đạt được điều này không phải dễ dàng vì lâu nay Riyadh luôn chú trọng vào chính sách chỉ “thêm” chứ không “bớt” để cạnh tranh với sản phẩm dầu khí đá phiến của Mỹ.
Nguồn tin: Vfpress