Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường ngày 30/7: Giá dầu chạm 76 USD, vàng tăng vọt, cao su đạt đỉnh 3 tuần

 Giá nhiều mặt hàng tăng trong phiên vừa qua, một trong những lý do quan trọng là USD giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng.

Dầu thô Brent đạt 76 USD/thùng do nguồn cung thắt chặt

Giá dầu tăng trong phiên vừa qua, với dầu Brent đạt 76 USD/thùng, do nguồn cung tại Mỹ thắt chặt hơn nữa sau khi dự trữ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2020.

Theo đó, giá dầu Brent tăng 1,31 USD/thùng, tương đương 1,75%, lên 76,05 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 1,23 USD, tương đương 1,7%, lên 73,62 USD/thùng.

Dữ liệu từ Genscape cho biết tồn kho dầu tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma tiếp tục giảm. Dự kiến đến 2/8, lượng tồn trữ ở Cushing chỉ còn 36,299 triệu thùng, giảm 360.917 thùng so với ngày 23/7.

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng cũng góp phần đẩy giá dầu tăng. Theo đó, dollar index giảm 0,41% xuống 91,882, mức thấp nhất kể từ ngày 29 tháng 6. Đồng USD giảm giá đã đẩy đồng euro tăng 0,39% lên 1,1888 USD, mức cao nhất trong hơn 3 tuần. Đồng USD yếu đi thúc đẩy một số nhà đầu tư tăng nhu cầu đối với những hàng hóa tính bằng đồng USD, bao gồm cả dầu thô.

Vàng tăng do Fed giữ thái độ ôn hòa

Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên vừa qua do nhà đầu tư vui mừng với những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, cho thấy ngân hàng trung ương khó có thể sớm tăng lãi suất.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.830,11 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ ngày 15/7, là 1.832,40 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 phiên này cũng tăng 1,8% lên 1.831,2 USD/ounce.

Giá đồng tăng do nhà đầu tư lạc quan

Giá đồng tăng trong phiên vừa qua sau khi Fed thông báo chưa vội thắt chặt chính sách tiền tệ và Trung Quốc nỗ lực xoa dịu những lo ngại về việc siết chặt những quy định đối với đầu tư.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mạnh lên và USD giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng, giúp kim loại – tính bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên tăng 1,3% lên 9.816 USD/tấn, gần sát mức cao kỷ lục 10.747,50 USD đạt được hồi tháng Năm.

Nhiều nhà phân tích dự báo nhu cầu đồng trong lĩnh vực năng lượng và xây dựng sẽ vượt xa nguồn cung trong những năm tới, nhưng với việc giá đã tăng 60% từ đầu năm 2020, khả năng giá sẽ giảm vào cuối năm nay.

Lúa mì, đậu tương và ngô tăng do khô hạn ở Mỹ

Giá lúa mì Mỹ tăng vượt 7 USD/bushel lần đầu tiên trong vòng 1 tuần do hạn hán ở đồng bằng phía Bắc vành đai trồng lúa mì vụ Xuân của Mỹ. Theo đó, lúa mì kỳ hạn tháng 9 trên sàn Chicago tăng 16-1/2 cent lên 7,05-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 7,06-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 22 tháng 7. Trên Sàn giao dịch ngũ cốc Minneapolis, lúa mì vụ Xuân kỳ hạn tháng 9 tăng 14-3/4 cent lên 9,18-1/2 USD/bushel.

Giá ngô và đậu tương cũng tăng do lo ngại rằng hạn hán cũng có thể hạn chế triển vọng sản lượng 2 loại nông sản này. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 7-1/2 cent lên 5,56-1/2 USD/bushel, đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 16-3/4 cent lên 13,77-3/4 USD/bushel.

Giá đường giảm khỏi mức cao nhất 5 tháng

Giá đường thô giảm khỏi mức cao nhất 5 tháng khi các nhà đầu tư xem xét lại các dự báo về thiệt hại của khô hạn và băng giá đối với mùa vụ của Brazil.

Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,31 cent, tương đương 1,7%, xuống 18,30 cent/lb, sau khi có lúc đạt mức đỉnh 5 tháng, là 18,81 US cent.

Giá đường trắng giao tháng 10 phiên này cũng giảm 7,10 USD, tương đương 1,5% xuống 451,40 USD/tấn.

Cà phê giảm

Giá cà phê arabica giảm cũng do sự điều chỉnh việc mua vào của các nhà đầu tư trong lúc xem xét lại mức độ thiệt hại của băng giá đối với các nông trường cà phê Brazil.

Kết thúc phiên giao dịch, cà phê arabcia kỳ hạn tháng 9 giảm 3,95 cent, tương đương 2,0%, xuống 1,965 USD/lb.

Dự báo sẽ có một đợt sương giá ở Brazil vào cuối tuần này, sau khi đã có một đợt ở cuối tuần trước, song sẽ không gây thiệt hại quá lớn.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 phiên này cũng giảm 45 USD, tương đương 2,3% xuống 1.885 USD/tấn, do chịu ảnh hưởng từ việc arabica giảm giá.

Giá cà phê nội địa tại Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, tăng mạnh trong tuần này, giữa bối cảnh nguồn cung hạn chế vì đã cuối vụ. Xuất khẩu cà phê Việt Nam dự báo giảm.

Dầu cọ tăng hơn 2%

Giá dầu cọ Malaysia tăng hơn 2% sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, do giá đậu tương Mỹ tăng.

Dầu cọ kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 123 ringgit, tương đương 2,7%, lên 4.431 ringgit (1.045,79 USD)/tấn.

Giá cao su đạt đỉnh 3 tuần

Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong gần ba tuần, do kỳ vọng nền kinh tế Mỹ phục hồi.

Theo đó, cao su kỳ hạn tương lai trên sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,6% lên 215,6 yên (1,96 USD)/kg. Trước đó, trong phiên giao dịch này, giá có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 12/7 là 219,9 yên/kg.

Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn giao dịch nhiều nhất cũng tăng 1,5% lên 13.370 CNY (2.067,96 USD)/tấn.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt kỳ hạn tại châu Á giảm trong phiên vừa qua do dự báo nhu cầu sẽ giảm đối với nguyên liệu sản xuất thép ở nước mua hàng đầu là Trung Quốc, bất chấp thông báo về việc xuất khẩu từ nhà sản xuất lớn nhất thế giới - Rio Tinto – sẽ giảm thấp.

Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 1,6% xuống 1.114,50 CNY (172,37 USD), là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Hợp đồng quặng sắt giao dịch tháng 9 trên Sàn giao dịch Singapore cũng giảm 2,9% xuống  189,90 USD/tấn.

Trái với quặng sắt, giá thép đồng loạt tăng trong phiên này. Theo đó, Thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 3,3% và thép không gỉ tăng 3,2%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 30/7:

Thị trường ngày 30/7: Giá dầu chạm 76 USD, vàng tăng vọt, cao su đạt đỉnh 3 tuần - Ảnh 2.

Nguồn tin: Cafef

ĐỌC THÊM