Hãng tin Bloomberg ước tính sản lượng dầu thực sự sẽ bị cắt giảm là khoảng 800.000 thùng/ngày, dù Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết sản lượng dầu cắt giảm sẽ là 1,1-1,2 triệu thùng mỗi ngày.
Quyết định ngày 5/10/2022 của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đối tác (OPEC+) về cắt giảm sản lượng dầu đã bộc lộ những rạn nứt chính trị giữa Saudi Arabia và Mỹ, đồng thời phát đi thông điệp rằng tổ chức này không đồng tình với ý tưởng áp giá trần mà phương Tây muốn áp dụng.
Phân tích của Stratfor, trang mạng chuyên thông tin tình báo, địa chính trị có trụ sở tại Mỹ số ra ngày 6/10/2022 đã đưa ra nhận định về việc này.
Ngày 5/10/2022, 24 nước thành viên OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến 23/12/2023 và đây là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất của OPEC kể từ tháng 4/2020 đến nay.
Thêm vào đó, tất cả các nước thành viên OPEC+ cũng nhất trí gia hạn hiệp định hợp tác vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2022 tới hết năm 2023. Họ cũng nhất trí rằng ủy ban giám sát của nhóm sẽ họp định kỳ hai tháng một lần còn các nước thành viên OPEC+ sẽ họp 6 tháng một lần.
Những động thái mới này được đưa chưa đầy ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bỏ qua cam kết của ông lúc tranh cử, không coi Saudi Arabia là nhà nước "pariah" (tạm hiểu là để chỉ các quốc gia bị bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập về ngoại giao, nằm ngoài rìa xã hội quốc tế; các quốc gia này không gây ra các mối đe dọa an ninh bên ngoài biên giới của mình), mà thay vào đó, ông lại công du tới Riyadh để hối thúc Thái tử Mohamed bin Salman ủng hộ việc tăng sản lượng dầu để giúp hạ nhiệt giá xăng dầu toàn cầu.
Chuyến thăm của ông Biden mang lại kết quả khiêm tốn là sản lượng dầu của OPEC+ tăng thêm 100.000 thùng mỗi ngày, thế nhưng quyết định cắt sản lượng vừa đưa ra ngày 5/10/2022 đã đảo ngược hết kết quả khiêm tốn đó.
* Quan điểm của phương Tây trước động thái từ OPEC
Trước khi OPEC+ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu vào ngày 5/10, theo thông tin của CNN, giới chức Mỹ đã đề nghị OPEC+ không cắt giảm sản lượng. Nội dung dự thảo của Nhà Trắng cho rằng các đợt cắt giảm sản lượng dầu lớn lúc này "thực sự là thảm họa" và có thể bị coi là "hành động đối địch". Dù những quan điểm thảo luận này chưa được lãnh đạo Nhà Trắng thông qua, thì vẫn cho thấy được phần nào quan điểm của một số quan chức phía Mỹ trong vấn đề xăng dầu, năng lượng hiện nay.
Việc cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày tương đương mức cắt giảm 1,5% tổng sản lượng dầu toàn cầu. Tuy nhiên, con số được tuyên bố này phóng đại quá mức sản lượng dầu thực sự sẽ bị cắt giảm, bởi hầu hết các nước OPEC+ đều thậm chí còn chưa sản xuất được tới sản lượng mục tiêu của họ. Trong tháng Chín, sản lượng dầu do OPEC+ sản xuất còn thiếu 1,3 triệu thùng mỗi ngày mới đạt tổng sản lượng mục tiêu đề ra.
Sau tuyên bố đưa ra ngày 5/10/2022, hãng tin Bloomberg ước tính sản lượng dầu thực sự sẽ bị cắt giảm là khoảng 800.000 thùng mỗi ngày, dù Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết sản lượng dầu cắt giảm sẽ là khoảng 1,1-1,2 triệu thùng mỗi ngày.
Giá tiêu chuẩn dầu thô ngọt nhẹ Brent của châu Âu được bán với giá hơn 120 USD/thùng gần đây, tương đương giá hồi giữa tháng Sáu nhưng đến cuối tháng Chín, giá đã giảm xuống dưới 85 USD/thùng. Tuy nhiên, ngay sau khi OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng, dầu Brent lập tức được bán với giá trên 93 USD/thùng.
Chính Saudi Arabia là nước đưa ra chủ trương cắt giảm sản lượng của khối OPEC+, cho rằng các yếu tố thị trường căn bản đang mang lại lợi thế đáng kể cho nhóm và tạo điều kiện phù hợp để đưa ra mức giá cao hơn. Saudi Arabia đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình trạng dư thừa cung ngắn hạn. Quan điểm này cũng tương đồng với nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) có trụ sở tại Paris trong Báo cáo Thị trường Dầu lửa số ra tháng 9/2022 rằng thị trường dầu lửa sẽ thừa cung khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày vào sáu tháng cuối năm 2022.
Saudi Arabia cũng đã cảnh báo rằng trữ lượng dầu toàn cầu còn lại khá hạn chế bởi các nước thành viên OPEC+ trừ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Kuwait, đều không thể khai thác đủ sản lượng mục tiêu đã đề ra.
Iran và Nga còn nhiều dầu nhưng các lệnh cấm vận lại hạn chế họ xuất khẩu dầu. Chính vì vậy, Saudi Arabia không muốn duy trì sản lượng sản xuất hiện tại chứ chưa nói đến tăng sản lượng bởi nước này muốn để dành dầu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng trong tương lai, chẳng hạn như dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm sau khi quyết định áp giá trần của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có hiệu lực vào tháng 12 tới.
Saudi Arabia cũng tính toán rằng cần phải dự trữ môt lượng dầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Trung Quốc khi nước này nới lỏng các chính sách "Không COVID". Saudi Arabia, thực ra chính là nước có quyền quyết định các quyết sách của OPEC+, cho rằng những quốc gia kêu gọi sản xuất tăng thêm sản lượng dầu chỉ nhìn vào vấn đề giá cả mà không quan sát bức tranh toàn thể của thị trường dầu khí. Một trong những lý do Saudi Arabia và OPEC+ có được lợi thế để cắt giảm sản lượng và đẩy giá lên là bởi Mỹ khó có thể ứng phó ngay với tình hình bằng cách tăng nhanh sản lượng dầu đá phiến.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng Hai, việc sản xuất dầu của Mỹ đã bị đình trệ, chỉ đạt khoảng 11,6-11,8 triệu thùng mỗi ngày trong khoảng từ tháng 3-7/ 2022, thời điểm mới nhất mà số liệu được công bố. Tình hình thiếu lao động và các thách thức, khó khăn khác liên quan đến chuỗi cung ứng không những khiến chi phí sản xuất dầu lửa tại Mỹ tăng cao mà còn ảnh hưởng tới tốc độ thăm dò và khai thác.
Tình thế hiện tại khác hẳn với thời điểm 2014-2020 khi mà các nước OPEC+ lo ngại rằng cắt giảm sản lượng sẽ chỉ khiến họ mất thị phần vào tay các công ty sản xuất dầu của Mỹ và tác động được rất ít tới giá cả. Về dài hạn, Saudi Arabia cũng cho rằng giá dầu khí cần được đẩy lên cao hơn để đảm bảo có nguồn đầu tư trở lại cho ngành dầu khí bởi các chính sách năng lượng xanh mà các các công ty dầu khí phương Tây đã nhất trí thông qua có thể tạo ra khoảng trống về sản lượng, dẫn tới khủng hoảng năng lượng vào cuối thập kỷ này.
Nhưng dù cho động cơ của Saudi Arabia là gì thì Mỹ cũng vẫn coi việc cắt sản lượng là dấu hiệu khối OPEC+ đang đứng về phía Nga và chống lại kế hoạch áp giá trần đối với xăng dầu của phương Tây. Dù hầu hết các động thái cắt giảm sản lượng có thể chỉ mang tính kỹ thuật, phương Tây chắc chắn vẫn nhìn nhận khoảng thời gian cắt giảm sản lượng 14 tháng là rất dài với hệ lụy kéo theo là giá tăng và coi đây là động thái nhằm làm tổn hại tới chính sách áp giá trần đối với dầu của Nga mà phương Tây dự định đưa ra trong cuộc họp G7 sắp tới.
