Thị trường hàng hóa quốc tế vừa trải qua một phiên thăng hoa khi giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu không chỉ tăng mà còn lập những kỷ lục cao mới. Giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD, giá thép lập đỉnh mới, trong khi ngô cao nhất hơn 8 năm, nhôm đạt đỉnh 3 năm, cà phê cao nhất 4 năm, cao su cao nhất 6 tuần…
Dầu giảm 1% do lo ngại về Covid-19 ở Ấn Độ
Giá dầu giảm trong phiên vừa qua do số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ và nhiều nơi khác tăng, mặc dù mức giảm giá được hạn chế bởi tồn kho dầu thô ở Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 87 US cent (1,3%) xuống 68,09 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 92 US cent (1,4%) xuống 64,71 USD/thùng.
Phiên 5/4, giá cả 2 loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 3.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Khi Saudi Arabia giảm giá bán dầu thô thì đó là lời cảnh báo rõ ràng rằng Covid-19 sẽ vẫn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu".
Ấn Độ công bố số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 mỗi ngày đều tăng lên mức cao kỷ lục mới, và virus đã lây lan từ thành phố đến làng mạc trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nước này hy vọng đợt virus lần thứ 2 này sắp lên đến đỉnh điểm. Dịch bệnh ở Ấn Độ gây lo ngại nhu cầu dầu thế giới sẽ hồi phục chậm lại.
Vàng vượt 1.800 USD/ounce khi lợi tức trái phiếu và USD đều giảm
Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên vừa qua do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều giảm.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.814,5 USD/ounce; trong phiên có lúc giá đạt 1.817,9 USD, cao nhất kể từ ngày 16/2. Giá vàng kỳ hạn tháng 6/2021 tăng trên 1,8% đạt 1.815,7 USD/ounce.
Phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm, trong khi chỉ số dollar index cũng mất 0,4%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư vàng sử dụng những loại tiền tệ khác.
Giá vàng phiên này tăng mặc dù dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 13 tháng.
Bất chấp một số những dữ liệu kinh tế lạc quan gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dường như vẫn giữ nguyên lập trường giữ chính sách tiền tệ siêu lỏng như hiện nay – điều được cho là sẽ đẩy lạm phát của Mỹ tăng lên, từ đó đẩy giá vàng tăng theo.
Đồng, nhôm và các kim loại cơ bản khác tăng do quan hệ Trung Quốc – Australia xấu đi
Giá đồng phiên giao dịch vừa qua trên sàn London kết thúc ở mức tăng 1,4% lên 10.085,5 USD/tấn, trong khi kẽm tăng 0,3% lên 2.940 USD/tấn, nickel vững ở 17.900 USD/tấn và chì tăng 1,7% lên 2.212 USD/tấn.
Đáng chú ý, giá nhôm phiên này đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ 2018, là 2.500 USD/tấn, do những dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và căng thẳng gia tăng giữa nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới này với nhà cung cấp nguyên liệu chính của họ là Australia.
Theo đó, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2,1% lên 2.494,5 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá nhôm hợp đồng tham chiếu cũng tăng 2,7% lên 19/385 CNY/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2010.
Ngô, lúa mì và đậu tương tiếp tục tăng
Giá ngô Mỹ tiếp tục đà tăng lên mức cao kỷ lục mới trong vòng 8 năm do thời tiết khô hạn đe dọa làm giảm sản lượng ở Brazil, khiến các thương nhân chuyển hướng chú ý vào nguồn cung trên toàn cầu. Giá đậu tương phiên này cũng trở lại mức cao kỷ lục 8,5 năm của tuần trước do nhu cầu dầu thực vật tăng. Giá lúa mì cũng đi lên.
Các nhà phân tích cho biết Brazil mất mùa ngô do khô hạn có thể sẽ buộc các nhà nhập khẩu phải chuyển hướng sang mua của Mỹ, nơi vốn đã và đang chật vật trong cảnh lượng dự trữ còn rất ít.
Brian Hoops, chủ tịch công ty môi giới Midwest Market Solutions của Mỹ cho biết: "Brazil vẫn đang rất khô hạn" và "Vụ mùa của họ đang mất dần."
