Trong phiên giao dịch ngày 19/03, giá dầu ngọt nhẹ goa tháng 4/2009 tại Niu Oóc đã tăng 3,47 USD, tương đương tới hơn 7% so với phiên trước lên 51,61 USD/ thùng sau khi leo lên 52.25 USD/ thùng vào đầu phiên, ghi dấu mức cao nhất kể từ ngày 28/11/2008. Trong khi đó, giá dầu brent Biển Bắc tại Luân Đôn giao tháng 5/2009 cũng tăng 3,01 USD đạt 50,67 USD/ thùng.
Giá dầu đã tăng thêm 1% và tiến sát đến 53 USD/thùng vào thứ 2 này khi được hỗ trợ bởi những kỳ vọng rằng nỗ lực của Bộ Tài chính Mỹ trong việc nâng đỡ hệ thống tài chính sẽ thúc đẩy nhanh chóng quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ có một cuộc họp báo vào lúc 8 giờ 54 ngày thứ 2 này để thông báo về các nỗ lực trên nhiều phương diện nhằm ổn định hệ thống tài chính thông qua việc bơm tiền mặt vào các ngân hàng đang gặp khó khăn và các nỗ lực khác nhằm thúc đẩy việc cho vay.
Toby Hassal, giám đốc trung tâm nghiên cứu hàng hóa Warrants (Australia) phát biểu: “người ta đang kỳ vọng rằng Bộ Tài chính Mỹ sẽ thực hiện một kế hoạch nhằm cải thiện viễn cảnh của nền kinh tế và điều này có thể đã giúp cho giá dầu mỏ tăng lên trong phiên giao dịch sáng nay.”
“Cũng có nhiều người mong đợi rằng đồng USD sẽ bị mất giá hơn nữa trong tuần này và sẽ là động lực khiến giá dầu cũng như các hàng hóa khác bao gồm cả vàng nhích lên.”
Một nguồn tin thân cận cho hay kế hoạch mới nhất này sẽ nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư tư nhân bằng cách cung cấp thêm nhiều khoản vay với các điều khoản rộng rãi hơn và nhắm vào các ngân hàng và các công ty bảo hiểm với các khoản vay mua nhà thế chấp và các tài sản khó định giá.
Sự suy yếu của đồng đôla trở thành một trợ lực đẩy giá dầu tăng lên. Mặc dù vào thứ 6 tuần trước đồng USD có bật lên một chút song vẫn được ghi nhận là tốc độ giảm giá mạnh nhất kể từ năm bởi Cục Dự Trữ Liên bang lên kế hoạch mua các khoản nợ dài hạn của chính phủ làm gia tăng mối quan ngại về tình trạng suy giảm đơn vị tiền tệ của Mỹ.”
Vào chủ nhật vừa qua Tổng thống Obama đã nhận định đồng USD vẫn đang còn mạnh nhưng cũng cảnh báo mức thâm hụt lớn và việc vay mượn quá mức có thể làm nhu cầu về trái phiếu chính phủ bị suy giảm.
Giá dầu đã giảm gần 100 USD kể từ khi lập kỷ lục vào hồi tháng 7 năm ngoái khi khủng hoảng kinh tế thế giới làm nhu cầu năng lượng bị teo lại.
Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng thêm 4,2 triệu thùng/ngày và nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc vực dậy nền kinh tế đã giúp cho giá dầu đi vào ổn định ở mức 40-50 USD/thùng sau khi rơi xuống 35 USD/thùng vào tháng trước.
Trong tương lai gần giá dầu khó có thể hồi phục lại được.
Theo nhận định của Robert Zoellick, giám đốc Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thu hẹp 1-2% trong năm nay và cho rằng mức độ trầm trọng của cuộc suy thoái là chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 của thế kỷ trước.
(Vinanet)