Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường dầu mỏ thế giới

Viện Tài chính quốc tế (IIF), một hiệp hội của các định chế tài chính trên thế giới, vừa công bố báo cáo dự đoán về tình hình kinh tế thế giới năm 2009, trong đó cho rằng, hoạt động của tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ yếu kém hoặc suy thoái.

Theo IIF, một dấu hiệu cho thấy mức độ tăng trưởng chậm của hoạt động kinh tế là giá dầu tuột dốc mạnh, giảm tới 78%, chỉ còn 35 USD/thùng (ngày 24-12-2008) so với 147 USD/thùng hồi tháng 7-2008.

Các quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ cho các nguồn thu ngoại tệ - đối mặt với tình trạng thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng và tuyên bố sẵn sàng cắt giảm xuất khẩu và "ép giá" dầu mỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, OPEC chỉ chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu mỏ thế giới và nếu không có một động thái tương tự từ các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt ngoài khối thì tầm ảnh hưởng của tổ chức này đối với thị trường dầu mỏ là rất hạn chế. Hy vọng lớn nhất của OPEC đặt vào Nga. Ngày 17-12-2008, tại cuộc họp ở Algeria, OPEC đã nhất trí giảm 5% sản lượng dầu (2,2 triệu thùng/ngày) từ mức 27,3 triệu thùng/ngày hiện nay, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2009. Ðây là mức cắt giảm kỷ lục của OPEC từ trước tới nay. Ðây cũng là lần đầu OPEC cắt giảm tới hai triệu thùng trong một lần. Bốn năm trước, OPEC cũng cắt giảm hai triệu thùng nhưng chia thành nhiều lần. Hai nước ngoài OPEC là Nga và Azekbaizan đã tuyên bố sẵn sàng giảm sản lượng mỗi nước 300.000 thùng/ngày để hưởng ứng kêu gọi của các quan chức OPEC muốn các nước ngoài khối hỗ trợ ổn định thị trường dầu. Như vậy, quyết định giảm sản lượng của OPEC cùng hai nước ngoài khối sẽ khiến thị trường dầu thế giới giảm 2,8 triệu thùng mỗi ngày. Ông Chakib Khelil, Chủ tịch OPEC và là Bộ trưởng Năng lượng Algeria nhấn mạnh rằng, "các nước thành viên OPEC không còn biện pháp nào khác, ngoài cách thực hiện nghiêm túc những quyết định đã thông qua về giảm sản lượng dầu. Tình hình đã nghiêm trọng đến mức tất cả các nước đều hiểu rõ trách nhiệm đối với những hành động của mình".

Sản lượng chính thức của OPEC hiện nay là 27,3 triệu thùng, nhưng theo các nhà phân tích, sản lượng thực tế cao hơn bởi một số thành viên của khối muốn tăng thu ngân sách từ xuất khẩu dầu. Chính vì vậy, thị trường đang chờ đợi câu trả lời liệu việc đưa cán cân cung cầu trên thị trường nhanh chóng trở lại bình thường có khả thi hay không.

Ngân hàng Goldman Sachs, Mỹ, một ngân hàng có ảnh hưởng lớn, cho rằng giá dầu mỏ sẽ hạ đáng kể. Nhà nghiên cứu phân tích thị trường dầu mỏ của ngân hàng này,

A. Marti, đưa ra kết luận này trong báo cáo nêu rõ rằng giá dầu mỏ năm 2009 có thể ở mức 45 USD/thùng. Dự báo gần đây nhất của ông là 75 USD/thùng. A. Marti được coi là chuyên gia phân tích thông tin tốt nhất và có ảnh hưởng nhất trên thị trường. Ông được biết đến như một nhà tiên tri hồi năm 2005 khi là người đầu tiên dự báo về khả năng giá dầu đột phá vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Sau đó, liên tiếp trong cả ba năm gần đây những đánh giá của ông về giá dầu rất sát thực tế. Tuy nhiên, hồi mùa thu mới đây, Marti đã sai lầm khi tuyên bố rằng giá một thùng dầu sẽ đạt tới 200 USD, nhưng trên thực tế, giá dầu chỉ tăng đến 147 USD/thùng vào ngày 11-7-2008 và rồi giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Quốc vương A-rập Xê-út Abdullah gần đây cho rằng mức giá 75 USD/thùng dầu là "mức giá phải chăng".

