Nếu thông qua Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/ lít, dầu diezel tăng thêm 500 đồng, lên 2.000 đồng/ lít.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính được phân công chuẩn bị tờ trình và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch, dự thảo nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 diễn ra trong vài ngày tới (từ ngày 11/7 đến 13/7).
Tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách diễn ra tuần trước, cơ bản các ý kiến đã nhất trí với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung.
Cụ thể, theo đề xuất của Chính phủ, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được kiến nghị tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít.
Trong khi đó mức thuế này với dầu diezel tăng thêm 500 đồng, lên 2.000 đồng/lít, dầu ma dút tăng 900 đồng lên 2.000 đồng/kg.
Để những đề xuất trên thành hiện thực, theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, và thông thường sẽ có hiệu lực sau 45 ngày ký.
Tuy nhiên, thời điểm áp dụng tăng thuế hiện nay đang được cơ quan chức năng cân nhắc có thể là từ ngày 1/8 theo cơ chế đặc biệt hoặc từ ngày 1/10.
Đáng chú ý, lý do đề xuất tăng kịch khung với thuế bảo vệ môi trường, theo Bộ Tài chính, là "thuế nhập khẩu giảm mạnh", đồng thời giúp tăng thu gần 15.700 tỷ đồng mỗi năm.
Thuế nhập khẩu với xăng hiện áp dụng là 20% và với các loại dầu là 7%. Tuy nhiên, với các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, mức thuế ưu đãi sẽ về 10% với xăng và 0% với dầu.
Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được thông qua, giá xăng dầu rất có thể sẽ tăng lên. Ảnh: Vũ Phương
Theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ nhập khẩu xăng dầu đang liên tục giảm qua các năm khi một số nhà nhập khẩu chuyển sang nhập từ các thị trường có mức thuế ưu đãi.
Đầu tháng 4/2015, thuế bảo vệ môi trường với xăng đã được điều chỉnh tăng gấp ba từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng mỗi lít và là cơ sở giúp ngân sách tăng thu đáng kể trong vài năm trở lại đây.
Với phương án đề xuất điều chỉnh tăng tiếp lên 4.000 đồng, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng một năm, tăng khoảng 15.684 tỷ đồng mỗi năm.
Trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: “Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu lên kịch khung là điều vô tình và vô lý.
Vô tình với người dân bởi rất nhiều các loại thuế gián thu sắp sửa tăng đều có lộ trình từ năm 2019. Rõ ràng người dân, người tiêu dùng phải gánh. Còn vô lý ở điểm tăng thuế môi trường lên vì nguồn thu giảm”.
Không ít ý kiến cho rằng, năm 2017, kinh tế Việt Nam được cho là gặt hái nhiều chỉ số tăng trưởng kỷ lục so với nhiều năm trước cộng với thuế nhập khẩu giảm thì người dân phải được hưởng lợi.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Bùi Trinh cũng đặt ra thắc mắc: “Kinh tế Việt Nam năm 2017 được báo cáo là các chỉ số tăng trưởng kỳ tích, năm kinh tế thắng lợi, vậy thì lẽ ra người dân phải được hưởng lợi hơn chứ sao phải phải chịu thêm gánh nặng về thuế. Đây là nghịch lý cần phải giải quyết.
Trong câu chuyện này Chính phủ không được lợi, người dân không được lợi, vậy ai được hưởng lợi?
Vấn đề giảm thuế nhập khẩu cũng cần được nghiên cứu đánh giá, vì việc ký kết các hiệp định này có lợi cho xuất khẩu, nhưng giá trị xuất khẩu phần lớn lại ở khu vực doanh nghiệp FDI, chúng ta không được hưởng lợi nhiều.
Nhưng ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập vào trong nước sẽ không bị đánh thuế dẫn tới hàng nội địa khó có thể cạnh tranh được.
Những con số kỷ lục, tăng trưởng kinh tế ấn tượng và thuế nhập khẩu giảm, nhưng người dân lại phải đóng thêm thuế thì cần phải xem lại”.
