Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường dầu có thể đối mặt với viễn cảnh ngày tận thế trong tuần này

Thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ rất biến động trong những tháng tới nếu những tin tức từ các nhà sản xuất chủ lực của OPEC về sự hạn chế năng lực sản xuất trở thành sự thật. OPEC sẽ nhóm họp trong những ngày tới để thảo luận về các thỏa thuận xuất khẩu, trong khi hôm thứ Ba liên minh dầu mỏ này trình bày Bản tin Thống kê Thường niên (ASB) 2022. Trong khi giới truyền thông có thể sẽ tập trung vào những tin đồn trong 24 giờ tới về một sự thay đổi có thể xảy ra. Thì trong chiến lược xuất khẩu của OPEC+, trọng tâm thực sự là xem liệu nhóm có khả năng tăng đáng kể sản lượng hay không. Trong nhiều năm, các nhà sản xuất trong OPEC nắm quyền chi phối chính trên thị trường dầu. Với công suất dự phòng được cho là hơn 3-4 triệu thùng/ngày, Ả Rập Xê Út và UAE luôn được coi là phương án cuối cùng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng lớn trên thị trường dầu khí. Trong thời kỳ dư thừa dầu toàn cầu trước đây, dường như không có gì có thể đe dọa thị trường dầu mỏ, ngay cả khi xảy ra xung đột lớn ở Libya, Iraq hoặc những nơi khác. Tuy nhiên, sự mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu sau COVID-19 đã khiến thị trường lo sợ rằng các nhà sản xuất dầu hàng đầu, bao gồm Mỹ và Nga, không thể cung cấp đủ dầu cho thị trường. Ả Rập Xê Út và UAE hiện đang được cho là sẽ tăng sản lượng lên mức cao trong lịch sử và đưa giá dầu đi xuống. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine, làm loại bỏ 4,4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm mỗi ngày trong những tháng tới, đã khiến vấn đề công suất dự phòng này trở nên nổi trội hơn.

Tuần này, một kịch bản có thể xảy ra về ngày tận thế có thể xuất hiện trên thị trường dầu mỏ, không chỉ dựa trên các chiến lược xuất khẩu của OPEC+ mà còn do bất ổn nội bộ leo thang ở Libya, Iraq và Ecuador. Những bất ổn chính trị và kinh tế khác cũng đang diễn ra ở các nhà sản xuất khác, trong khi đá phiến của Mỹ vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sản lượng tăng đáng kể trong những tháng tới.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu từ lâu đã tin rằng OPEC có đủ năng lực sản xuất dự phòng để ổn định thị trường, trong đó Saudi Arabia và UAE chỉ cần mở van sản xuất. Tuy nhiên, không có bằng chứng thực tế nào cho thấy OPEC đã tăng năng lực sản xuất trong ngắn hạn. Một ghi chú nghiên cứu của nhà phân tích hàng hóa Tobin Gorey của ngân hàng Commonwealth đã lưu ý rằng hai nhà thành viên dẫn đầu của OPEC đang sản xuất với giới hạn công suất trong ngắn hạn. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei thậm chí đã gây thêm sức ép lên giá dầu khi ông tuyên bố rằng UAE đang sản xuất công suất gần mức tối đa dựa trên hạn ngạch 3,168 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận với OPEC và các đồng minh. Bình luận đó vẫn có thể cho thấy rằng Abu Dhabi vẫn còn một số công suất dự phòng, nhưng nhận xét được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố với Tổng thống Mỹ Biden trong cuộc họp G7 rằng không chỉ UAE sản xuất ở công suất tối đa mà Ả Rập Xê Út chỉ có thêm 150.000 thùng/ngày công suất dự phòng.

Macron tuyên bố rằng tổng thống UAE Mohammed bin Zayed (MBZ) đã nói với ông rằng UAE đang ở mức công suất sản xuất tối đa trong khi tuyên bố Ả Rập Saudi chỉ có thể tăng sản lượng thêm 150.000 thùng/ngày. Macron cũng tuyên bố rằng Ả Rập Xê Út sẽ không có thêm công suất lớn trong vòng sáu tháng tới. Tuy nhiên, số liệu chính thức của cả hai nhà sản xuất OPEC đối lập với điều này. Saudi Arabia đang sản xuất ở mức 10,5 triệu thùng/ngày, với công suất chính thức từ 12-12,5 triệu thùng/ngày. UAE đang sản xuất khoảng 3 triệu thùng/ngày, tuyên bố có công suất 3,4 triệu thùng/ngày. Sản lượng dự phòng của hai nước dự kiến chính thức cộng lại vẫn ​​là khoảng 3,9 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đã đặt câu hỏi về những con số này trong nhiều năm.

