Dịch bệnh do virus corona ở Trung Quốc đã gây ra những hạn chế đối với giao thông công cộng và du lịch hàng không tại các quốc gia ở cả cấp độ nội địa và quốc tế, làm giảm nhu cầu về dầu, hiện đã giảm 20% kể từ đầu năm đến nay.
Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu giảm mạnh
Tác động của virus corona đối với nhu cầu dầu thế giới năm 2020
Đánh giá tác động của virus corona, công ty Rystad Energy đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu hàng năm giảm 25% xuống còn 820.000 thùng/ngày vào năm 2020.
"Dự báo tăng trưởng trước đây của chúng tôi, công bố vào tháng 12, trước khi dịch virus corona bùng phát, ở mức 1,1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, tác động của virus corona đối với tăng trưởng nhu cầu có thể còn lớn hơn, trong trường hợp xấu nhất sẽ phải cắt giảm tăng trưởng xuống mức thấp nhất là 650.000 thùng/ngày".
"Đánh giá hiện tại của chúng tôi cho rằng tác động của virus corona sẽ tồn tại trong suốt tháng 2 và tháng 3, sau đó sẽ giảm dần vào tháng 6".
Do đó, dự kiến các hạn chế di chuyển và kì nghỉ kéo dài ở Trung Quốc sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu trong quí I và một phần của quí II. Dự báo nhu cầu sẽ bắt đầu phục hồi vào tháng 4 và tháng 5", ông Bjornar Tonhaugen, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc Bộ phận Thị trường dầu mỏ của Rystad Energy cho biết.
Tác động theo từng quí
Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong quí đầu tiên dự kiến gần như bị mất hoàn toàn. Ước tính của Rystad Energy cho thấy nhu cầu sẽ chỉ tăng 0,1 triệu thùng/ngày, giảm mạnh so với mức tăng trưởng dự kiến là 1,2 triệu thùng/ngày trước đó.
Trong tổng mức giảm trên, 0,9 triệu thùng/ngày là do sự suy giảm tăng trưởng khi nhu cầu thấp hơn ở Trung Quốc và 0,2 triệu thùng/ngày là do các nước khác trên thế giới.
Nhìn chung, dự kiến nhu cầu của Trung Quốc trong quí I sẽ giảm 0,3 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm ngoái thay vì tăng 0,6 triệu thùng/ngày trong dự báo trước đó. Đây sẽ là lần giảm hàng quí đầu tiên trong 7 năm.
Đối với các nước khác trên thế giới, nhu cầu hiện chỉ tăng 0,4 triệu thùng/ngày so với dự kiến tăng 0,6 triệu thùng/ngày.
"Xét théo góc độ kinh tế vĩ mô, chúng tôi nhận thấy rủi ro trong tăng trưởng nhu cầu dầu ngắn hạn còn tăng cao khi các chỉ số kinh tế từ Ấn Độ - một trong những động lực tăng trưởng nhu cầu chính - chậm lại cùng với chỉ số sản xuất PMI của châu Âu suy yếu.
Dự báo gần đây ước tính tăng trưởng GDP của Ấn Độ chỉ ở mức 5% trong năm nay, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. PMI sản xuất châu Âu vẫn ở mức 46, thấp hơn mức cao nhất là 50.
Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất
Nhu cầu dầu của Trung Quốc chiếm 13% tổng sản lượng toàn cầu năm 2019, ở mức 13,6 triệu thùng/ngày.
Trước khi dịch virus corona bùng phát, dự kiến nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 400.000 thùng/ngày trong năm nay, gồm mức tăng 100.000 thùng/ngày đối với nhiên liệu máy bay.
"Hiện chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc xuống còn 230.000 thùng/ngày trong năm nay và dự kiến nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ chịu tác động tiêu cực lớn nhất".
Theo dữ liệu của Rystad Energy, nhu cầu nhiên liệu máy bay của Trung Quốc giảm 30% trong tháng 1 và có khả năng giảm 60% trong tháng 2 và tháng 3.
Các hạn chế du lịch của Trung Quốc vào đúng mùa cao điểm khi hàng trăm triệu người thường đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán. Điều này có nghĩa là một phần nhu cầu dầu trong năm nay sẽ bị mất vô thời hạn.
Tác động vượt xa dịch SARS
Virus corona, giống như khủng hoảng kinh tế hay xung đột vũ trang, là sự kiến quốc tế làm giảm đáng kể nhu cầu dầu.
Virus SARS, có nguồn gốc từ Trung Quốc vào cùng thời điểm này năm 2003, đã xóa bỏ hoàn toàn sự tăng trưởng của nhu cầu nhiên liệu máy bay toàn cầu trong năm đó, dự báo ở mức khoảng 200.000 thùng/ngày.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng gấp đôi kể từ năm 2003. Quốc gia này chiếm 14% lượng hành khách hàng không toàn cầu và khoảng 13% thương mại hàng hóa toàn cầu, đó là lí do tại sao tác động của sự bùng phát virus corona sẽ còn lớn hơn dịch SARS.
Hơn nữa, số người tử vong vì virus corona tính đến ngày 19/2 đã vượt qua dịch SARS.
Vào mùa cao điểm trong tháng 2 và tháng 3, những hạn chế hàng không của Trung Quốc và quốc tế có thể làm nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm 900.000 thùng/ngày so với mức tăng trưởng dự kiến trước đó.
Nguồn tin: Vietnambiz