Khi cuộc chiến giá dầu gây hậu quả nặng nề, Nga sẵn sàng cung cấp những nguồn nhiên liệu cần thiết nhất để cứu dầu đá phiến Mỹ khỏi cửa tử...
Mỹ nhập các sản phẩm dầu của Nga đạt mức cao nhất trong 16 năm qua
RT ngày 11/8 dẫn số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga (RBC) cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2020, Mỹ đã nhập khẩu hơn 9 triệu tấn sản phẩm dầu của Nga - khối lượng cao nhất kể từ năm 2004.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, trong 6 tháng đầu năm nay, Nga đã xuất khẩu hơn 74,6 triệu tấn các sản phẩm dầu và Mỹ là khách hàng lớn thứ 2 khi các đơn hàng xuất sang nước này chiếm hơn 12% về cả số lượng và giá trị.
Còn theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ nhập khẩu dầu của Nga trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt gần 68 triệu thùng, tương đương 9,3 triệu tấn, vượt số liệu của hải quan Nga trong nửa đầu năm.
Sự khác biệt này là bởi dữ liệu hải quan của Nga không bao gồm các chuyến hàng qua các nước thứ ba, trong khi dữ liệu của Mỹ không dựa trên quốc gia vận chuyển mà dựa trên quốc gia xuất xứ.
Tàu chở dầu Nga liên tục cập cảng Mỹ
Ngoài thay thế lượng dầu nhập khẩu từ Venezuela, việc Mỹ gia tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu của Nga còn do giá rẻ. Bên cạnh đó là giá cước vận tải giảm cũng đã hỗ trợ nhu cầu về dầu nhiên liệu của Nga.
Các sản phẩm dầu của Nga xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu được vận chuyển đến Vịnh Mexico trên phần lãnh hải của Mỹ, đến cảng Houston và Galveston ở Texas và đến cảng Pascagoula ở Mississippi.
Phân tích số liệu của Refinitiv Eikon, trong số hơn 9 triệu tấn các sản phẩm dầu Mỹ nhập khẩu từ Nga có hơn 5,3 triệu tấn dầu nhiên liệu. Riêng trong tháng 6, số lượng các đơn hàng đã tăng 16% so với tháng trước, đạt 1,078 triệu tấn.
Được biết, trong năm 2017, Mỹ nhập khẩu 1,5 triệu tấn dầu từ Nga nhưng đã tăng lên 7,5 triệu tấn dầu năm 2018. Đặc biệt, các nhà máy lọc dầu của Mỹ trong năm 2019 đã nhập tới 11 tấn dầu nhiên liệu từ Nga.
Theo dữ liệu của EIA, có thời điểm khối lượng các sản phẩm dầu Mỹ nhập khẩu từ Nga tăng tới 57% chỉ sau 1 tháng. Cụ thể, tháng 3/2019, Mỹ nhập khẩu từ Nga 361 thùng/ngày thì đến tháng 4/2019 đã tăng lên tới 566.000 thùng/ngày.
Như vậy là khối lượng các sản phẩm dầu mà Mỹ nhập khẩu từ Nga liên tục tăng và liên tục lập kỷ lục. Đáng nói là việc Mỹ xác lập kỷ lục nhập khẩu dầu từ Nga lại song hành với việc Mỹ gia tăng trừng phạt Nga, trong đó có trừng phạt về năng lượng.
Thấy gì khi lượng dầu Mỹ mua của Nga liên tục lập kỷ lục?
Thứ nhất, Mỹ không thể thành công với việc trừng phạt Nga nếu không muốn thiệt hại
Ngày 13/9/2018, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea từng giải trình trước Uỷ ban Tài chính phụ trách Chính sách tiền tệ và Thương mại Mỹ về hiệu quả trong trừng phạt Nga, theo home.treasury.gov - cổng thông tin Bộ tài chính Mỹ.
Trong nội dung giải trình của ông Billingslea, lần đầu tiên chính quyền Mỹ chính thức thừa nhận thiết kế các biện pháp trừng phạt Nga là công việc phức tạp nhất nhưng lại kém hiệu quả nhất trong trừng phạt các thực thể đối nghịch của Mỹ.
Nguyên nhân được ông Billingslea nêu ra là do quy mô nền kinh tế Nga, sức mạnh nền kinh tế Nga và ảnh hưởng của kinh tế Nga với nền kinh tế toàn cầu, khiến trừng phạt Nga luôn gây hậu quả với Mỹ và đồng minh.
“Nga hoàn toàn miễn nhiễm với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp dựng cho các quốc gia khác, khiến chúng tôi phải thay đổi cách tiếp cận. Ví dụ, chúng ta không thể trừng phạt Nga theo cách như áp dụng với Triều Tiên hay Iran.
Quy mô kinh tế Nga lớn và tích hợp tốt quá tốt với kinh tế toàn cầu, với hệ thống tài chính quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu...Vì vậy, quá khó khăn để thiết kế trừng phạt Nga mà giảm thiểu tác động tiêu cực tới Mỹ và đồng minh".
Theo Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ: "Nhiều doanh nghiệp nhà nước Nga và doanh nghiệp nhà thương mại Nga đã tích hợp chặt chẽ vào các chuỗi cung ứng và các nền kinh tế toàn cầu, trong đó đặc biệt là nền kinh tế các đồng minh trong NATO".
Đó là thách thức rất lớn với việc thiết kế trừng phạt Nga và Mỹ buộc phải có cách tiếp cận đặc biệt, song vẫn không mang lại hiệu quả như mong muốn, đặc biệt là vẫn không giúp Mỹ và đồng minh tránh được tác động trái chiều.
