Kể từ năm 2019 trở lại đây, những biến động kinh tế, chính trị quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thị trường dầu mỏ đã trải qua 2 tháng đầu năm đầy biến động. Chỉ trong vòng 2 tháng, giá dầu thô trên sàn New York (dầu WTI) đã giảm 28,75% so với cuối năm ngoái, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ trên thị trường London (dầu Brent) cũng đã giảm 25,01%, đều là những mức biến động mạnh nhất được ghi nhận trong vòng nhiều năm qua. Với việc chốt phiên giao dịch cuối tháng 2 ở mức 44,76 USD/thùng đối với giá dầu WTI và 50,52 USD/thùng đối với giá dầu Brent, đây đều là những mức giá giao dịch dầu thấp nhất được ghi nhận kể từ cuối năm 2018 trở lại đây.
Kể từ năm 2019 trở lại đây, những biến động kinh tế, chính trị quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Thăng trầm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Iran, các quyết định quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC +) về sản lượng dầu, những lo ngại về triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới và gần đây nhất là sự bùng phát từ dịch cúm Covid-19 là những yếu tố chính tạo nên sự biến thiên của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trên thực tế, những yếu tố tác động trên đang khiến giá dầu rơi vào thế giằng co. Trước hết, trong những ngày đầu của năm 2020, thế giới và khu vực Trung Đông tiếp tục chứng kiến sự leo thang trong xung đột chiến lược giữa Mỹ và Iran khi Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt Tư lệnh Qassem Soleimani của Iran và cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa của Iran nhằm vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Ở thời điểm đó, khu vực Trung Đông dường như sắp rơi vào một cuộc chiến tranh tổng lực liên quan đến xung đột Mỹ - Iran, một số nhà quan sát khu vực quan ngại thị trường dầu mỏ sẽ gánh chịu tác động “cực lớn” với những thời điểm giá dầu có sự điều chỉnh tăng mạnh.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng của giá dầu mỏ trong năm 2020 tiếp tục được củng cố khi các nhà đầu tư kỳ vọng nguồn cung dầu mỏ trong xu hướng giảm do OPEC và các đối tác (OPEC+) tiếp tục giảm sản lượng. Đầu tháng 12 năm ngoái, OPEC và các nước đối tác, trong đó có Nga, đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, sản lượng dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm 1,7 triệu thùng/ngày so với sản lượng của tháng 10/2018. Trong khi đó, thị trường toàn cầu cũng chứng kiến sự suy giảm nguồn cung từ hai nhà sản xuất lớn khác là Iran và Venezuela, cũng như sự chững lại trong quá trình khai thác dầu đá phiến tại Mỹ. Đầu tư vào dầu đá phiến trong năm 2019 đã giảm 6%, xuống còn 129 tỷ USD và dự báo sẽ giảm thêm 11% trong năm 2020.
Trong khi nguồn cung dầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm như vậy, nhu cầu dầu được dự báo sẽ có những cải thiện khi tiến trình đàm phán liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chứng kiến những kết quả tích cực khi hai bên đã thống nhất sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Bước tiến triển này giúp khôi phục niềm tin cho giới đầu tư và là động lực cho triển vọng kinh tế thế giới ngay trong những tháng đầu của năm 2020.
Mặc dù rất nhiều yếu tố mang tính hỗ trợ đà tăng của giá dầu như vậy, nhưng trên thực tế giá dầu trong 2 tháng đầu năm đã không đạt được đà tăng, thậm chí quay đầu giảm mạnh. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là “khả năng kháng cự tích cực” của giá dầu trước các biến cố lớn trong xung đột khu vực thời gian gần đây. Dù căng thẳng Iran - Mỹ đã lên đến đỉnh điểm trong những ngày đầu năm 2020 nhưng giá dầu mỏ đã không tăng “phi mã” như đồn đoán mà chỉ điều chỉnh tại một số thời điểm nhất định trước khi quay trở lại ngưỡng ổn định.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát trong những tháng đầu năm cũng là một yếu tố tác động mạnh đến nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu. Mối quan ngại về tác động của sự lây lan của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng đã “phủ bóng đen” lên thị trường dầu mỏ thế giới trong suốt nhiều tuần qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự bùng phát của virus có thể giảm nhu cầu dầu của Trung Quốc hơn 250.000 thùng/ngày trong quý 1/2020, kéo theo giá dầu giảm bởi dư cung.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu cũng sẽ suy giảm do các hạn chế về quá trình sản xuất cũng như đi lại do tác động của dịch bệnh. Theo báo cáo mới nhất trong tháng 2, OPEC cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ là 0,99 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2020, giảm 0,23 triệu thùng so với ước tính được đưa ra hồi tháng trước.
Như vậy, trong bối cảnh lực đẩy và lực cản với giá dầu thế giới vẫn đang ở thế “giằng co” như đã nêu trên, triển vọng giá “vàng đen” hiện trở nên rất khó dự đoán. Giá dầu sẽ có thể tiếp tục đối mặt với nhiều phiên điều chỉnh tăng giảm mạnh mẽ như đã diễn ra trong 2 tháng vừa qua, tuy nhiên nhìn chung trong cả năm tổng biên độ tăng hay giảm giá của mặt hàng chiến lược với các nền kinh tế sẽ không có nhiều thay đổi so với mặt bằng giá hiện tại.
Nguồn tin:tapchitaichinh.vn