Một số sự kiện diễn ra năm 2019 đã cho thấy, nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu dễ bị tổn thương tới mức nào. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các sự kiện này tới giá dầu không kéo dài.
Hiện tại, trong bối cảnh tướng Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng trong vụ tấn công của quân đội Mỹ, thị trường dầu mỏ một lần nữa lại chao đảo. Lần này, liệu ảnh hưởng tới thị trường có kéo dài?
Vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Xê út tại Abqaiq và Khurais vào tháng 9/2019 khiến nguồn cung dầu giảm 5,7 triệu thùng/ngày được xem là sự kiện gián đoạn nguồn cung đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử.
Sự kiện này ngay lập tức khiến giá dầu leo dốc, nhưng đà tăng không kéo dài bởi 2 yếu tố: Thứ nhất, dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu trong năm 2020 không lấy làm tích cực; thứ hai, Ả Rập Xê út nhanh chóng có hành động khiến thị trường bình tâm khi sử dụng các kho dầu dự trữ.
Điều này khiến giá dầu quay trở lại mức trước khi vụ tấn công xảy ra chỉ trong vài ngày.
Diễn biến giá dầu kể từ vụ tấn công tại Ả Rập Xê út cho tới nay.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại có nhiều khác biệt. Giá dầu đã theo hướng đi lên kể từ đầu tháng 10/2019 tới nay và việc tướng Soleimani của Iran thiệt mạng trong vụ tấn công do quân đội Mỹ thực hiện đã tạo lực đẩy đưa giá nguyên liệu này lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2019. Đáng chú ý, đà tăng nhiều khả năng duy trì trong thời gian tới, khi các yếu tố khiến giá dầu quay về mức cũ như thời điểm tháng 9/2019 đã có sự thay đổi.
Mặc dù triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 không có nhiều cải thiện, nhưng ít nhất khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu vào cuối tháng này đã gia tăng tâm lý tích cực.
Với bối cảnh thương mại toàn cầu thuận lợi hơn, nhu cầu sử dụng dầu mỏ cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu mỏ ở trạng thái thắt chặt hơn. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh (được gọi là OPEC+) đã thống nhất kéo dài thời gian của thảo thuận cắt giảm sản lượng.
Đáng chú ý, Ả Rập Xê út cam kết sẽ hạ sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày so với mức mục tiêu đưa ra là 750.000 thùng/ngày, đưa sản lượng dầu thô quay trở về mức đạt được vào tháng 3/2019. Chưa kể, một số thành viên OPEC thậm chí đang sản xuất dưới sản lượng cam kết bởi các vấn đề bất ổn nội bộ.
Diễn biến sản lượng dầu mỏ của Ả Rập Xê út so với mức mục tiêu 750.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, nguồn cung dầu đá phiến tại Mỹ được dự báo sẽ đi xuống bởi tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại.
Giá dầu cao hơn đảm bảo các nhà sản xuất dầu đá phiến thu về hiệu quả tích cực hơn trong năm 2020, song điều này không đồng nghĩa với việc cần gia tăng hoạt động khai thác dầu hay nâng cao lượng cung, nhất là khi có nhiều yếu tố khó đoán định khiến hoạt động của các ngành công nghiệp chưa thực sự tích cực.
Số liệu mà giới chức Mỹ mới công bố cho thấy, sản lượng dầu đã phiến trong tháng 10/2019 tăng 170.000 thùng/ngày so với tháng 9, đạt 270.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 90.000 thùng/ngày so với con số mà Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) dự báo.
Thực tế, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ duy trì ở mức thấp hơn so với hầu hết các dự báo được đưa ra gần đây và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ gia tăng mạnh.
Trong bối cảnh hiện tại, bất kỳ sự kiện nào gây tác động tới cơ sở hạ tầng dầu mỏ hay khả năng đảm bảo nguồn cung dầu trên thị trường đều sẽ tạo ảnh hưởng lâu dài lên giá dầu hơn so với sự kiện diễn ra vào tháng 9/2019.
Đây là lý do thị trường dầu mỏ trở nên dễ hoảng loạn hơn và diễn biến giá dầu càng khó đoán định.
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoang.vn