Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thách thức khi muốn tăng khai thác dầu lúc giá cao

 Trong khi giá dầu đang tăng cao, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết việc tăng khai thác các mỏ lúc này đang gặp nhiều khó khăn.

Hiện cả hai loại dầu chủ chốt là WTI và Brent đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 9. Giá dầu bình quân ở mức 80 USD một thùng. Trong lúc giá dầu thô trên thị trường thế giới đang tăng cao và dự báo có thể vượt 90 USD một thùng, thậm chí cán mốc 100 USD, nhiều ý kiến cho rằng có thể cân nhắc, xem xét tăng sản lượng khai thác dầu để bù đắp, tăng thu ngân sách.

Theo dự toán ngân sách Nhà nước 2022 đang được Chính phủ trình Quốc hội, dự toán thu từ dầu thô khoảng 28.200 tỷ đồng, chiếm 2% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước. Dự toán này đưa ra trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 7 triệu tấn với kịch bản giá dầu 60 USD một thùng.

So với số thu từ dầu thô năm 2011 khoảng 35.200 tỷ đồng với mức khai thác 8,48 triệu tấn (với giá dầu 62 USD một thùng), kế hoạch năm 2022 giảm gần 1,5 triệu tấn dầu khai thác, thu ngân sách cũng ít hơn khoảng 7.000 tỷ đồng.

Thẩm tra báo cáo này của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng chưa phù hợp khi dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao.

Công nhân Viesovpetro làm việc trên giàn khoan. Ảnh: PVN

Giải thích việc này, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhưng khả năng khó tăng sản lượng khai thác dầu thô năm sau.

Ông cho hay, tài nguyên tại các mỏ khai thác lâu nay suy giảm, việc gia tăng sản lượng tiềm ẩn rủi ro cho an toàn mỏ. "Chính phủ đã tính rất kỹ về sản lượng khai thác dầu năm 2022, nên mức 7 triệu tấn là phù hợp", ông nói tại thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội tuần trước.

Về phía PVN, tập đoàn này cho biết hiện phần lớn các mỏ hiện hữu đang khai thác đều suy giảm sản lượng, trong khi công tác phát triển mỏ mới gặp nhiều hạn chế. Do đó việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác, theo PVN, là thách thức rất lớn.

Thực tế phần lớn các mỏ dầu khí được đưa vào khai thác từ giai đoạn 1986 - 2015. Có những mỏ đã khai thác 15-35 năm, đang ở giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, độ ngập nước cao bình quân ở mức 50-90%. Điều này dẫn tới sản lượng suy giảm tự nhiên tại số mỏ này khoảng 15-25% mỗi năm.

Sản lượng khai thác dầu khí liên tục giảm từ năm 2015 đến nay. "Tăng khai thác tức là phải bơm nước để dầu nổi lên. Với các mỏ có độ ngập nước cao, việc này sẽ không đảm bảo kỹ thuật, khó có thể tăng sản lượng khai thác", một chuyên gia trong lĩnh vực thăm dò dầu khí chia sẻ.

Sản lượng khai thác dầu từ năm 2015 đến nay

Năm Sản lượng (triệu tấn/năm)
2015 16,9
2016 15,2
2017 13,4
2018 12
2019 11
2020 9,7
2021 8,48 (ước thực hiện)
2022 7 (kế hoạch)

Nguồn: PVN, dự toán ngân sách 2022 của Chính phủ

Ngoài giảm khai thác dầu, kế hoạch khai thác khí của PVN dự kiến cũng giảm do tình hình tiêu thụ khí khó khăn, nhất là khí cho điện giảm mạnh. Số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy, huy động khí cho điện chỉ bằng khoảng 72% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch, làm ảnh hưởng chung khi khí đồng hành tại các mỏ khai thác dầu không được huy động.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc PVN, cho hay việc khai thác mỏ phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư, nhưng hiện các hợp đồng, mỏ đều đã vận hành khai thác từ lâu, chưa có mỏ, hợp đồng mới. Muốn tăng sản lượng tại các mỏ đã khai thác, PVN phải dùng giải pháp kỹ thuật, song cũng chỉ là hỗ trợ, có thể thành công hoặc không.

Chẳng hạn, để hạn chế mức độ suy giảm sản lượng từ các giếng hiện hữu, hằng năm tập đoàn này và các nhà thầu khai thác đều tìm kiếm giải pháp khoan bổ sung nhưng số lượng cũng rất hạn chế. Thường sản lượng của các giếng khoan này cũng chỉ góp dưới 10% sản lượng chung của cả mỏ. Một số giải pháp khác như tối ưu hệ số sử dụng thiết bị, can thiệp giếng... cũng được triển khai, góp thêm 1-2% sản lượng cho mỏ.

Thêm vào đó, hoạt động dầu khí nói chung và đặc biệt hoạt động dầu khí ngoài biển có nhiều rủi ro bao gồm rủi ro về địa chất, rủi ro về điều kiện thời tiết ... dẫn đến sản lượng khai thác thực tế có những thay đổi so với kế hoạch. Thực tế, cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí cũng cho phép thay đổi giữa kế hoạch được phê duyệt và sản lượng thực tế ở mức 10%.

Cũng theo ông Hùng, để có thể khai thác được mỏ dầu, cần phải đầu tư mất hàng chục năm, từ khâu thăm dò trữ lượng, tìm kiếm thăm dò đến phát triển khai thác mới, có sản lượng. Nhưng thời gian qua việc đầu tư bị hạn chế nên không có trữ lượng và khó có sản lượng ngay được.

Chia sẻ thêm, ông Vũ Quang Nam, Phó chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp dầu khí cho hay, chi phí cho tìm kiếm thăm dò một giếng dầu tốn khoảng 10-15 triệu USD, nhưng tỷ lệ rủi ro trong thăm dò khai thác dầu khí thường cao, thành công chỉ chiếm khoảng 20%. Thủ tục phê duyệt dự án thăm dò khai thác dầu khí hiện đang giống các dự án đầu tư phát triển khác do Luật Dầu khí chưa sửa, khiến doanh nghiệp nhà nước như PVN gặp khó trong triển khai các dự án tìm kiếm thăm dò mỏ.

"Thế giới có thống kê nếu khoan từ 6 – 10 giếng mà thành công được 1 giếng thì đã là thắng lợi rồi", ông Nam nói và nhận định, phải có vốn đầu tư và có cơ chế để dầu khí có thể hoạt động được.

PVN cho biết, ngoài các giải pháp đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò, khai thác để gia tăng trữ lượng, cần xử lý các khó khăn liên quan 2 dự án trọng điểm về dầu khí là dự án khí Lô B và dự án khí Cá Voi Xanh để đưa hai mỏ này vào khai thác theo kế hoạch. Bên cạnh đó, nhà chức trách cần sớm phê duyệt cơ chế hoạt động cho một số lô dầu khí, thay đổi các điều kiện phân chia giữa nhà nước và nhà thầu.

Nguồn tin: PetroTimes

ĐỌC THÊM