Giá dầu tại thị trường châu Á trong phiên giao dịch chiều ngày 16/4 giảm hơn 1%. Theo các chuyên gia phân tích, hoạt động khoan dầu của Mỹ gia tăng là một nhân tố kéo giá dầu đi xuống.
Nhà đầu tư vẫn chưa nguôi lo ngại về tình trạng xung đột ở Trung Đông. Ảnh: Reuters
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung thêm 7 giàn khoan trong tuần kết thúc vào ngày 13/4, lên 815 giàn, con số cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Tại thị trường Singapore, vào lúc 13 giờ 43 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent kỳ hạn giảm 80 xu Mỹ (1,10%) xuống 71,78 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 68 xu Mỹ (1,01%) xuống 66,71 USD/thùng. Mặc dù vậy, giá dầu Brent hiện vẫn cao hơn 16% so với mức thấp nhất hồi tháng 2/2018 do nhu cầu tăng mạnh và tình trạng xung đột ở Trung Đông.
Mặc dù Syria không phải là một nước sản xuất dầu lớn, nhưng Trung Đông nói chung là khu vực xuất khẩu dầu quan trọng nhất của thế giới và tình hình căng thẳng ở khu vực có xu hướng đẩy giá dầu lên. Ngân hàng ANZ cho biết, các nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về tác động của một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Ngày 14/4, liên quân ba nước Mỹ, Pháp, Anh đã tiến hành chiến dịch không kích đồng loạt vào nhiều địa điểm tại thủ đô Damascus của Syria và gần thành phố Homs mà các nước này cho rằng đang tàng trữ và sản xuất vũ khí hóa học. Các nước phương Tây cáo buộc chính quyền Syria đứng sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ngày 7/4 tại thị trấn Douma ở Syria. Trong khi đó, Nga và Syria nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên là không đúng sự thật và cho rằng vụ việc tại Douma là một kế hoạch được dàn dựng của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào Syria.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 16/4, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Luxembourg. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá cuộc tấn công chớp nhoáng của Mỹ, Pháp và Anh vào Syria là cần thiết và thỏa đáng, thì lãnh đạo nhiều nước châu Âu khác lại cảnh báo chống lại mọi sự leo thang quân sự.
Nguồn tin: bnews.vn