Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Iran bùng phát sau cái chết của tướng Soleimani đang đe dọa tới thị trường dầu mỏ thế giới.
Giá dầu thế giới đã tăng gần 4% vào ngày 3-1-2020 sau khi Mỹ sát hại tướng Qasem Soleimani của Iran ở Iraq trước khi giảm xuống 3% tại London và New York. Giá dầu tiếp tục tăng thêm vào ngày 6-1 nhưng đã giảm vào ngày 7-1 mặc dù căng thẳng kéo dài giữa Washington và Tehran.
Sàn giao dịch chứng khoán Tadawul của Arab Saudi chìm trong sắc đỏ ngày 5-1
Cùng lúc, các sàn giao dịch chứng khoán của 6 quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), ngay lập tức sụp đổ. 6 quốc gia vùng Vịnh, nơi có các căn cứ quân sự lớn của Mỹ, có thể dễ dàng là mục tiêu trả đũa của Tehran, bao gồm cả đối thủ lớn trong khu vực là Arab Saudi.
Tại sàn giao dịch chứng khoán Tadawul của Arab Saudi, lớn nhất trong khu vực và là 1 trong 10 sàn giao dịch lớn nhất thế giới, trong ngày 5-1 đã giảm 2,4%, hầu hết các cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu của Saudi Aramco mất 1,7%, xuống còn 34,55 riyal, đưa vốn hóa thị trường của công ty xuống còn 1,840 tỉ USD.
Các thị trường chứng khoán thế giới cũng căng thẳng trước nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và Iran và giá dầu đã tăng vọt. “Sự suy giảm sẽ tiếp tục chừng nào căng thẳng và mối đe dọa xung đột vũ trang giữa Iran và Mỹ còn tồn tại”, Mohammed Zian, chuyên gia của công ty môi giới chứng khoán Thinkmarket tại Dubai, nói với AFP.
Sàn giao dịch chứng khoán Kuwait cũng sụt giảm 3,7%, bất chấp việc quốc gia giàu dầu mỏ này vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Iran.
Thị trường tài chính Dubai đã giảm 3,1% trong khi thị trường của Abu Dhabi giảm 1,4%.
Sàn giao dịch chứng khoán Bahrain, nơi có hạm đội lớn thứ 5 của Mỹ đồn trú, đã giảm 2,3%.
Thị trường chứng khoán nhỏ của Oman chỉ giảm 0,3% do tính trung lập về chính trị của quốc gia này.
Việc Mỹ sát hại tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 3-1 đang khiến tình hình trở nên nghiêm trọng. Ngày 7-1, căn cứ quân sự Al Asad của Mỹ ở miền Tây Iraq bị tấn công tên lửa. Lực lượng IRGC thừa nhận đã thực hiện vụ tấn công này. Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng, vụ tấn công đã được thực hiện từ lãnh thổ Iran bằng 10 tên lửa hành trình. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về thương vong hay thiệt hại.
Theo giới phân tích, có 3 nguy cơ mà Iran có thể tiến hành trả đũa Mỹ, đó là khủng bố, dầu mỏ và hạt nhân.
Hậu quả nhãn tiền thứ nhất là sự xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết năm 2015 với 6 cường quốc (Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức và Trung Quốc). Ngày 5-1, Iran quyết định sẽ không tôn trọng bất cứ giới hạn nào trong lĩnh vực tinh lọc uranium, cụ thể là không hạn chế khả năng tinh lọc, mức độ uranium tách ly và số lượng máy ly tâm trang bị. Thông báo này xem như “khai tử” thỏa thuận hạt nhân Iran. Nếu Iran quyết định sở hữu vũ khí hạt nhân, các nước trong khu vực như Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập cũng sẽ lao vào cuộc chạy đua hạt nhân.
Mối họa thứ hai mà Mỹ và các đồng minh phải đối mặt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng thân Iran, mà Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Nếu như Tổng thống Trump cho rằng việc tiêu diệt tướng Soleimani có thể buộc Iran phải quy hàng trong vấn đề hạt nhân, có lẽ là một sai lầm chiến lược. Theo quan điểm của ông Emmanuel Dupuy, Chủ tịch Viện Dự phóng và an ninh châu Âu (IPSE), lằn ranh đỏ đã bị vượt qua và vụ sát hại tướng Soleimani tạo ra hậu quả là thúc đẩy sự đoàn kết, tập hợp tại Iran.
Cuối cùng, vũ khí trả thù thứ ba mà Iran dường như đã sử dụng và có thể sẽ gia tăng, đó là ngăn chặn tuyến vận chuyển dầu khí tại eo biển Hormuz. Đây chính là điều khiến thế giới lo ngại nhiều nhất. Liệu Tehran có thể đóng cửa eo biển chiến lược này, nơi trung chuyển của khoảng 30% lượng dầu tiêu thụ của thế giới?
