Tại Niu Oóc, giá dầu thô kỳ hạn tháng 1/2009 giảm 91 cent hay 2,04% đạt 43,60 USD/thùng, giá dao động trong khoảng từ 42,56 USD đến 46,53 USD/thùng.Giá xăng RBOB kỳ hạn tháng 1/2009 đã tăng 0,31 cent hay 0,3% đạt 1,04 USD/ gallon, giá dao động trong khoảng từ 1,0180 đến 1,0970 USD/ gallons.
Tại Luân Đôn, giá dầu thô brent kỳ hạn tháng 1/2009 giảm 4 cent còn 44,56 USD/thùng, giá giao động trong khoảng từ 43,90 đến 46,48 USD/thùng.
Theo chuyên gia Phil Flynn thuộc Công ty Alaron Trading Corp. có trụ sở tại Chicago, giới đầu tư đang chú ý đến các thông tin nhu cầu sụt giảm, chứ không phải là quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì các nhà kinh doanh trên thị trường hàng hóa thường mua vào theo tin đồn, song lại bán ra dựa theo các thông tin thực tế.
Ngày 15/12, hãng sản xuất ô tô Toyota hàng đầu thế giới của Nhật Bản đã thông báo hoãn vô thời hạn hoạt động của nhà máy mới tại Mississippi do sự sa sút của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng chế tạo của Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm qua, do xuất khẩu giảm.
OPEC, tổ chức cung cấp khoảng 40% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, cho biết sẽ đưa ra quyết định cắt giảm mạnh sản lượng ngày 17/12 trong cuộc họp tại Angiêri, nhằm vực dậy giá dầu trên đà suy giảm.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu bộ phận bán hàng của Công ty đầu tư Saxo Capital Markets có trụ sở ở Xingapo, Christoffer Moltke-Leth, trừ khi việc cắt giảm sản lượng của OPEC "gây sốc" cho thị trường, nếu không động thái này sẽ không hỗ trợ giá dầu nhiều. Ông Moltke-Leth dự báo giá dầu sẽ xuống khi có thêm những thông tin về kinh tế vĩ mô và hoạt động của các công ty Mỹ và châu Âu trong những tuần tới.
Trung tâm nghiên cứu năng lượng toàn cầu CGES cảnh báo Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể gây nguy hại đến nhu cầu năng lượng toàn cầu nếu cắt giảm mạnh sản lượng trong cuộc họp tuần này tại Oran, Angiêri.
Báo cáo hàng tháng mới nhất của CGES nhận định nhu cầu năng lượng có thể bị tác động hơn nữa nếu OPEC cắt giảm nhiều sản lượng, nhất là trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu cần mức giá dầu vừa phải. Quyết định cắt giảm mạnh sản lượng có thể đẩy giá dầu lên quá cao, làm cản trở hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế do làm tăng giá đối với các công ty và người tiêu dùng.
CGES dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm thêm 1 triệu thùng/ngày vào năm tới do các quốc gia tiêu thụ giảm mạnh nhu cầu trước suy thoái toàn cầu lan rộng và giá dầu cao. Theo tính toán của CGES, toàn thế giới tiêu thụ ít hơn năm 2008 khoảng 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2009. Kể từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ước tính đã giảm khoảng 200.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế hàng đầu Fatih Birol của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nguồn cung ứng dầu mỏ toàn cầu sẽ sụt giảm sau năm 2020, sớm hơn dự kiến trước đó, do đầu tư phát triển các mỏ dầu bị cuộc khủng hoảng tín dụng làm ảnh hưởng. Trong "Triển vọng Năng lượng Thế giới 2008", được soạn thảo hồi đầu năm nay khi giá dầu còn ở mức cao 140 USD/thùng, IEA đã yêu cầu đầu tư năng lượng thế giới phải đạt mức 26,3 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tương đương 1.000 tỷ USD/năm. IEA cũng cho biết theo các chính sách hiện nay, nhu cầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,6%/năm, hoặc 45% vào năm 2030.
Dự đoán trên của Birol được đưa ra trong bối cảnh các công ty dầu mỏ từ Arập Xêút đến Canađa đều trì hoãn hoặc cắt giảm vốn đầu tư vào các dự án mới do giá dầu thế giới giảm, theo đó dẫn đến khả năng giảm hơn nữa nguồn cung trong tương lai.
Các nhà quan sát cho rằng do hiện nay dầu mỏ là trụ cột chính cho kinh tế toàn cầu, nên cung ứng dầu mỏ sớm sụt giảm sẽ dễ gây ra sự giám đoạn chính trị, kinh tế và xã hội nghiêm trọng trừ khi được chuẩn bị trong nhiều năm.
Thị trường | Loại dầu | Kỳ hạn | Giá đóng cửa | Chênh lệch |
Luân Đôn ( USD/ thùng) | Dầu brent | Tháng 1/2009 | 44,56 | -1,81 USD |
Niu Oóc ( USD/ thùng) | Dầu thô | Tháng 1/2009 | 43,60 | -0,91 USD |
Niu Oóc( USD/ gallon) | Xăng RBOB | Tháng 12/2008 | 104,00 | 0,31 cents |