Trong quý 1/2023, sản lượng tiêu thụ kênh bán lẻ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tăng tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tập đoàn đẩy mạnh mở rộng thị phần, mở thêm các trạm xăng dầu mới thông qua hoạt động M&A.
Trong quý 1/2023, sản lượng tiêu thụ qua kênh bán lẻ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tăng tới 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá mới nhất của SSI Research, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã cổ phiếu: PLX – sàn: HoSE) qua kênh bán lẻ (COCO) đang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh do nhờ giành thêm thị phần, qua đó bù đắp lại sự sụt giảm từ kênh hệ thống đại lý/tổng đại lý (DODO).
Cụ thể, trong quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế mảng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 402 tỷ đồng, tăng 456% so với mức nền thấp của năm 2022. Trong năm ngoái, tập đoàn này đã phải tăng tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá giao ngay cao hơn để đảm bảo cung ứng khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động.
Sản lượng tiêu thụ trong nước trong quý 1/2023 đạt 2,57 triệu m3, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do doanh thu từ kênh DODO trở về mức bình thường từ mức nền cao trong năm 2022 - thời điểm nhiều cửa hàng bán lẻ chuyển sang nhập hàng từ các đầu mối lớn trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ qua kênh COCO của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng mạnh, đạt 1,77 triệu m3 trong quý 1/2023, tăng 22% so với quý 1/2022. Trong 2 tháng đầu của quý 2/2023, sản lượng tiêu thụ qua kênh này tiếp tục tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã mở khoảng 20 trạm xăng dầu mới, chủ yếu vào tháng 4 và thông qua hoạt động M&A, giúp tiết kiệm thời gian triển khai so với việc xây dựng cửa hàng mới. Điều này đang giúp Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam gia tăng thị phần, củng cố kênh COCO.
Dự báo sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả năm nay của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ đạt 10,9 triệu m3, tăng 4% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng bán lẻ có thể tăng tới 12%, đạt 7,3 triệu m3. Tổng doanh thu năm 2023 dự báo đạt 282.000 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022 do giá xăng dầu bình quân năm nay có thể giảm tới 14% so với năm 2022.
Tuy nhiên, SSI Research nhận định lợi nhuận ròng của tập đoàn này trong năm nay có thể đạt tới 3.710 tỷ đồng, tăng đột biến 94% so với mức thực hiện của năm 2022, chủ yếu do biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ chuỗi cung ứng vận hành ổn định trở lại, cùng với đó là khoản lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã chứng khoán: PGB - sàn: UpCOM).
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Nếu loại trừ thu nhập bất thường từ việc thoái vốn, thu nhập cốt lõi của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong năm nay vẫn có thể tăng tới 66% so với mức thực hiện của năm 2022. Trong tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã hoàn tất việc thoái 40% vốn, tương ứng 120 triệu cổ phiếu tại PG Bank với mức giá trúng trung bình 21.400 đồng/cổ phiếu; qua đó, thu về số tiền hơn 2.568 tỷ đồng.
Các ước tính của SSI Research hiện cao hơn đáng kể so với kế hoạch kinh doanh thận trọng dự kiến được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trình cổ đông xem xét, thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 26/6 tới đây. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam dự kiến doanh thu thuần năm nay sẽ giảm 38% nhưng lợi nhuận trực thuế sẽ tăng 42% so với mức thực hiện của năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/6, giá cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 37.200 đồng/cổ phiếu.
Nguồn tin: Công thương