Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất, bất chấp những lo ngại dai dẳng về nền kinh tế Trung Quốc, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6 và có thể tiếp tục lập kỷ lục khác vào tháng 8.
Các nhà phân tích và cơ quan dự báo cho biết, việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+ và Ả Rập Xê Út, cùng với nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục mạnh, sẽ dẫn đến giảm tồn kho trong thời gian còn lại của năm, hỗ trợ giá dầu.
Tất nhiên, Trung Quốc sẽ là động lực chính khiến giá tăng hoặc giảm, tùy thuộc vào tình hình kinh tế của nước này và mức độ của các gói kích thích mà cơ quan chức năng sẵn sàng tung ra để giúp phục hồi sau khi mở cửa trở lại vào đầu năm nay.
Cho đến nay, dữ liệu kinh tế kém hơn so với dự kiến của Trung Quốc đã cản trở đà phục hồi giá. Triển vọng kinh tế Mỹ đã trở nên sáng sủa hơn một chút, với việc Fed và các ngân hàng đầu tư không còn dự báo về một cuộc suy thoái.
Nhưng những lo lắng đeo đẳng về Trung Quốc đang kìm hãm giá dầu.
Mới tuần trước, sau bảy tuần tăng liên tiếp, giá dầu đã giảm ba ngày liên tục sau khi Trung Quốc báo cáo một loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực. Những lo ngại về thị trường bất động sản và tín dụng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Năm cam kết giữ chính sách "chính xác và mạnh mẽ" để giúp nền kinh tế đang gặp khó khăn vươn lên.
Ngân hàng tuyên bố sẽ "tận dụng tốt hơn các chức năng kép của các công cụ chính sách tiền tệ tổng hợp và cơ cấu, đồng thời hỗ trợ vững chắc cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế thực."
Thị trường dầu mỏ tiếp tục thận trọng về nền kinh tế Trung Quốc và cho đến khi những người tham gia thị trường nhìn thấy các biện pháp bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và kết quả từ các biện pháp này, thì những lo ngại về Trung Quốc sẽ không giảm bớt.
John Kemp, nhà phân tích thị trường của Reuters, lập luận rằng khủng hoảng Trung Quốc và nền kinh tế châu Âu yếu kém có thể dẫn đến việc thắt chặt thị trường dầu mỏ ở mức khiêm tốn kể từ tháng 6.
Tuy nhiên, nhu cầu và sự khan hiếm của thị trường có thể đã bị đánh giá thấp.
Nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và tháng 8 có thể chứng kiến một mức đỉnh khác, IEA cho biết trong Báo cáo thị trường dầu mỏ (OMR) tháng 8 được theo dõi chặt chẽ. Cơ quan này lưu ý rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, với Trung Quốc chiếm hơn 70% mức tăng trưởng.
Nhu cầu nhiên liệu ở châu Âu cũng tăng mạnh vào mùa hè.
Công ty tư vấn năng lượng FGE ước tính rằng nhu cầu xăng của châu Âu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6 và cao hơn 5% vào tháng 7, lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Ngân hàng ING cho rằng nhu cầu dầu của Mỹ phần lớn sẽ không thay đổi so với năm trước.
Warren Patterson, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại ING, đã viết trong một ghi chú hôm thứ Năm: “Nhưng điều này có thể là quá thận trọng, do nhu cầu xăng đã cao hơn mức của năm ngoái trong phần lớn thời gian của năm”.
Patterson lưu ý rằng nhu cầu xăng của Mỹ từ đầu năm đến nay đạt trung bình 8,88 triệu thùng/ngày, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích cho biết vài tuần qua đã chứng kiến sự thoái lui trong nhu cầu, có thể là do giá xăng tăng quá cao.
Patterson của ING cho biết: “Các nguyên tắc cơ bản mang tính xây dựng có nghĩa là sẽ có thêm sức mạnh trong những tháng tới”.
Các nhà phân tích của Standard Chartered nhận thấy sự thắt chặt mạnh mẽ ở nguồn cung trong nửa cuối năm 2023 bắt đầu lan sang thị trường giao ngay. Theo ngân hàng, dầu có thể đạt mức cao nhất trong quý là 100 USD/thùng trong quý 4.
Bob McNally, Chủ tịch của Rapidan Energy, cho biết vào đầu tuần này, thị trường dầu mỏ đang trong xu hướng tăng giá và hướng tới phạm vi 90 USD/thùng.
McNally nói với chương trình Squawk Box của CNBC hôm thứ Hai: “Giá dầu đang vượt qua khỏi bức tường nghi ngờ và hoài nghi”.
Với nguồn cung eo hẹp, câu hỏi quan trọng đối với thị trường dầu hiện nay là liệu Trung Quốc có phục hồi kinh tế thực sự để hỗ trợ tâm lý và đáp ứng kỳ vọng rằng nước này sẽ là động lực tăng trưởng chính của nhu cầu dầu toàn cầu cao kỷ lục hay không.
Nguồn tin: xangdau.net