Nhu cầu đối với các giàn khoan cho hoạt động khoan dầu ở ngoài khơi đã tăng vọt trong năm nay ngay cả khi tốc độ tăng trưởng giàn khoan dầu của Mỹ chững lại. Theo Baker Hughes, hiện có 622 giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, giảm so với con số 683 giàn khoan hoạt động vào tháng 3 năm 2020, thời điểm khi đại dịch bùng phát và không thay đổi từ với sáu tuần trước. Điều này đã khiến giá thuê theo ngày tăng vọt và cổ phiếu của các công ty thầu giàn khoan tăng cao, như Transocean Ltd. (NYSE: RIG) tăng 49,7% từ đầu năm đến nay; Valaris Ltd. (NYSE: VAL) tăng vọt 75,1% trong khi Noble Corp. Plc (NYSE: NE) tăng 45,1%. Giá thuê giàn khoan ngoài khơi cũng tăng cao chóng mặt, với báo cáo của S&P Global cho thấy giá thuê theo ngày gần đây đã lên tới 400.000 đô la, tăng từ 300.000 đô la vào tháng 6 và dưới 200.000 đô la cách đây hai năm trước.
James West, giám đốc điều hành cấp cao của Evercore, đã nêu ra ba lý do chính cho diễn biến này:
Các công ty dầu mỏ lớn của Hoa Kỳ Exxon Mobil (NYSE: XOM), Chevron (NYSE: CVX) và ConocoPhillips (NYSE: COP) đã có được các giàn khoan mà họ cần trong nước, trong khi các đối thủ tư nhân tỏ ra ít muốn mở rộng do hạn chế về ngân sách và giá dầu thấp hơn.
Những công ty dầu mỏ lớn này cũng đang di chuyển nhiều hoạt động khoan ra ngoài khơi vì các cơ hội khai thác đá phiến của Hoa Kỳ hiện bị hạn chế với tất cả các diện tích chính đã được sử dụng.
Các công ty dầu khí quốc gia (NOC) bao gồm các công ty ở Ả Rập Saudi, Abu Dhabi và Kuwait hiện đang mở rộng sản xuất ra ngoài khơi khi họ tìm cách giành lại thị phần từ các công ty lớn gần đây tập trung hơn vào việc trả lại tiền cho các cổ đông dưới dạng cổ tức và mua lại cổ phần hơn là mở rộng sản xuất.
Khủng hoảng năng lượng dẫn đến cuộc chạy đua điên cuồng về các trạm LNG nổi
Trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, nhu cầu đối với hệ thống FSRU tái hóa khí LNG nổi (LNG-FSRU) đã tăng mạnh trong năm nay, khi châu Âu phải đối mặt với tình trạng nguồn cung năng lượng eo hẹp khi Nga cắt giảm dần các dòng khí đốt qua đường ống.
Nhu cầu nhập khẩu LNG đã tăng lên sau khi xảy ra các vụ nổ trên hệ thống đường ống chủ chốt Dòng chảy phương Bắc đã dập tắt bất kỳ hy vọng nào về việc Nga sẽ mở lại các van khí đốt. Điều này đã buộc hàng chục quốc gia ở châu Âu chuyển sang sử dụng FSRU hoặc trạm LNG nổi, về cơ bản là một trạm di động giúp đưa nhiên liệu siêu lạnh rời khỏi tàu và đưa nó vào mạng lưới trên bờ.
Hiện tại, có 48 FSRU đang hoạt động trên toàn cầu, với Rystad Energy tiết lộ rằng trừ sáu trong tất cả số đó đều đã được thuê có thời hạn.
Theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember, EU đã lên kế hoạch cho 19 dự án FSRU mới với chi phí ước tính 9,5 tỷ euro.
Người hưởng lợi lớn nhất là ngành đóng tàu Hàn Quốc, với doanh thu chính đến từ các FSRU. Hàn Quốc là nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực này. Theo truyền thông địa phương, các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã xoay sở mọi cách để nhận thêm 46% đơn đặt hàng cho đến nay, so với năm trước. Và mục tiêu của chính phủ là nước này sẽ chiếm 75% thị phần vào năm 2030.
Bối cảnh không thể tốt hơn. Với nguồn cung các tàu này quá eo hẹp, chi phí thuê tàu vào Đức đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 200.000 đô la một ngày.
“Năm ngoái, FSRU dư thừa trong khi năm nay lại thiếu hụt. Cho đến nay đã có đủ tàu trên thị trường, nhưng vì hầu hết đã được sử dụng nên việc này trở nên khó khăn hơn”, Per Christian Fett, người đứng đầu toàn cầu về LNG tại công ty môi giới tàu biển Fearnley LNG ở Oslo, nói với Bloomberg.
Công ty Excelerate Energy có trụ sở tại Texas đang gửi ba FSRU đến châu Âu với tổng công suất nhập khẩu 15 tỷ mét khối khí đốt, tương đương khoảng 10% lượng khí qua đường ống và LNG nhập khẩu từ Nga vào năm 2021. Nhu cầu đối với các cảng nhập LNG ở châu Âu quá lớn đến nỗi nó có thể làm cho các quốc gia mới nổi ít có khả năng chi trả hơn phải sử dụng FSRU cho nhu cầu riêng của họ. Kaushal Ramesh, nhà phân tích cấp cao tại hãng tư vấn Rystad Energy, cho biết: “Rủi ro là có thật khi các cơ sở không được sử dụng đúng công suất ở các khu vực khác trên thế giới có thể được chuyển đến châu Âu, nếu các điều khoản thuê hiện tại cho phép”.
Hà Lan đã thực hiện việc giao LNG đầu tiên tại một trạm mới, thúc đẩy nỗ lực của châu Âu trong việc loại bỏ khí đốt của Nga. Trước đây, Hà Lan chỉ có thể nhập khẩu LNG qua Rotterdam; tuy nhiên, điều đó đã thay đổi với việc vận hành hai FSRU, Golar Igloo và Eemshaven LNG, neo đậu tại Eemshaven. Dự án FSRU đã được hoàn thành trong thời gian kỷ lục. Với hai tàu nổi hiện đang cung cấp khí đốt cho Cộng hòa Séc không giáp biển và Đức.
Rob Jetten, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan cho biết: “Sự xuất hiện của trạm LNG mới là một bước quan trọng không chỉ đối với Hà Lan mà còn đối với toàn bộ châu Âu nhằm loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga càng nhanh càng tốt”. FRSU mang lại cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào các đường ống dẫn lượng lớn khí đốt tự nhiên từ Nga.
Nguồn tin: xangdau.net