Trên thị trường bán lẻ xăng dầu, Petrolimex vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Nhưng các đối thủ vẫn bám đuổi quyết liệt, thách thức vị thế dẫn đầu của ông lớn này.
Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), thị trường xăng dầu Việt Nam có giá trị gần 6 tỷ USD. Thị trường này đang được Nhà nước từng bước thay đổi “luật chơi” theo hướng thị trường cạnh tranh nên ngày càng hấp dẫn những người chơi mới gia nhập thị trường.
Cục diện thị trường
Các số liệu thống kê hiện cho thấy, Petrolimex đang thể hiện đầy đủ sức mạnh của người dẫn đầu. Do nhiều năm giữ vị thế độc quyền trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nên doanh nghiệp này sở hữu một hệ thống kho hàng có sức chứa tới 2,2 triệu m3, trên 5.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, là công ty duy nhất trên thị trường Việt Nam có kho ngoại quan và hệ thống đường ống vận chuyển xăng dầu dài 570 km.
Petrolimex nắm trong tay một số lượng lớn các công ty con, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ cho mảng xăng dầu như đội tàu vận tải biển, logistics, các công ty xây dựng cây xăng, hóa dầu… mà còn đóng góp vào doanh thu rất lớn cho Petrolimex với tỷ lệ 40%. Chưa kể các công ty con là những doanh nghiệp đầu ngành trên thị trường.
Toàn bộ nguồn lực lớn dựa trên lợi thế mà Nhà nước mang lại của Petrolimex bấy lâu nay luôn giúp doanh nghiệp này nắm giữ tới gần 50% thị phần xăng dầu của cả nước.
Bám đuổi phía sau là 2 công ty PV Oil và Thanh Lễ, cũng có xuất phát điểm từ doanh nghiệp nhà nước. Trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần, PV Oil hiện đang tỏ ra tham vọng nhất. Doanh nghiệp này kỳ vọng gia tăng thị phần từ 21% hiện nay lên 35% thông qua các thương vụ M&A. Điều này hoàn toàn có cơ sở, do PV Oil có cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và có các thế mạnh không thua kém Petrolimex: từ mạng lưới bán lẻ đến các nguồn lực hỗ trợ về vốn, logistics…
Trước thực tế đó, Petrolimex phải hết sức cảnh giác trước chiến lược kinh doanh của PV Oil, vì doanh nghiệp này sau khi sáp nhập Petec vào năm 2010 đã nâng thị phần xăng dầu của mình từ 16% lên mức 21% như hiện nay. Còn nếu tính riêng mảng phân phối dầu diesel, PV Oil đã tăng thị phần lên 23,6%, thu hẹp khoảng cách với Petrolimex vốn đang nắm giữ 46% thị phần.
Nghị định 83 mở ra khá nhiều điều kiện thông thoáng theo hướng thị trường cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp chiếu dưới có khả năng giành giật được thị phần của Petrolimex. Nhà nước gần như giữ lại quyền điều hành giá và cho doanh nghiệp một mức lợi nhuận cố định không bị chi phối bởi giá nguyên liệu đầu vào, nên kinh doanh xăng dầu là ngành không có rủi ro. Thời điểm này, các doanh nghiệp lớn hay nhỏ trên thị trường xăng dầu đều có mức lợi nhuận tốt.
Với việc giá bán gần như cố định trên thị trường, các công ty muốn mở rộng thị phần buộc phải thông qua việc mở rộng điểm bán xăng dầu, giúp gia tăng sản lượng cũng như lợi nhuận và doanh thu. Mặc dù Petrolimex nắm trong tay hơn 5.000 điểm bán lẻ, nhưng hơn một nửa trong số đó là các đại lý. Vì thế, Petrolimex chưa đủ sức mạnh để tự mình gây sức ép lên các đối thủ trong việc giành giật các điểm bán lẻ, đặc biệt là tại khu vực có mức độ tiêu thụ lớn như TP.HCM.
Tại đây, Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) đang không ngừng bành trướng mạng lưới của mình. Cách mở rộng mạng lưới bán lẻ xăng dầu của SFC là thông qua việc đầu tư mới, thuê và hợp tác. SFC có cổ đông lớn là Công ty cổ phần Xăng dầu và Dịch vụ hàng hải (STS) - một đầu mối nhập khẩu xăng dầu và có năng lực vận chuyển. Trên nền tảng này, SFC hoàn toàn có khả năng đưa ra mức chiết khấu tốt để phát triển hệ thống đại lý phân phối cho mình. Hiện ở TP.HCM, mức độ phủ sóng mạng lưới bán lẻ của SFC ngày một gia tăng và chiếm lĩnh nhiều điểm bán có vị trí đẹp.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, đầu tư cây xăng ở TP.HCM có giá trị tương đương một dự án bất động sản. Với định mức lợi nhuận cố định hiện nay, rất khó để đầu tư mạng lưới lớn nên Petrolimex phải sử dụng lợi nhuận từ các vùng khác để đảm bảo tổ chức dịch vụ bán lẻ ở TP.HCM không bị thua lỗ.
