Theo tính toán, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/7 sẽ đẩy CPI tăng thêm 0,27%-0,29%.
Theo công bố của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay tăng 0,61% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, CPI tháng 6/2018 tăng 4,67% so cùng kỳ năm trước; tăng 2,22% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,29%.
Tháng này có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,08%; Giao thông tăng 1,04 %; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; Giáo dục tăng 0,11%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,11%.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng này, giá thịt lợn tăng cao do sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại phải bỏ chuồng nên nguồn cung sản phẩm thịt lợn trên thị trường giảm, giá thịt lợn tăng 8,12% so với tháng trước làm tăng CPI chung 0,34%.
Bên cạnh đó, mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 22/6 nhưng do ảnh hưởng của đợt tăng giá tháng trước nên bình quân tháng 6/2018 giá xăng dầu tăng 2,38% so với tháng trước làm tăng CPI chung 0,1%.
Ngoài ra, đẩy CPI tháng này là do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% do xi măng tăng 20.000 đồng/tấn; nắng nóng làm tăng nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt; giá gas tăng 5,12% từ 1/6 và nhu cầu du lịch tăng cao.
Ngược lại, một số yếu tố giúp kéo giảm CPI tháng 6 là giá gạo giảm 0,5% nhờ nguồn cung dồi dào; giá quả tươi, quả chế biến giảm do nguồn cung dồi dào.
Tổng cục Thống kê đánh giá lạm phát là một trong những vấn đề mà nền kinh tế phải đối mặt nửa cuối năm nay bởi lạm phát dù trong tầm kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bởi CPI tháng 6 cao nhất trong 8 năm qua với 10/11 nhóm hàng tăng cao.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều yếu tố tác động tới lạm phát. Trong đó, đáng chú ý là thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu từ 1/7 theo tính toán của Tổng cục Thống kê sẽ làm CPI tăng thêm khoảng 0,27%-0,29%.
Bên cạnh việc tăng thuế, giá xăng cũng là yếu tố khó dự báo những tháng cuối năm. Theo đại diện Tổng cục Thống kê, do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và kêu gọi đồng minh không mua xăng dầu từ nước này. Do đó, theo dự kiến nguồn cung dầu từ Iran sẽ giảm mạnh và có thể tác động tới giá xăng dầu thế giới những tháng cuối năm nay.
Ngoài ra, bà Ngọc cũng chỉ ra hàng loạt yếu tố tác động tới giá cả cuối năm nay là từ 1/7 tăng lương tối thiểu thêm 90.000 đồng sẽ ảnh hưởng khu vực dịch vụ và khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; tăng giá dịch vụ y tế từ tháng 7, tăng giá dịch vụ giáo dục từ tháng 9; giá thịt lợn; thiên tai cuối năm...
“Tuy nhiên, với quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, hàng tháng đều có kịch bản, chúng tôi cũng phải rà soát lại từng tháng và xây dựng lại kịch bản báo cáo Chính phủ. Mức lạm phát dưới 4% chắc sẽ đạt được”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.
Nguồn tin: cafef.vn