Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tank chứa dầu và đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn

Việc khai thác dầu, khí trên biển của Việt Nam là một đặc điểm nổi bật trong hoạt động dầu khí nói chung. Phản ánh tiềm năng dầu, khí trên thềm lục địa của chúng ta chiếm vị trí quan trọng hàng đầu so với những vùng triển vọng dầu, khí khác trên toàn lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam.

Dầu mỏ và khí đốt được khai thác ngoài biển cần chuyên chở tới nơi tiêu thụ,bởi vậy phải sử dụng các tàu chứa xuất dầu ngoài khơi và đường ống dẫn khí nhằm cung cấp dầu thô và khí đốt khai thác được từ các mỏ tới nơi tiêu thụ, chế biến trong đất liền.

Để đáp ứng với hoàn cảnh đó, ngành dầu, khí của chúng ta cũng được đầu tư đóng mới những kho nổi ngoài khơi và xây dựng các đường ống dẫn khí cách xa bờ hàng trăm km. Điển hình cho những công trình như vậy, có thể tìm hiểu qua những đặc điểm của hai loại công trình sẽ được giới thiệu cùng bạn đọc dưới đây:

Tank chứa dầu

Thực chất, từ “ tank” trong tiếng Anh là cái thùng chứa loại lớn, dùng chứa chất lỏng, nước, khí nén hoặc dầu. Trong công nghiệp dầu, khí được hiểu như một kho chứa nổi trên biển, nó có thể được dùng với những tên gọi khác nhau: “Kho nổi chứa dầu”, “Tàu chứa dầu không bến”. ... .Từ 1986, khi hoạt động khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ, ngành Dầu khí Việt Nam đã sử dụng các loại kho nổi khác nhau với quy mô tải trọng và mức độ tiến bộ của khoa học công nghệ khác nhau. Nhất là, những năm gần đây, do hoạt động khai thác phát triển, không chỉ tại mỏ Bạch Hổ mà còn tại các mỏ Rồng, mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, ... Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã triển khai đóng mới các loại kho chứa nổi có quy mô tải trọng lớn hơn, có mức độ tiến bộ của khoa học công nghệ cao hơn. Đáng kể, mới đây nhất, ngày 26 tháng 4 năm 2010, kho nổi chứa dầu FS05 đã được đưa vào sử dụng.

Dự án đóng mới kho nổi chứa xuất dầu FS05 đã được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ Tổng công ty công nghiệp tầu thủy Nam Triệu (NASICO), thành viên của Vinashin, đơn vị được giao đóng mới FS05.


Kho nổi chứa dầu FS 05

Kho nổi FS05 được thiết kế bởi các nhà tư vấn thiết kế Monobuoy –Vương quốc Anh và SINUS –Ba Lan, dưới sự phân cấp và giám sát thi công của cơ quan đăng kiểm ABS – Mỹ và VR - Việt Nam. Đây là sản phẩm đặc chủng lớn nhất do ngành đóng tầu Việt Nam chế tạo từ trước tới nay, cũng là công trình hiện đại nhất, lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam.

Kho nổi chứa xuất dầu này là một công trình hiện đại, làm nhiệm vụ: (i) tách lọc dầu, khí, nước từ mỏ đưa tới, thông qua đường ống dẫn ngầm dưới biển; (ii)xử lý nước vỉa với công suất 2400 m3/h và tách các tạp chất với kỹ thuật hiện đại; (iii) chứa dầu thô thương phẩm đã được xử lý với khối lượng trên 100.000 tấn và tiếp đó là (iv) xuất dầu thô cho các tầu chở dầu, tầu dịch vụ với lưu lượng 3500 – 5000 m3/h.

Kho nổi chứa xuất dầu FS05 là loại tầu một boong, không tự hành dạng khí động học, đáy đôi, thân mạn kép. Tầu dài 258,14m , rộng 46,4m, cao 24m, mớn nước 20m. Tải trọng toàn phần 150. 000 tấn, có hệ thống thu gom và trưng dụng khí tách ra trong quá trình xử lý, .... Tầu đảm bảo chức năng chứa và xuất dầu thô khai thác được từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng.

Kho được trang bị ở phần đuôi một hệ thống các phòng đủ chỗ sinh hoạt cho 50 người với tiện nghi theo đúng tiêu chuẩn 3 sao của châu Âu, có khu vực cho máy trưởng, thuyền trưởng được thiết kế trên boong D gần phía lái của FS05, có sân bay trực thăng trên boong đủ điều kiện đảm bảo dành cho máy bay MI – 17, theo tiêu chuẩn sân bay kho nổi (CAP 437).

Trên khu vực thượng tầng của FS05, còn được bố trí đủ các phòng thể thao, bể bơi, câu lạc bộ , thư viện, phòng hút thuốc, phòng y tế cùng nhiều tiện nghi khác đáp ứng cho mọi nhu cầu hoạt động của các thủy thủ trên tầu.