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, cần làm rõ số tiền thuế bảo vệ môi trường sử dụng như thế nào, đúng mục đích hay không. Ảnh: Thu Phương
Tiến sĩ Bùi Trinh cũng chỉ rõ: “Tăng thuế để bảo vệ môi trường, nhưng thực tế thì khí thải phương tiện giao thông vận tải có nhiều hơn so với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hay lĩnh vực xây dựng không?
Rõ ràng việc đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như vậy là không phù hợp với thực tiễn, thiếu sự nghiên cứu, đánh giá khoa học.
Trong khi đó, báo cáo về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính thì lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu chiếm 52% lượng khí nhà kính. Trong đó, 73% xuất khẩu từ khu vực FDI.
Hơn nữa, báo cáo về môi trường cũng cho thấy, tăng khí nhà kính ngày càng cao, vậy số tiền đánh thuế trước đây để bảo vệ môi trường sử dụng như thế nào, có sử dụng vào mục đích bảo vệ môi trường không cái này cần phải làm rõ, công khai minh bạch để người dân biết”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Trong bối cảnh mỗi lít xăng đang phải “cõng” nhiều loại thuế phí thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức kịch khung để tăng thu ngân sách là điều không hợp lý.
Lý giải khi đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là do thuế nhập khẩu xăng dầu giảm và giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực là thiếu thuyết phục.
Vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường”.
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Việc tăng thuế kéo theo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng theo, chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động, tác động đến giá cả hàng hóa.
Đồng quan điểm, trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, các nước tiên tiến trên thế giới đều áp dụng thu Thuế bảo vệ môi trường nhưng có nhiều tiêu chí đi kèm.
Tiêu chí đầu tiên là giao thông không được tắc ngẽn, giao thông không bị chậm và không được ngập nước.
Hàng loạt các vấn đề trên dẫn đến lộ trình của phương tiện phải được thông thoáng. Thuế bảo vệ môi trường phản ánh trực tiếp đến lượng xăng, dầu được tiêu thụ.
Người dân đổ xăng, dầu sẽ bị đánh thuế là điều hiển nhiên. Nhưng việc đánh Thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn nghịch lý.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, tăng thu Thuế bảo vệ môi trường thì phải minh bạch tiền thuế này để dùng vào vấn đề gì. Ảnh: VTV
Tiến sĩ Nhân đưa ra ví dụ, một phương tiện đi từ điểm A đến điểm B lẽ ra chỉ mất 10 phút trong điều kiện giao thông tốt. Đối với đường giao thông ở Việt Nam, phương tiện di chuyển từ điểm A đến B lại mất 50 phút do tiêu tốn năng lượng hơn.
Trong đó, người dân đổ xăng đã phải “cõng” 4 loại thuế và 3 loại phí nên cần phải cân nhắc khi tăng Thuế bảo vệ môi trường bao nhiêu là phù hợp?
Thuế bảo vệ môi trường cần phải đáp ứng những tiêu chí, tiêu chuẩn trong điều kiện giao thông ở Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh, về nguyên tắc cơ chế thị trường, kinh tế thị trường phải đảm bảo vấn đề “win – win”. Có nghĩa, khi tăng thu Thuế bảo vệ môi trường thì phải minh bạch tiền thuế này để dùng vào vấn đề gì?
Ở nhiều nước trên thế giới, người dân được biết nhà nước dùng tiền thuế đã thu vào những mục đích, như: Trồng cây xanh, cải tạo ô nhiễm kênh rạch…
Thuế bảo vệ môi trường được các quốc gia sử dụng để cải tạo môi trường sạch đẹp hơn. Môi trường ở đây cũng là khí thải khi động cơ thải ra.
Tiến sĩ Nhân nhấn mạnh, nhà nước đặt vấn đề tăng Thuế bảo vệ môi trường nhưng cần phải đảm bảo được các điều kiện mục đích sử dụng tiền thuế của người dân cho phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đặt câu hỏi, nhiều người đặc biệt quan tâm là tiền thu được từ thuế đánh vào xăng dầu có thực sự dùng cho việc bảo vệ môi trường hay không?
“Điều này không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều người dân quan tâm, băn khoăn. Chính băn khoăn đó là điều làm cho phần đông các ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này”, đại biểu Cường nói.
Nguồn tin: giaoduc.net.vn