Thị trường tiêu thụ xăng dầu trong nước có giới hạn, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp được kinh doanh xăng dầu, trong đó có tư nhân. Điều này khiến cạnh tranh trong thị trường này diễn ra quyết liệt, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa và nhiều “đại gia” dầu mỏ thế giới cùng tham gia.
Kinh doanh xăng dầu được dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Chờ đón “cơn lốc” nhà đầu tư nước ngoài
Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người, đang trong quá trình công nghiệp hóa, kinh tế phát triển năng động là những lợi thế để những mặt hàng thiết yếu phục vụ nền kinh tế như xăng dầu phát triển. Theo thống kê, hiện quy mô tiêu thụ xăng dầu Việt Nam khoảng 17 triệu tấn/năm.
Với “miếng bánh” không hề nhỏ này, nhiều DN quyết dành thị phần lớn về mình. Hiện, Việt Nam có 29 đầu mối được phép nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, với những “ông lớn” như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), TCty Xăng dầu Quân đội, Tổng Cty Dầu Việt Nam (PV OIL)… trong đó, Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần.
Theo ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PV OIL, xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có nhiều lợi thế vì thị trường lúc nào cũng cần, nhất là trong bối cảnh người người, nhà nhà cần đến xăng dầu phục vụ cuộc sống, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực khá “béo bở” nên nhiều DN cùng muốn hoạt động, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.
“Nếu ở Nhật Bản thị trường có quy mô 300 triệu tấn xăng dầu thì ở Việt Nam chỉ khoảng 17 triệu tấn. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ có 8 đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu thì ở Việt Nam con số này là 29. Việc quy mô không lớn nhưng nhiều DN cùng tham gia kinh doanh khiến các DN phải cạnh tranh gay gắt là điều tất yếu”, Tổng Giám đốc PV OIL cho biết.
Cũng theo ông Dương, khi biết tin PV OIL chuẩn bị cổ phần hóa, hàng chục “đại gia” dầu khí đến từ châu Âu, Đông Nam Á, Trung Đông, Trung Quốc nộp hồ sơ mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược… Điều này chứng tỏ lĩnh vực kinh doanh xăng dầu rất tiềm năng, béo bở.
Không chỉ PV OIL, nhiều DN nhà nước kinh doanh xăng dầu khác cũng sẽ cổ phần hóa trong thời gian tới. Mới đây, “ông lớn” Petrolimex cho biết vào giữa tháng tư này sẽ niêm yết trên “sàn” Hose khoảng 1,29 tỷ cổ phiếu, tương đương 2 tỷ USD. Như vậy, thời gian tới nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam kinh doanh xăng dầu, góp phần tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực này.
Sợ chiêu cạnh tranh “bẩn”
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước dự báo “cuộc chiến” giành thị phần kinh doanh xăng dầu sẽ diễn ra quyết liệt trong thời gian tới thì để giữ được thị phần và phát triển ổn định, không còn cách nào khác là DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ. Khi nhiều DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này họ sẽ đưa công nghệ, cung cách phục vụ sang áp dụng ở Việt Nam. Đối tượng được hưởng lợi là người tiêu dùng, nhưng các DN kinh doanh xăng dầu trong nước nếu không tự thay đổi sẽ dễ bị loại khỏi cuộc chơi.
Tổng Giám đốc PV OIL cho biết, trong bối cảnh các DN xăng dầu cạnh tranh gay gắt, PV OIL luôn nỗ lực cung cấp xăng dầu ra thị trường đúng chất lượng, cung cách phục vụ chu đáo. Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, xuất hiện không ít hình thức cạnh tranh không lành mạnh như bán xăng không đúng chất lượng, xăng nhập lậu…. “Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với các DN khác, nhưng phải cạnh tranh công bằng; chúng tôi không thể cạnh tranh với các DN gian lận”, ông Cao Hoài Dương cho biết.
Vị này nói thêm, việc kinh doanh xăng dầu dễ đem lại lợi nhuận nên có tình trạng DN kinh doanh “bẩn”. “Họ không từ một thủ đoạn nào để kinh doanh gian dối, thu lời bất chính”, ông Dương nói. Ông này phân tích, nếu những DN làm ăn chân chính, một lít xăng nhập về chỉ lãi khoảng 1.300 đồng. Trong khoản lãi này, phải trả tiền nhân công và các chi phí khác. Trong khi đó, nếu xăng dầu nhập lậu, một lít xăng họ bỏ túi được hơn 4.000 đồng.
Nguồn tin: Baophapluat