Giá dầu WTI tăng khoảng 7,5% và giá dầu Brent nhích khoảng 6% trong tuần do được hỗ trợ từ sự lạc quan của thị trường về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Mặc dù giảm nhẹ trong phiên 11/1, thị trường dầu mỏ vẫn ghi nhận tuần leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 12/2016 nhờ các phiên tăng liên tiếp trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 6% và giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng khoảng 7,5%.
Giá dầu thế giới có tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Trong phiên 7/1, giá “vàng đen” phục hồi từ các mức đáy hơn 1 năm nhờ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng và các thị trường chứng khoán ổn định hơn.
Theo chiến lược gia Olivier Jakob thuộc Petromatrix, giá dầu phục hồi đà đi lên từ các mức giá rất thấp.
Tờ Wall Street của Mỹ vừa công bố một báo cáo cho thấy Ả Rập Saudi đang có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu thô xuống còn khoảng 7,1 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 1/2019.
Bước sang ngày 8/1, giá dầu nhích hơn 2% trước kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng nhanh hơn nếu cuộc đàm phán Mỹ - Trung có thể giải quyết được những bất đồng về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài nhiều tháng qua. Các quan chức Trung Quốc và Mỹ tiếp tục ngày đàm phán thứ 2 tại Bắc Kinh. Mặc dù đại diện của hai đoàn đàm phán chưa công bố chi tiết nội dung đàm phán tại Bắc Kinh, nhưng giới chức hai nước bày tỏ lạc quan về khả năng sẽ giải quyết được những bất đồng và hai bên kéo dài cuộc đàm phán sang ngày 9/1.
Giá năng lượng tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 9/1 sau khi báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt giảm trong tuần trước đó. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô thương mại của nước này đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần (kết thúc ngày 4/1) xuống mức 439,7 triệu thùng.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ từ đà phục hồi trên thị trường chứng khoán lạc quan do các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có những dấu hiệu tiến triển tích cực.
Trong phiên giao dịch ngày 10/1, giá dầu duy trì đà tăng nhờ những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hỗ trợ các thị trường chứng khoán. Song, đà leo dốc liên tục hơn một tuần qua của giá dầu đã chậm lại, khi tâm lý lạc quan về cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng dần lắng xuống.
Theo thống kê, thị trường “vàng đen” đã chứng kiến chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 9/2007 trong ngày 10/1.
Sang phiên 11/1, giá dầu đánh mất chuỗi tăng 9 phiên liên tục và giảm gần 2%, nhưng kết thúc một tuần tăng mạnh nhờ kỳ vọng vào khả năng Mỹ-Trung đạt thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ WTI hạ 1 USD/thùng, tương đương 1,9%, còn 51,59 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng mất 1,2 USD/thùng, tương đương 1,95%, còn 60,48 USD/thùng.
Phiên giảm này kết thúc chuỗi 9 phiên tăng liên tục trước đó của giá dầu, chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ tháng 1/2010 của dầu ngọt nhẹ WTI và từ tháng 4/2007 của dầu Brent.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng khoảng 7,5% và giá dầu Brent tăng khoảng 6%.
Thị trường dầu mỏ trong tuần này nhận được lực đẩy quan trọng từ kỳ vọng cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể sớm chấm dứt. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc nói rằng các cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày ở Bắc Kinh kết thúc với “tinh thần xây dựng” và các cuộc đàm phán tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong tháng này.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn