Sử dụng Xăng E5 là một chủ trương đúng đắn, nhưng cần có lộ trình, vì đây là câu chuyện kinh tế của quốc gia.
Mới đây ông Trần Minh Hà, Phó tổng giám đốc Saigon Petro đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5RON95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học toàn quốc là E5RON92 và E5RON95. Vấn đề này đã được Bộ Công thương nhất trí, trình lên Chính phủ.
Để tìm hiểu những tiện ích cũng như lợi nhuận về kinh tế, PV Phapluatplus.vn đã có cuộc phỏng vấn TS Mai Huy Tân, người từng nghiên cứu về nguyên liệu sinh học.
Thay thế xăng E5 cần phải có lộ trình.
PV: Thưa TS Mai Huy Tân, mới đây Bộ Công Thương chuẩn bị trình Chính phủ về việc bỏ hoàn toàn xăng RON 95 và thay thế bằng xăng E5 Ron 95, dưới góc nhìn của một nhà kinh tế, TS đánh giá như thế nào về chủ chương này?
TS Mai Huy Tân: Là một nhà kinh tế sinh thái, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ Công Thương trong việc sử dụng xăng E5, thậm chí E10, E15, vì chỉ số Octan tăng lên và thành phẩn khí thải nó tốt hơn cho môi trường và con người.
Câu chuyện đặt ra là lộ trình thay thế và thay thế như thế nào? Để đáp ứng cho phía người tiêu dùng cũng như đảm bảo về mặt môi trường và lợi ích kinh tế.
Ở Việt Nam Ethanol được làm ra từ sắn, ở Đức làm ra từ cỏ hoặc rơm. Xăng E5RON95 là xăng có 5% Ethanol trộn với 95% xăng thường làm từ dầu mỏ. E5 là hỗn hợp chất đốt, nguyên liệu lỏng dùng cho động cơ chạy xăng.
Sản xuất Ethanol từ sắn sẽ rất đắt, 4kg tinh bột sắn mới sản xuất được 1kg Ethanol. Nếu đáp ứng nhu cầu hiện nay thì các nhà máy sản xuất Etanol phải bù lỗ. Hiện tại có 3 nhà máy sản xuất Ethanol đang phải đắp chiếu...
Một bài toán nhỏ nhỏ được đưa ra thế này; Một năm ở Việt Nam tiêu tốn khoảng 20 triệu tấn xăng/năm. Nếu dùng Xăng E5 RON 95 là xăng có chứa 5% Ethanol, thì một năm phải sản xuất là 1 triệu tấn Ethanol.
Như vậy, 1 triệu tấn Ethanol ở đâu ra? Như vậy chúng ta buộc phải nhập khẩu ethanol, nếu loại bỏ hoàn toàn xăng RON 95.
PV: Với tư cách là nghà nghiên cứu, nhà kinh tế sinh thái, Ts có ý kiến gì, để đóng góp xây dựng cho chủ trương của Bộ Công Thương?
TS Mai Huy Tân: Nước ta là một nước nông nghiệp, nếu Bộ Công Thương có chủ trương thay thế hoàn toàn bằng xăng E5RON95 cần phải có lộ trình. Cùng kết hợp cùng với Bộ Nông nghiệp, lên kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu sinh thái, đó là trồng sắn.
Cần giúp đỡ người nông dân trong việc định hướng trồng sắn đề cung cấp nguyên liệu sản xuất Ethanol. Tránh tình trạng thiếu thông tin khiến nhiều nông dân lúc thì hộ nhổ sắn đi trồng cây khác, nay nghe tin dùng xăng E5 họ lại rủ nhau trồng sắn.
Như vậy, nông dân luôn bị động, trong khi họ là người cần phải được giúp đỡ từ phía Chính phủ. Nếu nông dân trồng sắn mà phía doanh nghiệp không thu mua ngay cũng là một vấn đề nan giải; họ không thể định hướng trong việc nên trông cây gì cho phù hợp với năng suất và nhu cầu thực tế.
Hiện tại có 3 nhà máy Ethanol đang phải đắp chiếu, vì không có nhiên liệu sản xuất... Và như vậy không có cách nào khác phải bỏ tiền ra mua, nhập khẩu ethanol từ nước ngoài.
Nếu dùng xăng thường RON 95 hiện nay nhà máy Dung Quất và sắp tới là nhà máy hóa dầu ở Nghi Sơn sản xuất từ dàu mỏ do Việt Nam tự khai thác đưa về đó để lọc và sản xuất thành xăng. Do đó, không thể bỏ ngay xăng RON 95 mà cần phải có thời gian, có lộ trình.
PV: Có ý kiến cho rằng việc "khai tử" hoàn toàn xăng RON 95 là bất hợp lý và độc quyền,. TS có bình luận gì về ý kiến này?
TS Mai Huy Tân: Việc này Chính phủ phải đặt lên bàn cân, rõ ràng nếu thay đổi đột ngột, không có lộ trình thì thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế.
Trong khi tỉ lệ người thất nghiệp đang tăng, nhiều nơi đất bỏ hoang không canh tác, chúng ta lại đi nhập khẩu Ethanol đó là điều lãng phí rất lớn.
Vấn đề ở đây không chỉ nằm trong phạm vi của doang nghiệp mà nó ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả nước.
Thay đổi là tốt, nhưng phải có lộ trình, để tận dụng toàn bộ nguồn nguyên liệu sạch, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân.
Nguồn tin: phapluatplus.vn