Số liệu trên vừa được Bộ Công thương cập nhật trong báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 và 10 tháng của năm nay.
Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm nhiên liệu, khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu tháng 10 giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 191 triệu USD, giảm 55,4% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm gần 49%, xuất khẩu xăng dầu giảm gần 75%, dầu thô giảm hơn 43%, quặng và khoáng sản khác giảm 48%.
Tính chung 10 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 2,5 tỉ USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với khai thác dầu thô và khí, Bộ Công thương cho rằng, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí vẫn được triển khai theo kế hoạch. Ước tính sản lượng khai thác dầu thô tháng 10 đạt 0,9 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng trước, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng, khai thác dầu thô ước đạt 9,5 triệu tấn, giảm 13,7% so với thực hiện 10 tháng năm ngoái.
Ngoài ra, trước diễn biến cực kỳ phức tạp và nguy hiểm của bão số 9, cơn bão được dự báo là mạnh nhất từ đầu mùa đến này, Bộ Công thương thông tin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thuộc tập đoàn nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn các dự án, công trình dầu khí, đồng thời cũng sẵn sàng các phương án tham gia hỗ trợ người dân khi cần thiết. Còn Công ty cổ phần Lọc dầu Bình Sơn (BSR) đã triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống bão, với phương châm “bốn tại chỗ”: lực lượng, chỉ huy, vật tư và hậu cần tại chỗ với mục đích đảm bảo cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định và liên tục.
Theo “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15.9, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, và tăng 6,8% trong năm 2021. Còn Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021. Bộ Công thương nhận định: “Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là tích cực. Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất kể những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai”.
Nguồn tin: Thanh niên