Thị trường hàng hóa thế giới giao dịch trầm lắng khi Mỹ nghỉ lễ Tạ ơn. Chốt phiên giao dịch ngày 26/11, giá dầu giảm trở lại, cao su giảm, trong khi vàng, quặng sắt, thép đồng loạt tăng, đồng vẫn cao nhất 7 năm, gạo Thái Lan cao nhất 2 tháng.
Giá dầu giảm trở lại
Giá dầu giảm từ mức cao nhất 7 tháng, do các dấu hiệu nguồn cung tăng làm lu mờ lạc quan vắc xin Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu hồi phục.
Chốt phiên giao dịch ngày 26/11, dầu thô Brent giảm 74 US cent tương đương 1,5% xuống 47,87 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm mạnh 1 USD sau khi tăng 1,6% trong phiên trước đó và dầu thô Tây Texas WTI giảm 66 US cent tương đương 1,4% xuống 45,05 USD/thùng, sau khi tăng 1,8% trong phiên trước đó.
Giá dầu Brent đã tăng lên gần 50 USD/thùng trong tuần này, sau khi 3 công ty dược phẩm lớn công bố tiến triển vắc xin có thể bắt đầu đưa ra thị trường trước cuối năm nay.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga có xu hướng trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu trong năm tới, nhằm hỗ trợ thị trường vượt qua làn sóng Covid-19 thứ 2 và sản lượng dầu tại Libya tăng.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng do đồng USD suy yếu và số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng tác động đến nền kinh tế, làm gia tăng kỳ vọng về sự hỗ trợ tài chính và tiền tệ hơn nữa.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.813,5 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.812,1 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD chạm mức thấp nhất gần 3 tháng đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn.
Giá đồng vẫn cao nhất 7 năm
Giá đồng tăng lên mức cao nhất gần 7 năm, do kỳ vọng vắc xin virus corona sẽ kích thích thị trường toàn cầu và thúc đẩy nhu cầu kim loại công nghiệp.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,3% lên 7.398 USD/tấn, sau khi đạt 7.410 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 2/1/2014. Tính đến nay, giá đồng tăng khoảng 70% kể từ mức thấp nhất trong tháng 3/2020.
Ngoài ra, giá đồng tăng được hỗ trợ bởi tồn trữ đồng tại London chạm mức thấp nhất 2 tháng, giảm 600 tấn xuống 102.425 tấn.
Giá quặng sắt và thép đều tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng hơn 2%, được thúc đẩy bởi nhu cầu bổ sung dự trữ khi các nhà máy thép tăng sản lượng do tiêu thụ tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng cao.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên tăng 2,3% lên 899 CNY (136,85 USD)/tấn, trong phiên có lúc tăng 2,1% lên 897 CNY/tấn.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 0,1% lên 3.884 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 1,3% lên 4.082 CNY/tấn, thép không gỉ giảm 0,7% xuống 13.180 CNY/tấn.
Giá cao su giảm
Giá cao su trên sàn Osaka giảm - lần đầu tiên - trong 5 phiên, do các trường hợp nhiễm virus corona tăng và các hạn chế trên toàn cầu, thúc đẩy lo ngại về sự phục hồi nền kinh tế và nhu cầu đối với hàng hóa.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Osaka giảm 2 JPY tương đương 0,8% xuống 236 JPY/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 1% xuống 14.575 CNY/tấn.
Giá cà phê giảm tại Việt Nam, không thay đổi tại Indonesia, tăng tại New York và London
Giá cà phê tại Việt Nam giảm nhẹ do nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch mới bắt đầu.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 70-80 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn London, giảm so với mức cộng 100-110 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá dao động 33.000-33.500 VND (1,43-1,45 USD)/kg, so với mức giá 34.000 VND/kg cách đây 1 tuần.
Các thương nhân cho biết, Việt Nam đã thu hoạch khoảng 10% diện tích trồng cà phê và sẽ đạt đỉnh điểm trong 2 tuần tới. Sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 của Việt Nam sẽ giảm 10% so với niên vụ trước xuống 27 triệu bao (60 kg).
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 150 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1,25 US cent tương đương 1,1% lên 1,1715 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 35 USD tương đương 2,5% lên 1.411 USD/tấn.
Giá đường diễn biến trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE giảm 0,27 US cent tương đương 1,8% xuống 14,77 US cent/lb, khi thị trường chờ đợi thông tin từ Ấn Độ về các khoản trợ cấp xuất khẩu tiềm năng trong năm 2020/21.
Trong khi đó, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 3,4 USD tương đương 0,9% lên 404,1 USD/tấn.
Giá gạo tại Thái Lan cao nhất 2 tháng, tăng tại Ấn Độ, không thay đổi tại Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan tăng lên mức cao nhất hơn 2 tháng do giá cước vận tải container tăng, trong khi đồng rupee tăng giá và nhu cầu cải thiện đã thúc đẩy giá gạo tại Ấn Độ.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm ở mức 372-378 USD/tấn, tăng so với 366-370 USD/tấn tuần trước đó.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên 480-490 USD/tấn so với 475-485 USD/tấn tuần trước đó, do chi phí vận tải tăng.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam ở mức 496-500 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc và Philippines tăng, song nhu cầu từ các thị trường khác như Malaysia và châu Phi vẫn yếu.
Giá dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm bởi xuất khẩu của nước này trong tháng 11/2020 giảm, song mối lo ngại về nguồn cung đã hạn chế đà suy giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 9 ringgit tương đương 0,27% xuống 3.276 ringgit/tấn.
Xuất khẩu dầu cọ Malaysia giai đoạn từ 1-25/11/2020 giảm 19% so với cùng kỳ tháng 10/2020.
Nhập khẩu của Ấn Độ giảm gần 50% và nhu cầu từ EU giảm đáng kể, Intertek Testing Services cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/11
Nguồn tin: Cafef