Vũ khí trả thù mà Iran dường như đã sử dụng và có thể sẽ gia tăng, đó là ngăn chặn tuyến vận chuyển dầu khí tại eo biển Hormuz. Liệu Tehran có thể đóng cửa eo biển chiến lược này, nơi trung chuyển của khoảng 30% lượng dầu tiêu thụ của thế giới?
Amélie Chelly, chuyên gia về Iran thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho rằng, Iran là một nhà nước cực kỳ thực dụng: “Nếu như họ muốn đóng eo biển, họ sẽ làm ngay. Nhưng nếu họ không làm, chính vì họ biết là chẳng có lợi gì”. Chỉ có điều an ninh cho eo biển có thể sẽ bị xáo trộn. Năm 2019, để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều tàu chở dầu tuy không mang cờ hiệu Mỹ nhưng đã bị tấn công ngoài khơi vịnh Ba Tư và Iran bị nghi ngờ đứng sau các hành vi gây hấn này.
Trong lúc này, các công ty dầu mỏ ở Trung Đông đang thắt chặt an ninh sau khi các quan chức Mỹ nói rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ ở khu vực này có thể là mục tiêu trả đũa của Iran. Việc Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời khỏi Iraq sẽ ảnh hưởng đến nhân sự của Exxon Mobil. Các nhà phân tích nói Exxon Mobil cần khả năng duy trì sản xuất với công nhân địa phương. Exxon Mobil cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình và có các biện pháp để bảo vệ nhân viên. BP thì từ chối bình luận về an ninh hoặc nhân sự. BP là đối tác mỏ Rumaila ở miền Nam Iraq. Tập đoàn Chevron, hoạt động tại Iraq Kurdistan, khu vực cho đến nay không bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn, cho biết sự an toàn của con người và hạ tầng là ưu tiên hàng đầu. Nhà thầu dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes cũng đã yêu cầu nhân viên Mỹ hạn chế đến Iraq sau khi các quan chức ở Washington khuyến nghị các rủi ro an ninh tăng cao.
Các quan chức tại Arab Saudi và UAE cho biết, các công ty dầu khí ở Iraq đã đặt hoạt động trong tình trạng báo động cao. Các nguồn tin cho hay, chi nhánh hải quân của IRGC gần đây đã hồi sinh một kế hoạch dự phòng trong trường hợp Mỹ tấn công. Đó là tấn công vào các giàn khoan dầu Kuwaiti và Arab Arabia bằng các tàu nổ. Nguồn tin tình báo Mỹ cũng cho hay, các cơ sở năng lượng của UAE và trung tâm thương mại Dubai cũng dễ bị tấn công.
Cuối tuần trước, theo các chủ tàu dầu, chưa có sự gián đoạn của các đoàn tàu qua eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư, nhưng một số chủ tàu lo ngại tàu chở dầu của phương Tây có thể bị Iran tấn công hoặc chiếm giữ.
Trong khi đó, ở phía ngược lại, cơ sở hạ tầng dầu mỏ Iran cũng dễ bị tấn công. Cho đến nay, chính quyền Trump vẫn ủng hộ phương án đánh vào các cơ sở bên ngoài Iran khi cần, một phần là để tránh xa dân thường. Ngày 5-1, Tổng thống Trump dọa đánh vào 52 điểm của Iran nếu Tehran có ý định trả đũa vụ Mỹ sát hại tướng Soleimani. Iran cũng biết rõ sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ, được xây dựng trong nhiều thập kỷ, nên cũng muốn tránh một cuộc đối đầu vũ trang.
Trong bối cảnh ảm đạm hiện nay, ngày 8-1, CEO Chevron, Michael Wirth, tỏ ra lạc quan khi cho rằng căng thẳng gia tăng giữa Washington và Tehran sẽ khó có thể làm tăng đáng kể giá dầu. Bất chấp những rủi ro địa chính trị, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn rất dồi dào về nguồn cung. Còn nhớ vào giữa tháng 9-2019, giá dầu thô tăng gần 15% một ngày sau các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở Arab Saudi, nhưng đã nhanh chóng giảm xuống.
Trong dự đoán giá dầu Brent hoặc WTI về dài hạn, Chevron không tính đến những hiện tượng ngắn hạn như các cuộc tấn công trả đũa giữa Mỹ và Iran, hay quyết định hạn chế sản lượng của OPEC vào tháng 12-2019, ông Wirth nói.
Nguồn tin: petrotimes.vn