Việc ngừng bán xăng RON 92 được dự báo là yếu tố quyết định để người dân tiến tới sử dụng xăng E5.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, việc đưa vào sản xuất, kinh doanh xăng E5 có lợi ích lớn trong việc bảo vệ môi trường, trong bối cảnh yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe.
“Mốc 1/1/2018 không thể thay đổi. Phải quyết tâm thực hiện nghiêm túc theo lộ trình”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh hôm 6/7, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp xăng dầu về lộ trình triển khai xăng sinh học E5 trên toàn quốc.
Đây là loại xăng được phối trộn theo tỉ lệ 95% xăng khoáng thông thường (xăng RON 92) với 5% nhiên liệu sinh học là ethanol (cồn E100). Theo lộ trình đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trước đó, từ ngày 1/1/2018, xăng E5 sẽ hoàn toàn thay xăng RON 92 trên cả nước.
Sau khi đề án phát triển nhiên liệu sinh học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2007 và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiêu liệu truyền thống được đưa ra vào năm 2012, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trong nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã bắt tay vào việc sản xuất, thí điểm đưa xăng E5 ra thị trường.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện, xăng E5 vẫn ế ẩm, trong khi nhiều nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học được đầu tư lớn bị thua lỗ.
Để tái khởi động đề án, Chính phủ đã quyết định ngừng bán xăng RON 92 từ 1/1/2018, Việt Nam chỉ cho phép kinh doanh xăng E5 và xăng khoáng RON 95, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, giảm dần sự lệ thuộc vào xăng khoáng, cải thiện môi trường và tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói, việc chuyển đổi sang xăng E5 từ 1/1/2018 là cấp thiết.
Ông cũng nhấn mạnh, việc đưa vào sản xuất, kinh doanh xăng E5 có lợi ích lớn trong việc bảo vệ môi trường, trong bối cảnh yêu cầu về môi trường ngày càng khắt khe.
Ethanol dùng trong xăng E5 được sản xuất chủ yếu từ sắn. “Hiện tại, Việt Nam có 500.000 ha đất cằn cỗi đang trồng sắn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân ở các vùng đất hoang hóa có công ăn việc làm”, ông Vượng nói.
Theo ông Phạm Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Petrolimex, xăng E5 ế ẩm là do “cơ chế, chính sách chưa quyết liệt”. Để triển khai đúng lộ trình, ông Thắng nói, phải đặt vấn đề giá lên hàng đầu, bởi doanh nghiệp lúc nào cũng nghĩ đến hiệu quả kinh doanh trước tiên. Đối với người tiêu dùng, mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và các loại xăng khác cần hấp dẫn, để người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Thắng cũng dự báo, việc ngừng bán xăng RON 92 sẽ là yếu tố quyết định để người dân tiến tới sử dụng xăng E5.
Nguồn tin: Ndh.vn