Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường dầu thế giới tuần kết thúc ngày 30/11/2008: giá tăng nhẹ

Giá dầu thế giới tuần qua đã phục hồi sau khi tụt xuống dưới ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 4 năm qua trong phiên cuối tuần trước đó.

Ngay phiên đầu tuần 24/11 giá dầu đã đảo chiều và tăng ngoạn mục lên hơn 55 USD/thùng, cho dù vừa rớt xuống dưới 50 USD/thùng vào phiên cuối tuần 21/11, nhờ các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng giá mạnh sau khi Chính phủ Mỹ loan báo sẽ mua 20 tỷ USD cổ phần và đảm bảo hàng trăm triệu USD tài sản gặp rủi ro của ngân hàng Citigroup.

Nhưng rồi hàng loạt thông tin xấu về kinh tế, thị trường nhà đất và lòng tin của người tiêu dùng cho thấy Mỹ đang rơi vào cuộc suy thoái trầm trọng nhất trong thế kỷ này đã làm giá dầu giảm hơn 3 USD/thùng, khiến giá dầu ngọt nhẹ Niu Yoóc rớt xuống 50,77 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc của Luân Đôn xuống mức 50,35 USD/thùng trong ngày 25/11.

Sau đó giá dầu có nhích dần lên do các kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ, Liên minh châu Âu trị giá nhiều tỷ USD đã làm loé lên hy vọng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ được đẩy lên.

Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ đã đánh mất phần lớn sự tăng giá của những phiên trước vào ngày 28/11, sau khi bộ trưởng dầu mỏ một số nước thành viên chủ chốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nói trước thềm cuộc họp ngày 29/11 tại Cairô, Ai Cập, rằng tổ chức này sẽ chờ sang tháng tới mới đưa ra thông báo về bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc cắt giảm sản lượng.

Hồi tháng 10/2008, OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng thị trường vẫn tiếp tục giảm sâu, nhất là đã tụt xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng, mức chưa từng có kể từ đầu năm 2005.

Nhà phân tích David Woo thuộc Barclays Capital nhận định nếu OPEC không thông báo cắt giảm tiếp sản lượng khi nhóm họp vào cuối tuần, động thái đó sẽ càng gây thêm sức ép giảm giá lên dầu mỏ.

Giá dầu ngọt nhẹ tại Niu Yoóc giảm 1 xu xuống còn 54,43 USD/thùng khi thị trường nối lại giao dịch trong ngày 28/11 sau ngày nghỉ lễ Tạ ơn. Còn giá dầu Brent chuẩn Biển Bắc lại tăng 36 xu lên 53,49 USD/thùng vào cuối ngày 28/11.

Hôm 29/11, Bộ trưởng năng lượng của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định giữ nguyên sản lượng hiện nay sau một cuộc họp ở Ai Cập.

Chủ tịch OPEC là Chakib Khelil nói rằng quyết định có cắt giảm sản lượng của khối này hay không sẽ được đưa ra tại một cuộc họp ở Algeria vào ngày 17/12 tới. Venezuela, một thành viên OPEC muốn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày để đẩy giá dầu lên cao. Tuy nhiên, nhiều bộ trưởng trong OPEC đã làm tan vỡ hy vọng rằng cuộc họp tuần này của OPEC sẽ tuyên bố cắt giảm sản lượng.

Giá dầu thô đã giảm xuống dưới 55 USD/thùng sau khi đạt mức kỷ lục 147 USD/thùng vào giữa tháng 7. Các thành viên của OPEC đã mất hàng tỷ đôla khi nhu cầu dầu mỏ sụt giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhu cầu dầu mỏ giảm ở Mỹ, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu trên thế giới, cũng như các nước công nghiệp khác, đã góp phần đẩy giá dầu xuống thấp.

OPEC, chiếm 40% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, đã cắt giảm 1,5 triệu thùng mỗi ngày vào tháng trước. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn không thể ngăn giá dầu trượt dốc.

Các nhà phân tích nói rằng việc trì hoãn quyết định cắt giảm sản lượng sẽ làm giá dầu giảm hơn nữa, gia tăng áp lực đối với thành viên ngoài OPEC, chẳng hạn như Nga, để cùng hành động với OPEC trong các quyết định cắt giảm sau này.

Nga đã nói rằng ủng hộ các nỗ lực kích giá dầu của OPEC song nhiều người trên thị trường nghi ngờ liệu quốc gia sản xuất nhiều dầu mỏ này có sẵn sàng cắt giảm sản lượng hay không vào thời điểm Nga rất cần tiền từ việc bán dầu.
 
(Vinanet)

ĐỌC THÊM