Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 3 nhà máy cồn sinh học: Tiêu hết 5.401 tỷ đồng chưa thấy hiệu quả

  Ngày 24-11, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã ký thông báo Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án này. 


Các nhà máy nhiên liệu sinh học được đầu tư lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả

Đầu tư 1.534 tỷ đồng rồi... dừng lại

Theo kết luận thanh tra, từ tháng 10-2007 đến tháng 3-2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) gồm các nhà máy nhiên liệu sinh học tại Phú Thọ, khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) và tỉnh Bình Phước. Công suất mỗi nhà máy là 100 triệu lít/năm; nguồn vốn đầu tư do các cổ đông góp 30%, vay tín dụng thương mại 70%. Đến thời điểm thanh tra (tháng 12-2014), dự án Dung Quất và Bình Phước đã đầu tư xong.

Đáng chú ý, cả 3 dự án này đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư với số vốn rất lớn và hiệu quả kinh tế hầu như không đạt được. Cụ thể, tại dự án Dung Quất, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.493 tỷ đồng, sau điều chỉnh thành 1.886,9 tỷ đồng, tăng gần 394 tỷ đồng. Nhà máy này hiện nay hầu như không vận hành thương mại. Cũng trong tình trạng tương tự, dự án tại Bình Phước có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 80,6 triệu USD, sau tăng lên thành 84,5 triệu USD. Tăng tổng mức đầu tư mạnh nhất là dự án tại Phú Thọ, với khoảng 1.167,43 tỷ đồng (từ 1.317,5 tỷ đồng thành 2.484,93 tỷ đồng). Dự án tại Phú Thọ được thực hiện đầu tư sớm nhất (tháng 9-2009) nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11-2011.

Rà soát lại quá trình đầu tư các dự án trên, Thanh tra Chính phủ kết luận, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm. Đơn cử, trong việc chỉ định Liên danh PVC/Alfa Laval thực hiện gói thầu EPC dự án Phú Thọ; Liên danh PTSC/Alta Laval thực hiện gói thầu EPC dự án Dung Quất, các nhà thầu PVC và PTSC đều đảm trách thực hiện các công việc quan trọng nhưng năng lực hạn chế, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án nhiên liệu sinh học, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến thi công dự án chậm tiến độ, gây hậu quả cho các chủ đầu tư. Đặc biệt, nhà thầu PVC đã dừng thi công dự án tại Phú Thọ gần 5 năm, vi phạm Hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng. Toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt nay đã han gỉ. Vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa được phát huy… Đến nay, các bên liên quan vẫn chưa tìm ra giải pháp, dự án đang trong tình trạng bế tắc...

Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong việc điều chỉnh giá trị Hợp đồng EPC dự án Dung Quất, chủ đầu tư và nhà thầu PTSC đã ký phụ lục hợp đồng EPC với giá trị điều chỉnh từ 59,177 triệu USD lên 67 triệu USD (tăng 3.245.532 USD) chưa có căn cứ, vi phạm quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Nhà thầu PTSC thi công dự án này chậm tiến độ tới 24 tháng; làm tăng chi phí cho chủ đầu tư. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rất nhiều vi phạm trong việc sử dụng vốn đầu tư; bảo lãnh thực hiện hợp đồng, tiền tạm ứng… trong 3 dự án kể trên.

Về hiệu quả đầu tư của 3 dự án cồn sinh học nghìn tỷ, Thanh tra Chính phủ đánh giá, sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều bị thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11-2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả. Ngoài các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc đầu tư chưa có hiệu quả như đã nêu trên, còn có các nguyên nhân khách quan như: khi đầu tư xong nhà máy thì giá mua sắn nguyên liệu tăng; giá dầu thế giới giảm sâu; thị trường tiêu thụ xăng E5 tại Việt Nam còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm ethanol rất hạn chế. Do đó, các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành thương mại...

Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm, khuyết điểm theo từng việc cụ thể. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án tại Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng (dự án Dung Quất); trong chỉ định thầu; trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn tin: Anninhthudo

ĐỌC THÊM