Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường tiêu dùng sau đợt giảm giá xăng, dầu: Tác động nhẹ và nhất thời

Từ tháng 8 đến nay, xăng dầu đã qua 7 lần giảm giá. Tuy nhiên, lần giảm giá xăng gần đây nhất mới khiến người tiêu dùng dễ thở và giá nhiều mặt hàng cũng bắt đầu giảm nhẹ. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, giá cả giảm không hoàn toàn vì giá xăng giảm và mức giá này có thể chỉ duy trì trong ngắn hạn.
 
4 mặt hàng phổ dụng nhất đã giảm giá

Qua khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại và thị trường tự do, đến thời điểm này 4 mặt hàng được sử dụng nhiều nhất là rau, thịt, gạo và dầu ăn đã giảm giá từ 7- 10%. Đáng kể nhất là gạo, bởi tất cả các loại gạo đã giảm từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, như gạo Bắc hương giảm từ 15.000 đồng/kg xuống còn 13.000 đồng/kg, gạo Tám thơm từ 17.000 đồng/kg xuống còn 15.000 đồng/kg, gạo Si dẻo giảm từ 13.000 đồng/kg xuống còn 10.500 đồng/kg. Thậm chí, gạo loại thấp nhất còn có giá 7.000 đồng/kg. 

Các loại dầu ăn cũng tiếp tục giảm thêm 10.000 đồng/bình 5 lít. Đường cát và các sản phẩm có sử dụng dầu cũng giảm nhẹ. Giá lợn hơi tiếp tục giảm thêm 5.000- 6.000 đồng/kg so với đầu tháng 11, còn 31.000 - 35.000 đồng/kg. Theo đó, giá thịt bán ra ngoài thị trường cũng có mức giảm tương tự như thịt thăn nạc giảm từ 75.000 đồng/kg còn 70.000 đồng/kg, các loại thịt sấn giảm từ 65.000 đồng/kg xuống còn 60.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, GĐ hệ thống siêu thị Vinatex, giá thịt gà trên thế giới đã giảm mạnh. Giá thịt gà nhập khẩu bán trên thị trường cũng giảm từ 4.000 - 5.000 đồng/kg... Các loại hải sản tươi sống giảm 10 - 14% như cá quả giảm từ 70.000 đồng/kg xuống còn 60.000- 65.000 đồng/kg; tôm sú loại 30con/kg giảm từ 140.000 đồng/kg xuống còn 120.000 đồng/kg...
 
Giá rau mà thời gian gần đây nhiều bà nội trợ lo ngại nhất cũng đã bắt đầu hạ nhiệt. Theo Ban Quản lý chợ nông sản Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), thì lượng rau quả về chợ đầu mối  tăng hơn 10% so với tuần trước. Chủ yếu là nguồn rau từ các vùng như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... và rau nhập từ Trung Quốc cũng đã bắt đầu xuất hiện trong vòng 1 tuần trở lại đây, nên giá các loại rau, củ đã giảm từ 7- 10%. Tuy nhiên, với rau nhập về từ Trung Quốc, theo ông Nguyễn Hồng Bảo, Phó chi cục trưởng, Chi cục QLTT Hà Nội, rất khó kiểm soát chất lượng nếu không có sự phối hợp kịp thời giữa ngành hải quan và y tế.
 
Bên cạnh đó, giá dịch vụ vận chuyển cũng tiếp tục giảm: giá xe khách giảm từ 10- 13%; hầu hết các hãng taxi cũng tiến hành giảm cước 500 đồng/km.
 
Người tiêu dùng còn được mua hàng với giá giảm trong một tháng tới. Ảnh: C.H
 
Giá giảm không  hoàn toàn vì giá xăng giảm
 
Dù nhiều mặt hàng đã bắt đầu giảm giá trong vài ngày trở lại đây, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm giá này không hoàn toàn vì giá xăng giảm. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương phân tích, thời gian gần đây sức tiêu thụ của hầu hết các mặt hàng đều rất chậm. Mọi năm, vào tháng 11, doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị Vinatex đã bắt đầu tăng mạnh, nhưng năm nay đến thời điểm này doanh số vẫn chưa có gì thay đổi. Do đó, giảm giá kích cầu là điều mà nhiều nhà sản xuất và kinh doanh buộc phải tính đến, tất nhiên trong đó cũng có sự góp phần của việc giảm giá xăng, dầu.
 
Sau một tháng nữa giá hàng hoá sẽ tăng
 
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, mức giảm giá này có thể chỉ giữ trong vòng một tháng. Vì đến thời điểm hiện nay, giá cả vẫn phụ thuộc chủ yếu vào cung cầu thị trường.
 
Trong khi đó, giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu hàng hoá tăng cao. Do đó, giáp Tết, giá các loại hàng hoá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng trở lại.
Ông Nghiêm Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, trong thời gian gần đây giá cả hàng hóa không phụ thuộc vào giá xăng, mà phần lớn phụ thuộc vào khả năng cung- cầu của thị trường. Cũng không thể đoán trước được điều gì xảy ra, vì việc tăng hay giảm giá một mặt hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ  là giá xăng dầu. Đơn cử như mặt hàng rau, củ, quả vẫn đứng ở mức giá đắt đỏ.
 
Một yếu tố có tác động khá mạnh đến việc giảm giá hiện nay là Bộ Tài chính mới đưa vào danh sách 15 mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá gồm xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, gas, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, muối, sữa, đường ăn, thóc gạo, cước vận chuyển... Khi giá cả trong nước biến động bất thường trong khoảng thời gian tối thiểu 15 ngày, Bộ Tài chính có quyền căn cứ vào tình hình thực tế báo cáo Chính phủ các phương án giá bình ổn thị trường, như căn cứ vào tình hình thực tế để quy định giá tối đa, tối thiểu cho mặt hàng trong diện bình ổn giá. Sau khi có quyết định này, những mặt hàng khác cũng có hiệu ứng dây chuyền theo chiều giảm giá.
 
 (Giadinh.net)

ĐỌC THÊM