Thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể mất 3 triệu thùng nguồn cung mỗi ngày từ Nga kể từ tháng 4, do các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng và sự miễn cưỡng của người mua có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong Báo cáo thị trường dầu cho tháng này.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga trong khi Anh đang nỗ lực loại bỏ dần nguồn cung từ Nga vào cuối năm nay. Mặc dù châu Âu không trừng phạt dầu và khí đốt của Nga, nhưng ngày càng có nhiều người mua châu Âu tham gia vào làn sóng lên án chiến tranh của Nga và cam kết không mua dầu của nước này. Theo ước tính của J.P. Morgan Global Research, tính đến tuần trước, có tới 66% các lô hàng giao ngay bằng đường biển của Nga đang phải vật lộn để tìm người mua.
Việc Nga xâm lược Ukraine diễn ra vào thời điểm thị trường dầu mỏ đang thắt chặt, với tồn kho tại các nền kinh tế OECD đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm và ở mức thấp nhất trong 8 năm.
Giải pháp trước mắt có thể giúp bù đắp nguồn cung dầu bị mất của Nga nằm ở hai thành viên có tầm ảnh hưởng nhất của OPEC, cùng với Nga, đã quản lý nguồn cung ra thị trường theo thỏa thuận OPEC+ trong vài năm nay.
Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - hai nhà sản xuất duy nhất được cho là có đủ công suất dự phòng để tăng sản lượng trong ngắn hạn - đã không cân nhắc việc lấp đầy khoảng trống nguồn cung dầu mà Nga để lại. Tuần trước, UAE đã khiến thị trường dầu bối rối với những thông điệp có phần mâu thuẫn rằng họ ủng hộ việc bổ sung thêm nguồn cung trong OPEC+, nhưng Bộ trưởng Năng lượng Suhail al Mazrouei sau đó tái khẳng định rằng UAE sẽ bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng.
“Liên minh OPEC+ đã đồng ý vào ngày 2/3 để duy trì mức tăng sản lượng khiêm tốn theo kế hoạch là 400 ngàn thùng/ngày cho tháng 4, khẳng định không có sự thiếu hụt nguồn cung nào. Ả Rập Xê-út và UAE - hai nhà sản xuất duy nhất có công suất dự phòng đáng kể - cho đến nay, cho thấy không sẵn sàng khai thác nguồn dự trữ của họ”, IEA cho biết trong báo cáo của mình.
Mặt khác, nếu Ả Rập Xê Út và UAE khai thác nguồn dự trữ, thì khả năng công suất dự phòng toàn cầu - phần lớn nằm trong tay họ - sẽ rất mỏng đến mức nguồn cung dầu của Nga trở nên tồi tệ hơn, hoặc một sự cố ngừng hoạt động khác ở Libya, sẽ để lại cho các nhà sản xuất dầu toàn cầu một lớp đệm mỏng đến mức chắc chắn giá sẽ tăng vọt.
Đá phiến Mỹ không thể bơm nhiều dầu hơn ngay lập tức
Vậy tại sao Mỹ không bơm thêm đá phiến, đặc biệt là với sự “bật đèn xanh” của Nhà Trắng và Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, người đã thúc giục các nhà sản xuất Mỹ “tăng nguồn cung ngắn hạn một cách có trách nhiệm ở những nơi chúng ta có thể ngay bây giờ nhằm ổn định thị trường và giảm thiểu thiệt hại cho các gia đình Mỹ”.
Các nhà sản xuất đã cho biết lý do tại sao trong nhiều tháng qua: có một độ trễ từ lúc khoan dầu tới khi thu đượcgiọt dầu đầu tiên, cũng do nhiều năm không đầu tư, kỷ luật vốn, các chính sách liên bang không khuyến khích đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Ví dụ, ngay cả khi ConocoPhillips quyết định bơm thêm dầu vào ngày hôm nay, thì giọt dầu đầu tiên cũng sẽ chỉ đến trong vòng 8 đến 12 tháng, CEO Ryan Lance nói với CNBC vào tuần trước.
J.P. Morgan cho biết: “Ngay cả khi sản xuất đá phiến phản ứng với tín hiệu giá, cũng không thể tăng hơn 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay do những hạn chế về nhân lực và cơ sở hạ tầng”.
Rồi thì triển vọng về các thùng dầu bổ sung từ Iran, nhưng chúng “có thể mất vài tháng”, IEA cho biết, đồng thời cho biết Cộng hòa Hồi giáo có thể tăng cường xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian sáu tháng khi — và nếu — đạt được thỏa thuận.
Khoảng cách giữa cung và cầu dầu toàn cầu có thể thu hẹp hơn so với dự báo chỉ một tháng trước, vì lạm phát tăng cao, giá năng lượng tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát nói trên và các lệnh trừng phạt đối với Nga có khả năng "làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế toàn cầu". theo IEA.
Cơ quan này đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu xuống 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, dẫn đến tăng trưởng chậm hơn 950.000 thùng/ngày cho năm 2022 so với dự đoán vào giữa tháng Hai. Tổng nhu cầu hiện đạt 99,7 triệu thùng/ngày vào năm 2022, tăng 2,1 triệu thùng ngày so với năm 2021, IEA cho biết thêm.
Ngay cả khi tăng trưởng nhu cầu dự kiến chậm lại trở thành hiện thực, thì nó cũng sẽ không bù đắp được nguồn cung bị mất của Nga, khiến thị trường thiếu hụt nếu việc tránh xa dầu của Nga tăng tốc và tiếp diễn trong suốt cả năm.
OPEC cũng cảnh báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu chậm lại trong báo cáo thị trường của mình vào đầu tuần này. OPEC nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine và lạm phát xoắn ốc có thể tác động đến tăng trưởng tiêu thụ dầu, điều này “vẫn đang được đánh giá”. OPEC giữ triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu ở mức 4,2 triệu thùng/ngày cho năm 2022, "trong thời điểm hiện tại", nhưng gắn nhãn "sự bất ổn cực kỳ cao xung quanh hoạt động kinh tế vĩ mô toàn cầu”.
OPEC cho biết: “Trong tương lai, những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát gia tăng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ tác động đến nhu cầu dầu ở nhiều khu vực khác nhau”.
“Với sự phức tạp của tình hình, tốc độ phát triển và tính lưu động của thị trường, với dữ liệu hạn chế cho đến nay để hiểu những hậu quả sâu rộng của cuộc xung đột này, các dự báo đang thay đổi gần như hàng ngày, khiến nó trở nên khó khăn để xác định”.
Cuộc họp hàng tháng tiếp theo của nhóm OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 31 tháng 3, và giá dầu biến động và cao có thể sẽ gây thêm áp lực lên các thành viên OPEC của liên minh trong việc thúc đẩy nguồn cung nhiều hơn để cố gắng bù đắp lượng dầu bị mất từ Nga.
Nguồn tin: xangdau.net