Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) dự báo nhu cầu về dầu thô năm 2009 sẽ giảm 0,18 triệu thùng/ngày (hoặc 0,2%) dựa trên những dấu hiệu giảm sút của nền kinh tế thế giới, thay cho 0,15 triệu/ thùng như dự kiến trong báo cáo tháng 12/08 của Tổ chức này.
Các chuyên gia cho rằng sự bấp bênh của thị trường hiện nay sẽ làm nhu cầu thế giới về dầu thô tiếp tục giảm sút trong năm nay vốn đã giảm 0,1 triệu thùng/ngày trong năm 2008, bước thụt lùi đầu tiên trong vòng 20 năm qua. Sự sụt giảm về nhu cầu sẽ còn tiếp tục trong quý I/09 trong khi những năm trước nhu cầu liên tục gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, mức sụt giảm có thể lên tới 2,5 triệu thùng/ngày. Để ngăn chặn đà giảm sút này, ngày 17/12/08, OPEC đã quyết định cắt giảm hạn ngạch 2,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cần phải chờ thêm một thời gian để có những quyết định mới trước những thách thức mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt. Vấn đề cơ bản là giá dầu thô cần được tăng trở lại ở mức độ thích hợp để kích thích đầu tư trong lĩnh vực thăm dò và khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Theo OPEC, vấn đề trên còn đòi hỏi trách nhiệm của những nước sản xuất dầu lửa khác và cần có sự ủng hộ rộng rãi và hợp tác hiệu quả của những nước này. Sản xuất của 12 nước thành viên OPEC mới chiếm 42% tổng sản lượng "vàng đen" của thế giới. Sau khi đạt đỉnh 147,50 USD, giá dầu đã tụt dốc ở mức kỷ lục trên 100 USD vào giữa tháng 7/08. Bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ Angiêri Chakib Khelil cho biết quyết định của OPEC tại cuộc họp ở Oran đã được các nước thành viên thực hiện sẽ góp phần làm cho giá dầu tăng trở lại.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng chưa có dấu hiệu về sự tăng giá. Theo họ, chiến sự tại dải Gada và cuộc xung đột khí đốt Nga-Grudia không ảnh hưởng quan trọng tới mối quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường dầu thô của thế giới. Hơn nữa, tỷ giá hối đoái của đồng USD, một nhân tố khác có ảnh hưởng tới giá dầu, tương đối ổn định trong thời gian gần đây. Cho đến nay, những dấu hiện tiếp tục giảm sút của nền kinh tế thế giới đã gây nên sự bi quan, đồng thời là áp lực to lớn cho sự phục hồi của thị trường dầu thô thế giới.