Sự sụt giảm này đã xảy ra trước cả khi kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử - cho thấy người Anh đã chọn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) - chưa được công bố.
Trong suốt quá trình kiểm phiếu, đồng bảng Anh dường như cũng theo sát “nhịp đập” với kết quả phiếu bầu ở từng thời điểm.
Giá vàng – kênh đầu tư được cho là thiên đường an toàn cho các nhà đầu tư trong thời buổi hoảng loạn, đã tăng mạnh khi tiếp nhận tin Anh sẽ rời bỏ EU. Giá vàng đã tăng gần 8,1%.
Giới đầu tư cũng đổ xô tới một thiên đường an toàn khác là đồng yen của Nhật Bản nhưng điều đó lại khiến giới hoạch định chính sách đất nước mặt trời mọc đau đầu.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda cam kết ngân hàng trung ương nước này sẽ cung cấp đủ khả năng thanh toán sau cuộc bỏ phiếu Brexit. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói rằng ông rất quan ngại về tác động kinh tế của Brexit.
Vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của London cũng bị đặt dấu hỏi trong khi nguồn đầu tư vào nền kinh tế Anh cũng có thể sụt giảm. Anh là nền kinh tế lớn thứ hai EU và lớn thứ 5 thế giới. Rời EU có thể khiến Anh mất đường vào từng thị trường riêng lẻ của các nước thành viên và buộc nước này phải ký kết các thỏa thuận thương mại mới trên khắp thế giới.
Thị trường châu Á chao đảo
Chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 7,7%, chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,9%, chỉ số ASX/200 (Úc) giảm mạnh 3,4%, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,2%, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm 4,7%... là một số phản ứng tại thị trường châu Á trước tin Anh rời EU.
Ngoài ra, đồng won (Hàn Quốc) giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ tháng 10-2011.
Nguồn tin: http://nld.com.vn/