Trong khi các chuyên gia còn đang tranh luận liệu thế giới đã đạt đỉnh dầu hay chưa thì Bloomberg Markets dự đoán các nước vẫn sẽ tiêu thụ hàng trăm tỷ thùng dầu thô từ nay cho đến năm 2050.
Theo oilprice.com, rất khó để trả lời chính xác liệu nhu cầu dầu thô toàn cầu đã đạt đỉnh hay chưa. Một số chuyên gia khẳng định đỉnh dầu đã xuất hiện do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như do quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng vẫn còn một chặng đường dài trước khi nhu cầu dầu thô sụp đổ và các nền kinh tế toàn cầu vẫn rất "khát" nhiên liệu hóa thạch.
Bất luận nhu cầu dầu thô đã đạt đỉnh hay lao dốc trong đại dịch thì một điều không thể phủ nhận là thế giới sẽ tiêu thụ thêm rất nhiều dầu thô trong tương lai trước khi đạt được mục tiêu điện khí hóa toàn ngành năng lượng, oilprice.com nhấn mạnh.
Tuần trước, Bloomberg Markets nhận định: "Các nền kinh tế trên toàn cầu dự kiến sẽ tiêu thụ thêm hàng trăm tỷ thùng dầu trong vài thập kỷ tới. Những gã khổng lồ ngành dầu mỏ như Total hay Royal Dutch Shell, cùng hàng trăm công ty nhỏ hơn vẫn còn đang hoạt động sẽ có thêm động lực để khai phá thêm các dự án mới".
Tập đoàn Total của Pháp sắp được phê duyệt một dự án khai thác dầu tại Uganda và Tanzania vào cuối tuần tới. Dự án mới có chi phí khoảng 5,1 tỷ USD, trong đó liên doanh Đông Phi của Total sẽ khoan dọc bờ hồ Albert ở Uganda, xây dựng một đường ống dẫn dầu dài 1.443 km để đưa dầu thô đến cảng Tanga của Tanzania, từ đó hàng sẽ được vận chuyển đến các thị trường lớn.
Song dự báo của Bloomberg Markets lại là một tin tức xấu đối với các nhà bảo vệ môi trường, đặc biệt là những người quan tâm đến lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực khai thác dầu mỏ.
Năm 2015, một nghiên cứu thực nghiệm được đăng tải trên tạp chí Nature cho biết, để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, ngành dầu mỏ không được khai thác ít nhất 80% trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đã được tìm thấy. Tức là, thế giới phải tránh xa 90% trữ lượng than của Mỹ và 100% trữ lượng dầu khí ở Bắc Cực, oilprice.com cho biết thêm.
Cho đến nay, tập đoàn BP của Anh là ông lớn ngành dầu mỏ duy nhất thừa nhận rằng kỷ nguyên dầu mỏ đã kết thúc và nhu cầu dầu thô sẽ bắt đầu đi xuống trong tương lai gần.
"Trong khi đó, phần còn lại của ngành dầu mỏ vẫn kỳ vọng nhu cầu dầu thô sẽ tăng trưởng thêm ít nhất một thập kỷ nữa trước khi thoái trào. Hơn nữa, ngay cả khi đưa ra triển vọng kém lạc quan, BP vẫn cho rằng chúng ta sẽ tiếp tục tiêu thụ rất nhiều xăng dầu trong vài chục năm tới", Bloomberg Markets cho hay.
Nếu thế giới hoàn thành mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050 và nhu cầu dầu thô sụt giảm nhanh chóng, BP dự đoán các nền kinh tế trên toàn cầu vẫn muốn mua đến 660 tỷ thùng dầu thô trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. Con số này cũng không kém cạnh so với 880 tỷ thùng dầu thô mà chúng ta tiêu thụ trong 30 năm qua.
Còn theo triển vọng kinh doanh "trong điều kiện bình thường" của BP, nhu cầu dầu thô vẫn ổn định và các nước không đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm khí thải nhà kính. Khi đó, trong 30 năm tính đến năm 2050, toàn cầu sẽ tiêu thụ thêm 1,1 nghìn tỷ thùng dầu thô.
Đáng chú ý, gần đây hãng tư vấn Wood Mackenzie đưa ra cảnh báo rằng nếu các nhà lãnh đạo thế giới hành động quyết liệt để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C như đã đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì nhu cầu dầu thô sẽ "giảm mạnh". Ở kịch bản này, nhu cầu dầu thô có thể giảm đến 70% vào năm 2050 so với mức hiện tại.
Wood Mackenzie cho biết, nhu cầu dầu thô sẽ bắt đầu đi xuống từ năm 2023 và sụt giảm nhanh chóng sau đó. Hệ quả là, giá dầu thô có thể sẽ "liên tục lao dốc", trong đó giá dầu Brent tụt xuống còn khoảng 37 - 42 USD/thùng vào năm 2030.
Sau giai đoạn năm 2030, giá dầu có thể giảm sâu xuống 28 - 32 USD/thùng vào năm 2040 và tiếp tục tụt xuống còn 10 - 18 USD/thùng vào năm 2050.
Nguồn tin: Vietnambiz