Ngoài ra, kho nổi FS05 còn được trang bị một hệ thống các phòng thí nghiệm có đủ các thiết bị phuc vụ cho việc kiểm tra chất lượng dầu trước, sau khi xử lý và dầu khi xuất thương phẩm cũng như kiểm định chất lượng nước thải ra biển.

Kho nổi FS05 cố định, neo buộc được nhờ hệ thống tháp neo bố trí bên ngoài ở phía mũi kho nổi. Tại đây kho nổi được giữ vững bằng 9 cọc neo với 9 sợi xích neo có đường kính từ 85 – 135mm đủ đảm bảo cho FS05 hoạt động ổn định trong vòng 10 năm, không phải lên ụ khô, khả năng có thể chịu được sức gió tới cấp 17. Ngoài hệ thống neo, kho nổi còn được thiết kế đủ bền cho kho hoạt động với tuổi thọ trong vòng 100 năm trong điều kiện khí hậu thời tiết như tại mỏ Rồng và mỏ Bạch Hổ của chúng ta.

Toàn bộ thiết bị cho FS05 đều được nhập khẩu từ các nước G7 và một số ít được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Có thể nói, kho nổi chứa xuất dầu FS05 là sản phẩm lớn nhất, từ trước tới nay, của ngành công nhiệp đóng tầu thủy Việt Nam và cũng là công trình lớn nhất, lần đầu tiên, được đưa vào phục vụ cho hoạt động khai thác dầu mỏ ngoài khơi của ngành công nghiệp Dầu, Khí Việt Nam.

Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn

Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn (NCSP) bao gồm đầu tư xây dựng và vận hành khai thác, được hình thành trên cơ sở “hợp đồng hợp tác kinh doanh-BCC”, theo phương thức BOT, có thời hạn hoạt động 35 năm. Các bên tham gia dự án là: Petrovietnam 51%; đối tác nước ngoài gồm Công ty đường ống khí BP Việt Nam (BP PipelineVietnam B.V) 32,67%; Công ty Statoil Vietnam A.S 16,33% (cuối năm 2001, Statoil đã chuyển nhượng cho công ty ConocoPhilips).

Công ty đường ống khí BP Việt Nam (BP Pipeline Vietnam B.V) là Người Điều hành trong thời gian xây dựng và vận hành 5 năm đầu tiên. Theo quy định của hợp đồng, quyền điều hành đã chuyển giao cho Tổng Công ty Dầu Khí Việt Nam (do PVGas là đại diện) từ ngày 1/1/2008


Sơ đồ tổng quan đường ống dẫn khí NCS

Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn bao gồm 4 hạng mục công trình:

- Hệ thống đường ống dẫn khí từ mỏ Lan Tây/Lan Đỏ thuộc lô 06-1 đến nhà máy xử lý khí Dinh Cố, thuộc thị trấn Long Hải, Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu. Toàn bộ đường ống dài 370 km (không kể đoạn từ nhà máy Dinh Cố đi các nơi khác), với đường kính 26 inch (~660mm). Đây là một đường ống hai pha, công suất thiết kế 19,8 tr.m3 khí/ngày(~ 7 tỷ m3 khí/năm). Đường ống có thiết kế đầu chờ ở những vị trí thích hợp để có thể tiếp nhận thêm khí từ các mỏ khác, trên thềm lục địa Đông Nam Việt Nam.

- Hệ thống đường ống dẫn khí từ nhà máy xử lý khí Dinh Cố tới Trung Tâm phân phối khí Phú Mỹ, dài 28,8km với đường kính 30 inch (~762mm), đây là đường ống 1 pha. Công suất vận chuyển tối đa 650-700 triệu feet khối/ngày (18,4-19,8 triệu m3 khí/ngày).

- Nhà máy xử lý khí Dinh Cố bao gồm các hệ thống công nghệ, điều khiển tự động, thiết bị đo lường, cấp thoát nước, điện và một số hạng mục phụ trợ khác. Công suất xử lý giai đoạn đầu là 10,5 triệu m3 khí/ngày, giai đoạn mở rộng là 18,4-19,8 triệu m3 khí/ngày. Sản phẩm chính của nhà máy là khí khô (chủ yếu là methan) và condensate.


NCS – Nhà máy xử lý khí Dinh Cố

Trạm đo đếm khí Nam Côn Sơn tại Phú Mỹ để xác định tổng lượng khí nhận và phân phối đi các hộ tiêu thụ.

Ngoài ra, Petrovietnam/PVGas đầu tư 100% xây dựng Trung tâm Phân phối khí Phú mỹ bao gồm các hệ thống lọc, đo lường, kiểm tra chất lượng khí tiếp nhận từ hệ thống khí Nam Côn Sơn.