* Thị trường năng lượng toàn cầu sẽ về đâu?
Hình ảnh Saudi Arabia, vốn là nước không hề chỉ trích Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, càng tệ hơn đối với phương Tây bởi chính nước này đã thúc đẩy OPEC gia hạn thỏa thuận hợp tác sản xuất dầu lửa với Nga tới hết năm sau (2023). Thế nhưng bất chấp động cơ của OPEC+ là gì thì sự thực là với vai trò "anh cả" của OPEC, Saudi Arabia rõ ràng lo ngại rằng nếu việc áp giá trần của phương Tây khiến xuất khẩu dầu của Nga bị giảm thì phương Tây cũng có thể sẽ cân nhắc áp giá trần tương tự đối với dầu của các nước khác trong tương lai.
Trong khi đó, ngay trong ngày 5/10, Thư ký báo chí của Nhà Trắng lên tiếng cho rằng "với tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu vừa đưa ra, rõ ràng OPEC+ đang đứng về phía Nga". Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, đã công du tới Vienna, Áo, để bày tỏ sự nhất trí với kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh châu Âu đang rơi vào khủng hoảng năng lượng.
Việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ khiến tác động của quyết định áp giá trần mà G7 định đưa ra đối với dầu khí của Nga càng trở nên quan trọng hơn. Có thể, giá trần của G7 sẽ khiến một số nước khách hàng của Nga không mua số lượng lớn trên mức giá trần nữa, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng nếu Nga mất thị trường và buộc phải cắt giảm sản lượng thì điều đó sẽ dẫn tới tình hình sản lượng dầu toàn cầu bị cắt giảm nhiều hơn cả mức mà OPEC+ đã nhất trí và như vậy giá sẽ càng bị đẩy lên cao hơn.
Trong khi đó, chính quyền của ông Biden khó có thể giảm thiểu tác động của quyết định cắt giảm sản lượng dầu mà OPEC+ vừa đưa ra đối với việc giá xăng dầu đang ngày càng tăng ở Mỹ trước khi cuộc bầu cử Tổng thống giữa nhiệm diễn ra vào tháng 11 tới.
Dù Nhà Trắng liên tục yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ đánh giá tác động của việc hạn chế xuất dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Mỹ, việc cấm xuất khẩu dầu sẽ chỉ khiến Nhà Trắng hứng chịu thêm nhiều chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa về chính sách năng lượng và cả chỉ trích của Liên minh châu Âu (EU) vì như vậy càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu thêm trầm trọng.
Hơn nữa, việc cấm xuất khẩu như vậy cũng chỉ tác động rất nhỏ tới giá xăng dầu trong nước Mỹ (và rất có thể lại đẩy giá lên cao hơn) bởi các nhà máy lọc dầu phải giảm sản lượng vì họ không xuất được dầu diesel nữa, các nhà máy lọc dầu thường tối đa hóa sản lượng xăng và dầu diesel của họ khi họ có nhiều lựa chọn thị trường khác nhau.
Tại Mỹ, giá xăng dầu đã giảm từ tháng Sáu đến tháng Chín năm nay nhưng bắt đầu tăng trở lại gần đây. Ngày 3/10, Hiệp hội ô tô của Mỹ cho biết giá xăng ở các bang Alaska, Arizona, California, Oregon, Nevada và Washington đã tăng hơn 35% mỗi gallon (tương đương 3,7 lít) trong tuần vừa qua.
Có thể chính quyền của Tổng thống Biden phải cân nhắc mở bán thêm từ Kho dầu Dự trữ Chiến lược nhưng nỗ lực đó cũng chỉ có thể tác động tạm thời đối với giá. Trong năm nay, Kho Dự trữ Dầu Chiến lược của Mỹ đã đưa vào thị trường gần 180 triệu thùng, tương đương 1/3 trữ lượng kho và hiện tại kho chỉ còn khoảng 422,5 triệu thùng, mức dự trữ thấp nhất kể từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Ronald Reagon tới nay./.
Nguồn tin: Bnews