Nhìn vào mục tiêu sản xuất của OPEC+, nhóm này đã không sản xuất ở mức đã được nhất trí trong nhiều tháng. Tại buổi Đối thoại Năng lượng Tương lai Trung Đông và Bắc Phi-Châu Âu ở Jordan, Al Mazrouei tuyên bố OPEC+ đang thiếu 2,6 triệu thùng/ngày so với mục tiêu sản xuất. Điều đó có nghĩa là sự thiếu hụt tiềm ẩn trên thị trường, có thể tăng hơn nữa nếu bất ổn nội bộ khiến sản lượng tiếp tục giảm. Trong tháng 7 và 8, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày, có nghĩa là tổng sản lượng bị cắt giảm trong đại dịch COVID-19 là 5,8 triệu thùng/ngày đã được khôi phục. Liệu OPEC+ có thể đạt được mức đó trong những tuần tới hay không vẫn còn rất chưa chắc chắn.

Áp lực sẽ gia tăng trong những ngày tới, vì nhận xét của Al Mazrouei dường như phản bác lại những tuyên bố về tình trạng thiếu công suất dự phòng, nhưng như mọi khi "không có lửa sao có khói". Khả năng thiếu hụt công suất sản xuất dự phòng hoặc không có nguồn cung, kết hợp với tình trạng bất khả kháng dự kiến ​​của NOC ở Vịnh Sirte, và việc ngừng sản xuất dầu của Ecuador (520.000 thùng/ngày) trong những ngày tới do các cuộc biểu tình chống chính phủ, có khả năng dẫn đến giá dầu tăng đột biến.

Vẫn có một số lạc quan trên thị trường về cuộc khủng hoảng cung-cầu thực tế, như mức lạm phát cao và khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến nhu cầu thấp hơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sự lạc quan đó vẫn chưa thành hiện thực, nhu cầu vẫn đang tiếp tục tăng, cho dù giá xăng và dầu diesel đang phá vỡ mức giá lịch sử. Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trên toàn cầu và nhiệt độ cao hơn trong những tuần tới, kết hợp với nhu cầu cao điểm do Mỹ và EU vào mùa lái xe, tất cả đều có thể đẩy giá dầu lên cao hơn.

Tương lai của OPEC đang bị đe dọa nếu công suất sản xuất dự phòng thực sự cạn kiệt. Trong nhiều năm, các nhà phân tích đã cảnh báo về việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu trên toàn thế giới. Điều đó đã khiến năng lực sản xuất của các công ty dầu độc lập, chẳng hạn như hầu hết các công ty dầu quốc tế, và đối với các công ty dầu quốc gia, tình hình dường như cũng tương tự. Mặc dù Saudi Aramco, ADNOC và một số công ty khác vẫn giữ mức đầu tư cho thượng nguồn (và hạ nguồn) trong suốt thập kỷ qua (ngay cả trong thời gian COVID), nhưng các nhà sản xuất chính khác của OPEC đã chứng kiến ngân sách đầu tư bị thu hẹp hoặc thậm chí là khủng hoảng toàn diện. Hầu hết các nhà sản xuất OPEC vẫn có thể tăng sản lượng tổng thể, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khi hầu hết năng lực sản xuất dự phòng chỉ dựa vào ngắn hạn, một phần để tránh làm tổn hại đến dự trữ trong dài hạn, cuộc khủng hoảng dầu hiện nay là một vấn đề dài hạn hơn nhiều. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, kết hợp với các lệnh trừng phạt hiện có đối với Venezuela và Iran, sẽ gây tổn hại cho thị trường trong nhiều năm tới.

Không có giải pháp khắc phục nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng thị trường dầu hiện nay, ngay cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Venezuela hoặc Iran cũng sẽ không dẫn đến gia tăng sản lượng đáng kể. Đồng thời, sự can thiệp chính trị ngày càng lớn của phương Tây vào thị trường vốn đang gặp khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng. Việc Hoa Kỳ, Anh và EU ngày càng kêu gọi áp đặt “windfall tax” đối với các công ty dầu khí sẽ không chỉ càng hạn chế thêm các khoản đầu tư vào thượng nguồn mà còn dẫn đến giá nhiên liệu cao hơn. Người tiêu dùng sẽ không cảm thấy bất kỳ tác động tích cực nào về giá cả và có thể đoán được hóa đơn năng lượng sẽ tăng đều đặn trong những tháng tới.

Không có tuyên bố nào của OPEC trong hai ngày tới có thể xóa bỏ những lo lắng trên thị trường. Tương lai của OPEC hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực của nhóm trong việc ổn định thị trường. Hiện tại, dường như không có tùy chọn nào có sẵn cho OPEC. Nếu không có sản lượng dầu mới sớm tiếp cận thị trường, các nhà lãnh đạo OPEC MBZ và Thái tử Mohammed bin Salman cần cố gắng duy trì ảo tưởng về khả năng dự phòng. Nếu công suất sản xuất dự phòng được tiết lộ là dưới 1,5-2 triệu thùng/ngày, tương lai của cả OPEC và thị trường dầu mỏ sẽ rất ảm đạm.

Nguồn tin: xangdau.net  

ĐỌC THÊM