Tại một số tỉnh phía Nam, Petrolimex cũng rất vất vả giành giật điểm bán với đối thủ Thanh Lễ. Đây cũng là công ty nhà nước của tỉnh Bình Dương nên rất có lợi thế trong việc tìm kiếm mặt bằng đẹp cho cây xăng. Tập trung ở các cửa ngõ kết nối với các tỉnh, TP.HCM, Bình Dương - hai đầu tàu kinh tế đầy năng động của phía Nam, đồng nghĩa mức độ tiêu thụ sản lượng xăng dầu rất lớn.
Hiện Thanh Lễ có gần 1.000 điểm bán hàng tại 9 tỉnh miền Nam và hệ thống kho chứa xăng dầu 36.000 m3. Thương hiệu Thanh Lễ rất có uy tín với cánh tài xế đường dài bởi các cây xăng được tổ chức bài bản với các cửa hàng tiện lợi hỗ trợ cho những người phải di chuyển khoảng cách xa.
Vẫn là cuộc đua song mã
Hiện thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam đã xuất hiện nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đây được xem là nhân tố có khả năng chia sẻ thị phần của cả Petrolimex và PV Oil.
Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsu Q8 của Nhật mới đây đã được cấp phép bán lẻ xăng dầu. Thực tế, trong cam kết WTO, Việt Nam được giữ lại quyền kinh doanh phân phối xăng dầu, không mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài.
Trường hợp của Idemitsu Q8 là một ngoại lệ, bởi theo quy định của Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài được phân phối xăng dầu tại Việt Nam nếu như tham gia đầu tư vào nhà máy lọc dầu. Idemitsu Q8 là công ty liên doanh giữa Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait Petroleum (KPI), những đối tác góp vốn vào Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Idemitsu là một tên tuổi lớn, một trong 3 công ty lọc dầu lớn nhất nước Nhật và có khoảng 3.700 trạm xăng. Idemitsu Q8 rõ ràng là có thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm kinh doanh xăng dầu. Nhưng trong cuộc đua với Petrolimex tại Việt Nam, không dễ để doanh nghiệp này gây ra được những khó khăn đáng kể cho Petrolimex.
Trở ngại đầu tiên chính là việc xây dựng hệ thống phân phối, vì các điểm bán lẻ tốt đã được các doanh nghiệp nội chiếm lĩnh. Muốn sở hữu, Idemitsu Q8 chỉ còn cách mua lại, nhưng sẽ phải trả một cái giá rất cao và mất nguồn vốn đầu tư khá lớn. Trong điều kiện biên lợi nhuận cố định, doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định mở rộng mạng lưới.
Thứ hai, Idemitsu Q8 phải đầu tư nhiều vào hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định để có thể vận hành kinh doanh và mở rộng mạng lưới, mà các yếu tố này đòi hỏi thời gian .
Mọi con mắt giờ đây đang đổ dồn vào PV Oil, đứng thứ 2 trên thị trường và có lợi thế tương đương Petrolimex. Vào tháng 6 năm nay, PV Oil sẽ tiến hành IPO với mức cổ phần chào bán là 49% tỷ lệ sở hữu.
Quá trình cổ phần hóa của PV Oil sẽ có sức hút rất lớn với nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam. PV Oil đang kỳ vọng thu được 280 triệu USD cho đợt IPO lần này.
Theo ban lãnh đạo PV Oil, nguồn tiền thu được từ IPO sẽ được chi cho hoạt động M&A trong 5 năm tới nhằm mở rộng thị phần (mục tiêu đến năm 2022 tăng gấp 3 lần, lên 3.000 điểm bán hàng trên toàn quốc).
Tuy nhiên, PV Oil có một bất lợi so với Petrolimex là phải chịu trách nhiệm tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và sắp tới đây là Lọc hóa dầu Nghi Sơn nên trong một số giai đoạn sẽ chịu mức thuế cao hơn mức thuế của xăng dầu nhập khẩu của Petrolimex.
Về phía Petrolimex, khó có thể xem thường năng lực kinh doanh họ, dù một phần thành công của doanh nghiệp này có được từ đặc quyền nhà nước. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Petrolimex có đội ngũ nhân sự đầy kinh nghiệm giao dịch trên thị trường xăng dầu, theo kịp các diễn biến để dự phòng rủi ro về giá.
Mặt khác, Petrolimex quản trị rất tốt về hàng tồn kho để tránh các tác động lên xuống về giá, cũng như là người mua lớn trên thị trường nên có tiếng nói mạnh trong việc đàm phán giá có lợi nhất cho mình.
Hiện nay, Petrolimex vẫn đang trì hoãn việc đầu tư Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong, vì muốn có được cơ chế ưu đãi từ Chính phủ cho dự án này. Tiến trình chậm chạp này đang đem lại lợi thế cạnh tranh tốt hơn cho Petrolimex, bởi họ có thể dành ra các nguồn lực đầu tư cho các mảng khác.
Petrolimex hiện đã có cổ đông chiến lược Nhật Bản là JX Nippon Oil and Energy (tập đoàn chiếm 50% thị phần xăng dầu Nhật Bản). Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu không đầy 8%, nhưng chắc chắn JX Nippon sẽ hỗ trợ Petrolimex rất tốt về mặt công nghệ, chiến lược kinh doanh, mối quan hệ…
Trong khi đó, kẻ bám đuổi phía sau là PV Oil đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Tất cả các yếu tố này đang giúp Petrolimex có khả năng kéo giãn khoảng cách thị phần so với người thứ 2 là PV Oil.
Nguồn tin: Enternews.vn