Có lẽ việc Mỹ liên tục lập kỷ lục về khối lượng các sản phẩm dầu nhập khẩu từ Nga song hành với việc gia tăng trừng phạt Nga là minh chứng xác đáng nhất cho nhận định của ông Marshall Billingslea mà không cần thêm bất cứ lời giải thích nào.
Thứ hai, chính giới Mỹ miệt mài thiết kế các biện pháp trừng phạt Nga chỉ là "vô công rỗi nghề"
Bloomberg từng cho biết, nhiều nghị sĩ vẫn muốn đưa Nga ra công lý vì sự can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và những hành động khác của người Nga ở các quốc gia khác nhưng lại không có sự đồng thuận về các biện pháp cụ thể.
Nguyên nhân bế tắc được nhận diện là có nhiều nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng nước Mỹ có thể phải nhận đòn "gậy ông đập lưng ông", khi các biện pháp trừng phạt Nga ảnh hưởng đến nền kinh tế của chính nước Mỹ.
Đầu năm 2018, hai Thượng nghị sĩ đảng của Cộng hòa là Marco Rubio và Chris Van Hollen đã trình một dự luật đe dọa trừng phạt cứng rắn đối với Nga nhằm ngăn chặn Kremlin can thiệp vào chính trường Mỹ trong tương lai.
Tháng 4/2019, dự luật trừng phạt Nga tiếp theo với các biện pháp tương tự song có phần cứng rắn và khắc nghiệt hơn lại được hai Thượng nghị sĩ Hollen và Rubio trình lên Quốc hội Mỹ.
Nội dung các Dự luật Rubio-Hollen có quy định về khả năng chính quyền Mỹ được đưa ra các biện pháp trừng phạt khốc liệt nhất đối với các lĩnh vực quốc phòng, ngân hàng và năng lượng của Nga.
Song hành, tháng 8/2018, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ - đi đầu là Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Bob Menendez - cũng công bố một dự luật nhằm áp đặt thêm các hình thức trừng phạt nghiêm khắc với Nga.
Nội dung Dự luật Graham-Menendez bao gồm các giới hạn mới đối với những hoạt động giao dịch nợ công, các dự án dầu mỏ và năng lượng cũng như quy định về khối lượng uranium có thể được phép nhập khẩu từ Nga.
Tuy nhiên, cả các Dự luật Dự luật Rubio-Hollen và Dự luật Graham-Menendez - mà được cho là sẽ đưa Nga xuống địa ngục - đã không được thông qua. Điều đó khiến các nhà lập pháp Mỹ thực sự "mệt mỏi" với thiết kế các biện pháp trừng phạt Nga.
“Thực sự chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với các lệnh trừng phạt, đặc biệt là các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người đồng cảm với tình cảnh của chúng tôi”, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio tâm tư.
Qua việc lập kỷ lục về khối lượng các sản phẩm dầu nhập khẩu từ Nga cho thấy Mỹ đã tự xé rào trừng phạt mà chính mình giăng ra với Nga. Thử hỏi như vậy thì thiết kế hệ thống trừng phạt Nga có ích gì, nên chính giới Mỹ chỉ "vô công rỗi nghề" mà thôi.
Thứ ba, Nga thực sự đã trở thành chiếc áo chống đạn cho hệ thống các doanh nghiệp Mỹ, cả sản xuất-kinh doanh và hợp tác đầu tư
Ngày 20/11/2019, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Tiếng gọi từ nước Nga, ở Moscow, Tổng thống Putin cho rằng việc chính quyền Mỹ trừng phạt-cấm vận Nga chỉ là hành động 'tự bắn vào chân mình' của Washington mà thôi, theo RT.
Và theo nhà lãnh đạo Nga đương thời, trong bối cảnh hiện nay, nước Nga thời cấm vận đã trở thành chiếc áo chống đạn cho hệ thống doanh nghiệp Mỹ và giới đầu tư Mỹ, không chỉ ở Nga, mà chính ngay tại Mỹ.
Nhận định của người đứng đầu Điện Kremlin khi đó bị hoài nghi và được xem chỉ là sự "úy lạo tinh thần" cho giới doanh nhân và đầu tư Mỹ-phương Tây hướng về nước Nga nhằm giúp Moscow giải quyết hậu quả bởi trừng phạt-cấm vận.
Song theo giới phân tích thì ông Putin đã nhận định chính xác. Có hai hiệu ứng có thể nhận diện rõ nhất tác động từ nước Nga thời cấm đối với chính sách của chính phủ Mỹ, từ đó sẽ thấy chiếc áo Nga giúp doanh nghiệp Mỹ chống đạn như thế nào.
Cán sản phẩm dầu từ Nga đang giúp dầu đá phiến Mỹ thoát cửa tử
Một là, cho đến nay tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ - dù đã được luật hoá - chưa bao giờ leo thang đến mức có thể khiến Nga làm khó giới doanh nhân và đầu tư Mỹ, như đánh giá của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD).
Hai là, tất cả các biện pháp trừng phạt của Mỹ chưa bao giờ nhắm đến thực thể là nhà nước Nga, mà chỉ được áp đặt đối với các lĩnh vực cụ thể, các tổ chức hay cá nhân cụ thể. Đây là lý do thương mại Mỹ-Nga có thể tăng mạnh, theo WB.
Nay, khi cuộc chiến giá dầu gây hậu quả nặng nề, Nga lại sẵn sàng cung cấp những nguồn nhiên liệu cần thiết nhất để cứu dầu đá phiến Mỹ khỏi cửa tử, thì rõ ràng Nga là "ân nhân của doanh nghiệp Mỹ", dù biết là xuất phát từ doanh lợi của đôi bên.
Nguồn tin: baodatviet.vn