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đầu tháng 12-2008 đã hạ dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong giai đoạn 2008-2013, với mức tăng hằng năm là 1,2%, thay cho 1,6% như dự đoán trước đó. Theo đó, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ chỉ tăng từ 86,2 triệu thùng/ngày trong năm 2008 lên 91,3 triệu thùng/ngày vào năm 2013, thấp hơn so với dự đoán mà IEA đưa ra trong tháng 7-2008.

Nhiều dự án năng lượng bị đình lại do giá dầu giảm. Tại Bắc Mỹ và Mỹ la-tinh, hàng chục dự án dầu mỏ và khí đốt lớn đã phải ngừng lại hoặc bị hủy bỏ trong thời gian gần đây do các công ty đang phải điều chỉnh bởi sự sụp đổ của thị trường năng lượng. Danh sách các dự án bị trì hoãn liên tục dài ra. Tại Bắc Ða-kô-ta, Mỹ, các nhà khoan dầu giảm sản lượng khai thác ở Bác-clen Sen, nơi được coi là đầy triển vọng nhưng có chi phí sản xuất tốn kém hơn các nơi khác. Theo các nhà phân tích, hoạt động khoan dầu của Mỹ có thể giảm 41% trong năm 2009 do các công ty giảm quy mô khai thác. Còn A-rập Xê-út, quốc gia đã đầu tư hàng chục tỷ USD trong những năm gần đây để tăng sản lượng, mới đây thông báo hai dự án lọc dầu mới với công ty Conoco Phillips và công ty Total của Pháp đã bị hoãn lại cho tới khi chi phí giảm hơn. Ở Kuwait, Chính phủ gần đây đã hoãn dự án xây dựng nhà máy lọc dầu thứ tư, trị giá 15 tỷ USD của nước này, do nhu cầu dầu của thế giới ngày càng giảm. Công ty dầu lửa quốc gia Petro SA, Nam Phi, cũng thông báo hủy kế hoạch xây dựng nhà máy chuyển than thành nhiên liệu lỏng. Công ty liên doanh dầu khổng lồ Anh - Nga TNK-BP cũng giảm một tỷ USD chi phí đầu tư trong năm 2009. Ngoài ra, theo các nhà phân tích, đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế như sức gió và nhiên liệu sinh học, vốn tăng mạnh trong những năm gần đây, sẽ cạn kiệt nếu giá dầu vẫn ở mức thấp trong vài năm tới.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ở Sở Giao dịch chứng khoán dầu mỏ Luân Ðôn, vào năm 2010, trên thế giới sẽ xuất hiện tình trạng thiếu dầu, còn đến những năm 2011 - 2012 giá dầu có thể lên tới 200 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang ở tình trạng tiêu cực, đi xuống. Việc Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng cơ bản của giá dầu tại các thị trường nguyên liệu. Tuy nhiên, những ngày gần đây, sau một thời gian giảm liên tục, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong phiên giao dịch ngày 29-12-2008 đã bất ngờ tăng mạnh trở lại, lên mức gần 42 USD/thùng. Nguyên nhân khiến giá dầu thế giới bất ngờ tăng trở lại là do các nhà đầu tư lo ngại tình trạng bạo lực leo thang ở dải Gaza có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng khu vực các quốc gia dầu mỏ Trung Ðông, cùng với việc OPEC vẫn tiến hành cắt giảm sản lượng. Nhưng giới phân tích cho rằng đợt tăng giá dầu lần này chỉ mang tính tạm thời. Với tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, giá dầu mỏ thế giới trong năm nay sẽ vẫn còn tiếp tục giảm.

(Nhân dân)

ĐỌC THÊM