Doanh số xuất khẩu ngô của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/4 chỉ đạt 243.500 tấn ngô, thấp hơn mức dự báo là 300.000 đến 1,5 triệu tấn sau những đợt giá tăng mạnh gần đây.
Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn giao dịch nhiều nhất – tháng 7/2021 - tăng 10-1/4 cent lên 7,18-3/4 USD/bushel vào kết phiên, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2013 là 7,22-1/2 USD. Giá ngô kỳ hạn tháng 12 – đại diện cho nguồn cung ngô vụ thu hoạch mùa Thu –cũng tăng 20-3/4 cent lên 6,25-1/2 USD/bushel, có lúc đạt 6,28 USD.
Giá lúa mì cũng tăng 8-3/4 US cent lên 7,53-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 27-1/4 US cent lên 15,69-1/2/bushel.
Cà phê arabica cao nhất 4 năm
Giá cà phê arabica phiên vừa qua đạt mức cao kỷ lục hơn 4 năm do lo ngại sản lượng của Brazil sụt giảm, trong bối cảnh nhu cầu sắp hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên vừa qua, arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 4,45 US cent, tương đương 3,0%, lên 1,543 USD/lb, cao nhất kể từ tháng 1/2017.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Colombia cũng làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cà phê từ nước này.
Giá robusta phiên vừa qua cũng tăng 9 USD (0,6%) lên 1.547 USD/tấn.
Đường tăng tiếp
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 phiên vừa qua tăng 0,02 US cent (0,1%) lên 17,55 US cent/lb lúc đóng cửa giao dịch, sau khi có lúc đạt tới 17,89 US cent. Tiền real của Brazil đã tăng 1,5% so với USD trong phiên vừa qua.
Thị trường đường cũng đang tập trung theo dõi diễn biến thời tiết ở Brazil để xác định mức sản lượng của nước này do hạn hán đang hoành hành tại nước sản xuất đường lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, trên thị trường xuất khẩu, các nhà xuất khẩu đường Brazil vẫn có mặt đầy đủ, với giá bán từ các nhà máy đường nước này không biến động nhiều.
Giá đường trắng phiên này tăng 2,1 USD (0,5%) lên 462,90 USD/tấn.
Bông tăng 3%
Giá bông Mỹ tăng 3% lên mức cao nhất hơn 1 tuần do lo ngại nguồn cung sụt giảm và cũng do USD yếu đi.
Trên sàn New York, bông kỳ hạn tháng 7 đã tăng 2,56 US cent, tương đương 2,93%, lên 89,89 cent/lb vào lúc 13h08 chiều theo giờ địa phương, cao nhất kể từ ngày 29/4.
Cao su lên cao nhất 6 tuần
Giá cao su tại Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần trong phiên giao dịch đầu tiên trở lại sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, theo xu hướng tăng chung của giá hàng hóa trên toàn cầu và những dữ liệu kinh tế tích cực phát đi từ một số nền kinh tế lớn nhất thế giới – thúc đẩy nhu cầu đối với những tài sản rủi ro như hàng hóa.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 10 tăng 5,3% lên 257,9 JPY (2,4 USD)/kg vào kết phiên. Trong phiên có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ 25/3 là 258 JPY/kg.
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 giá tăng 450 CNY lên 14.375 CNY (2.220 USD)/tấn vào lúc đóng cửa giao dịch, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 7/4, là 14.390 CNY/tấn. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 5 cũng tăng 1,9% lên 171,7 US cent/kg.
Thép cao kỷ lục
Giá thép giao dịch tại Trung Quốc phiên vừa qua tăng lên mức cao kỷ lục mới do nhu cầu mạnh trong khi giá nguyên liệu tăng cao.
Trên sàn Thượng Hải lúc đóng cửa phiên giao dịch, giá thép thanh vằn tăng 4,7% lên kỷ lục cao mới là 5.672 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 4% và cũng đạt kỷ lục 5.957 CNY/tấn; trong khi thép không gỉ tăng 4,3% so với phiên giao dịch liền trước (30/4).
Giá quặng sắt phiên này cũng tăng do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xấu đi. Australia là nhà cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt phiên vừa qua tăng 6,8% lên 1.184 CNY (182,77 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 4,9% lên 196,1 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 7/5