Thị trường dầu mỏ thế giới trồi sụt trong suốt tuần qua, khi những kỳ vọng vào nỗ lực khôi phục kinh tế của chính phủ các nước lại bị đẩy lùi bởi diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19.
Nhân viên bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Thị trường dầu mỏ thế giới trồi sụt trong suốt tuần qua, khi những kỳ vọng vào nỗ lực khôi phục kinh tế của chính phủ các nước lại bị đẩy lùi bởi diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, với số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao, cũng như căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung.
Việc đồng USD suy yếu trong thời gian qua cũng hỗ trợ phần nào cho thị trường năng lượng, bởi các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này sẽ trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác, qua đó giúp tăng sự hấp dẫn của dầu.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm trong tuần này và sụt hơn 4% trong tháng 7/2020, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2010.
Bên cạnh đó, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trong tuần kết thúc ngày 24/7, dự trữ dầu Mỹ giảm 10,6 triệu thùng xuống 526 triệu thùng, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2019.
Nhập khẩu dầu ròng của Mỹ giảm 1 triệu thùng/ngày xuống 1,9 triệu thùng/ngày. Số liệu này cũng giúp dầu hưởng lợi.
Theo giới phân tích, dự trữ dầu Mỹ giảm nhiều khả năng là do tác động của việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng.
Tại Mỹ, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa ngày 27/7 đã công bố đề xuất về một gói kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19, bốn ngày trước khi chương trình trợ cấp bổ sung dành cho các lao động thất nghiệp của Mỹ kết thúc.
Tuy vậy, gói kích thích kinh tế này hiện không nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và một số nghị sỹ của đảng Cộng hòa.
Theo ông John Kilduff, một đối tác của Again Capital LLC tại New York, nếu các cuộc thảo luận trên càng kéo dài thì càng ảnh hưởng tới niềm tin của giới đầu tư trên thị trường dầu.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 31/7, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9/2020 trên sàn Nymex của Mỹ tiến 35 xu (tương đương 0,9%) lên 40,27 USD/thùng.
Trong khi tại London, giá dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cộng 27 xu (tương đương 0.6%) lên 43.52 USD/thùng. Tính chung trong tháng 7/2020, dầu WTI đã tăng 2,6%, còn dầu Brent tiến hơn 5%.
Giới kinh doanh tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng cao.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 1/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 17.754.183 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 682.885 ca tử vong.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với 4.705.889 ca nhiễm và 156.747 ca tử vong.
Dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày 31/7 cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ giảm 1 giàn xuống còn 180 giàn trong tuần này./.
Nguồn tin: bnews.vn