Tổ hợp nhà thầu xây lắp đường ống gồm: European Marine Contractors (EMS), Halliburton, Xí nghiệp Liên Doanh Vietsovpetro là nhà thầu chính thi công rải đường ống dưới biển. Tuy nhiên tổ hợp này vẫn phải sử dụng các dịch vụ của nhà thầu phụ:

Theo thỏa thuận giữa các bên tham gia dự án khí NCS, Petrovietnam là chủ đầu tư, trực tiếp chỉ đạo thi công xây dựng Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ (GDC). Thiết kế tổng thể do Brown & Roots (Mỹ), Daewoo Engineering (Hàn Quốc) là tổng thầu xây dựng. Công trình được thiết kế, xây dựng từ tháng 8/2001 đến tháng 12/2002.

Tháng 1/2003 GDC Phú Mỹ chính thức tiếp nhận khí NCS và vận hành thương mại cùng toàn bộ hệ thống khí NCS.

Bên cạnh việc tiếp nhận khí khai thác từ mỏ Lan Tây/Lan Đỏ, cung cấp cho các nhà máy điện tại Phú Mỹ, GDC Phú Mỹ còn phối hợp với trạm phân phối khí Phú Mỹ của dự án “hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ-Thủ Đức, điều hòa 2 nguồn khí Bạch Hổ-NCS để cung cấp liên tục khí cho cụm khu công nghiệp điện-đạm Phú Mỹ hoạt động với hiệu quả cao.

Tổ hợp nhà thầu các công ty Hàn Quốc do KNOC điều hành, đã phát hiện khí tại mỏ Rồng Đôi-Rồng Đôi Tây thuộc Lô 11-2, nằm trên tuyến đường ống NCS. Qua thời gian dài thảo luận giữa các bên chủ đầu tư dự án NCS và KNOC, đã đạt được thỏa thuận. Ngày 25/12/2006, đường ống NCS bắt đầu nhận khí lô 11-2 để vận chuyển vào bờ, cung cấp nguồn khí bổ sung cho khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tầu.

Dự án đường ống dẫn khí NCS đã áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quản lý về sức khỏe, an toàn, môi trường tiên tiến của thế giới. Đã nhận được chứng chỉ về môi trường ISO 14001 năm 2003 và chứng chỉ về an toàn –sức khỏe nghề nghiệp OHSAS18001 năm 2006.

Sau hơn 10 năm vận hành thương mại (2003-2013), đường ống dẫn khí NCS đã chuyển tải trên 50 (năm mươi) tỷ m3 khí từ mỏ Lan Tây-Lan Đỏ, lô 06 -1 và từ mỏ Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây lô 11- 2 (từ 2006 ).Toàn bộ hệ thống đường ống được vận hành một cách an toàn, đạt công suất thiết kế vào tháng 10 năm 2008. Cung cấp khí ổn định cho các nhà máy điện tại khu công nghiệp Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nhơn Trạch (Đồng Nai), đáp ứng khoảng 30% tổng sản lượng điện năng của Việt Nam. Dự án NCS đã khẳng định vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước.

Thách thức lớn nhất đặt ra với dự án NCS là cung cấp nguồn khí ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì hoạt động an toàn, đạt độ tin cậy cao trong bối cảnh cùng lúc phối hợp vận hành với 4 chủ khai thác khí và đáp ứng đầy đủ nhu cầu khí của các nhà máy nhiệt điện.

Hệ thống đường ống dẫn khí này vận hành theo các chuẩn mực quốc tế. Theo đó, việc duy trì đánh giá năng lực của nhân viên, duy trì hiệu quả vận hành luôn an toàn và đạt độ tin cậy cao là nhiệm vụ rất quan trọng.

Bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra sau hơn 10 năm vận hành dự án

Công ty NCS đã áp dụng thành công chính sách đào tạo nhân viên Việt Nam đủ năng lực và kỹ năng đảm trách và thay thế các vị trí trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm. Khi bắt đầu triển khai dự án, chuyên gia nước ngoài chiếm 30% tổng số nhân lực. Hiện nay, nhân viên Việt Nam có thể đảm trách được 100% các công việc. Đội ngũ người Việt Namđã trưởng thành, có thể đảm đương các vị trí chủ chốt.

Ngoài đầu tư thiết bị hiện đại, công ty NCS còn phát triển được hệ thống quản lý, điều hành riêng của mình bám sát tình hình thực tiễn. Điểm sáng lớn nhất là vận hành hơn 10 năm an toàn, không gây tai nạn, không làm tổn hại tới sức khỏe con người và môi trường. NCS đang phấn đấu trở thành công ty vận chuyển khí Việt Nam có đẳng cấp quốc tế.

Nguồn tin: petrotimes.vn

ĐỌC THÊM