Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thanh Hóa xin dừng nhập xăng vì Lọc dầu Nghi Sơn: Khó

Theo thành viên Ủy ban Kinh tế, việc dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường là không phù hợp. 

Ngày 5/7, ông Nguyễn Hữu Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với Đất Việt về đề xuất của Thanh Hóa muốn hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để ưu tiên sử dụng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sắp vận hành.

Theo ông Đức, đối với việc đầu tư vào dự án, nếu cam kết bao tiêu sản phẩm trong những năm đầu thì đã có quy định riêng của nghị định. Bây giờ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến doanh nghiệp, tiếp tục kiến nghị với Chính phủ như trên thì rất khó.

Ông nhắc lại những điều lo mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vừa qua với bốn nguyên nhân, thách thức dẫn đến sự chậm phát triển của đất nước.

Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương, phép nước không thực hiện nghiêm túc; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng, kéo dài và cuối cùng, bệnh quan liêu, xa dân trong nhiều vấn đề, nhiều chủ trương, chính sách nên việc huy động sức dân phát triển đất nước còn hạn chế.

Việc can thiệp để hạn chế nhập khẩu xăng dầu nước ngoài, ưu tiên dùng sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn là rất khó thực hiện. Ảnh: nsrp

Cũng liên quan đến vấn đề này, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh, trong đó có quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh.

Cơ quan nhà nước không được thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường như ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp can thiệp quá mức như vậy chắc chắn sẽ bị các tổ chức quốc tế phản ứng.

Bên cạnh đó, trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), WTO cũng nói nhiều về lĩnh vực hạn chế nhập khẩu, trong đó chỉ liên quan đến đạo đức, an ninh quốc gia, sức khỏe con người, động thực vật, bảo vệ những lĩnh vực rất hạn hẹp như tài nguyên quý hiếm, nghệ thuật lịch sử, bảo vệ môi trường...

Đối với các biện pháp về kinh tế có biện pháp tự vệ, nhưng tự vệ chỉ là trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, còn nếu can thiệp quá sâu thì sẽ vi phạm quy định của quốc tế.

"Dùng biện pháp hành chính can thiệp vào kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay là rất khó và không hay. Việt Nam đã hội nhập, phải điều hành kinh tế bằng biện pháp kinh tế chứ không thể một tay phát triển kinh tế thị trường rồi lại dùng những biện pháp phi kinh tế để can thiệp vào.

Như đã nói ở trên, Quốc hội đã thông qua Luật Cạnh tranh, nếu bây giờ lại thực hiện những hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì lại thành ra đi ngược với xu thế chung", ông Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Khẳng định rằng sử dụng biện pháp kinh tế tốt hơn là các biện pháp hành chính can thiệp vào nhập khẩu và các vấn đề của thị trường, vị Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, tự Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải giải quyết bài toán của mình bằng cách làm cho sản phẩm của mình cạnh tranh hơn về chất lượng, giá cả. Còn về môi trường, Chính phủ và địa phương sẽ lo tạo môi trường thuận lợi, hướng dẫn doanh nghiệp, giúp đầu ra của sản phẩm tốt hơn.

Về đề xuất của Thanh Hóa, trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng để khuyến khích khách hàng mua sản phẩm của mình thì tự Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải vận động, không nên dùng cơ chế hành chính để ép buộc. Cạnh tranh là ở yếu tố chất lượng sản phẩm, cách tiếp thị và giá thành.

Việc cần làm hiện nay là Việt Nam phải đàm phán lại với các nhà đầu tư của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để thay đổi các điều khoản đã cam kết cho hợp lý.

Nhà nước có thể tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận thị trường tốt hơn, với chi phí thấp hơn bằng cách giảm thiểu thủ tục giấy tờ, đơn giản hóa điều kiện nào đó mà Nhà nước đã đề ra, từ đó giúp Lọc dầu Nghi Sơn tiêu thụ được nhanh nhất, nhiều nhất lượng xăng dầu.

Nguồn tin: baodatviet.vn

ĐỌC THÊM