Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thế khó của Nga trên thị trường dầu mỏ

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga cùng các đồng minh.

Hôm 7-5, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid Al-Falih còn nhắc lại "câu thần chú" phải duy trì thỏa thuận trên, dự kiến hết hạn cuối năm nay. Dù vậy, chỉ 48 giờ sau đó, Riyadh lại nói đến khả năng tăng sản lượng khai thác. Xen giữa 2 thông báo trái ngược này là động thái gây tranh cãi của ông Trump về việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran, một thành viên OPEC và là nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới.

"Các biện pháp trừng phạt Iran có thể thay đổi nội dung cuộc họp của OPEC vào tháng 6. Thay vì bàn chuyện cắt giảm sản lượng, các nước thành viên sẽ thảo luận về thời điểm bắt đầu tăng dần sản lượng" - ông Amrita Sen, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Energy Aspects Ltd. (Anh), dự báo với trang Bloomberg. 

Một cơ sở khai thác dầu gần TP Ahvaz - Iran Ảnh: AP

Trong 16 tháng qua, thỏa thuận nói trên đã góp phần làm giảm tình trạng thừa mứa nguồn cung dầu, từ đó giúp giá dầu hồi phục dần (hiện gần mức 80 USD/thùng). Trong giai đoạn 2012-2015, các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế lên Iran khiến lượng dầu trên thị trường giảm 1 triệu thùng/ngày.

Lần này, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu chắc chắn không tham gia trừng phạt Tehran trong nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Giới chuyên gia đã có những đánh giá khác nhau về tác động của các biện pháp trừng phạt sắp tới, từ "không nghiêm trọng" cho đến nguy cơ sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran giảm hơn phân nửa so với mức 2,7 triệu thùng/ngày hiện nay.

Việc Ả Rập Saudi phát đi tín hiệu sẵn sàng tăng sản lượng khai thác để bù đắp sự thiếu hụt từ nguồn cung Iran sẽ góp phần khiến giá dầu không tăng hơn nữa. Với giá xăng đang tăng ở Mỹ, động thái này có thể khiến ông Trump hài lòng.

Dù vậy, ý định của Riyadh không phải không có rủi ro. Nếu tăng sản lượng quá mức hoặc không có sự điều phối với những nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC, nhất là Nga, thị trường sẽ lại thừa cung, khiến giá dầu sụt giảm. Do đó, sự ổn định của thị trường dầu sẽ phụ thuộc ít nhiều vào Nga, quốc gia phải lựa chọn giữa liên minh với Iran và mối quan hệ mới với Ả Rập Saudi.

Nguồn tin: nld.com.vn

ĐỌC THÊM